Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Ngày 27-07 Chúng ta cầu mong linh hồn Y Hòa, Chấn Hưng và các Liệt sỹ K22 được siêu thoát

Liệt sĩ Y Hòa Mlo Dzuon Dzu

Liệt sĩ Y Hòa

Học sinh khóa 7
Sinh 1954 tại Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk.
NR: Khu TT Ban Dân tôc TW, Dốc Ngọc Hà, 5B Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, HN
Nhập ngũ: 06/01/1972 (HT: 651091 IA01)
Chức vụ: 
Trung đội trưởng trung đội hỏa lực 12 ly 7
Đơn vị: C16, D8, E209, F312
Hy sinh 16/10/1972 (10/9 
Nhâm Týtại Mặt trận Quảng Trị - đồi Cháy, thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.
Bia tưởng niệm các liệt sỹ Đồi Cháy
Mộ tại: Nghĩa trang Liệt sĩ TP Pleiku (đưa nắm đất về) - Chưa xác định được mộ phần.
Liên hệ gia đình: anh Y Nguyên (Võ Động Sơn) K5, Plei-ku, Buôn Mê Thuột (0912609599).

Xem bài viết:

Lá thư cuối của liệt sĩ Y Hòa gởi về gia đình.

Hôm nay là ngày Kỷ niệm Thương binh Liệt sỹ( 27/7):Tinh thần của ngày này vẫn luôn đọng lại trong mỗi người chúng ta nỗi trăn trở không yên, khi mà vẫn chưa đưa được các bạn về với gia đình! Trong bài viết của Thanh Sơn có nhắc tới lá thư cuối cùng của Y Hòa viết cho ba, má trước khi đi vào chiến trường. Mặc dù lá thư này đã được đăng trong báo "Tuổi trẻ chủ nhật" đăng ngày 10/8/2003 từ lâu. Tập hai "Sinh ra trong khói lửa"cũng có. Nhân dịp này, tôi nghĩ đăng lại lá thư này sẽ không thừa? Dù sao cũng còn nhiều người chưa biết tới lá thư này? Qua nét chữ nghiêng nghiêng có phần bay bướm của bạn. Chúng ta hiểu thêm tâm tư, tình cảm của những người lính ngoài chiến trường. Riêng những người lính còn được may mắn như chúng tôi thì mỗi lần đọc lá thư này đều khóc!

Ngày 18 tháng 8 năm 1972
Ba má thương nhớ của con!
Hôm nay, từ Quảng Trị con viết thư cho ba má. Sau chặng đường hành quân vượt Trừơng Sơn nóng bỏng, con vừa nghỉ chân.
Ba má ạ! Đến nay, tụi con mỗi đứa một nơi không còn được sống chung với nhau nữa. Vẫn thuộc sư đoàn nhưng thằng Sơn (con chú Chiến) về đơn vị công binh, còn con với thằng Chấn Hưng ở lại tiểu đoàn cũ vưà biên chế thành tiểu đoàn 12 ly 7 pháo phòng không của sư. Buồn quá ba má ạ! Hôm chia tay, thằng Sơn khóc quá. Hiện chưa biết nó ở đâu, Nam hay Bắc?
Còn đơn vị con chỉ là đơn vị phục vụ chiến dịch. Buồn quá vì không đuợc ở bộ binh chiến đấu mặt giáp mặt với quân thù. Con bây giờ gầy hơn trước vì vừa qua hai tháng gian nan, ác liệt. Vào đây mới thấy ở ngoài Bắc tụi con rèn luyện chẳng ăn thua gì cả. Lúc ở nhà thì sướng như tiên, vào đây thì chẳng có gì ăn, chỉ có cơm với muối thôi. Nhưng vì mệt nên ăn vẫn rất khỏe. Nấu cơm thì chật vật mất mấy tiếng đồng hồ mới chín vì máy bay quần suốt. Ngủ hầm thì ẩm thấp, lầy lội và muỗi nhiều vô kể. Sáng dậy vừa chui ra khỏi màn là muỗi đốt như điên, toàn nhằm vào đầu. Hành quân liên tục suốt ngày suốt đêm. Vác súng đạn nặng nên hai vai sưng đỏ rần cả lên. Có một điều may mắn là con vẫn chưa bị sốt rét lần nào cả. Không biết sẽ thế nào nhưng giờ thì vẫn khỏe. Vì đã xác định trước sẽ khó khăn gian khổ nên con quyết vượt qua. Nhiệm vụ chiến đấu là trên hết mà.
Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị giờ là một nên dân chúng ra vào như đi chợ. Tuy vậy, ở vùng mới giải phóng còn khá phức tạp, chính quyền cách mạng ở đây phải rất vững. Có cửa hàng bách hóa của ta cung cấp nhiều mặt hàng và bán cả bằng hai thứ tiền. Hàng hóa Mỹ thì bãi bỏ triệt để. Dân chúng đã quen với B52, khắp nơi chi chít những vệt bom B52, nhiều khu rừng đã bị chúng thiêu huỷ bằng địa.
Ba má ơi! Hiện giờ chúng con vẫn nằm chờ chiến dịch. Ở Quảng Trị việc giành giữ đất rất gay go, nhất là vùng giáp ranh ngày nào cũng có chiến sự. Bọn con chỉ bắn máy bay thôi, nếu căng lắm mới hạ tầm để đánh bộ binh địch. Vì tiểu đoàn mới nhận súng và mới thành lập, chưa chiến đấu trận nào. Con và thằng Vũ Trung vẫn ở cùng một đại đội với thằng Hưng. Khi hành quân ở Trường Sơn, bọn con gặp nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều. Họ chỉ thích đổi gạo lấy gà chứ không thích đá lửa nên đá lửa con vẫn còn. Thuốc bổ Polyvitamine của má cho con vẫn giữ một gói. Má ạ, bây giờ mới thấy B1 là cần thiết vì không tài nào tìm được một cọng rau. Kiếm được ít lá khoai, lá sắn là mừng lắm. Bây giờ thịt hộp cũng chẳng còn, chỉ có mắm tôm, muối, ít ruốc nên người đứa nào cũng phờ phạc. Mì chính thì nhiều lắm, bọn con cứ pha từng thìa mì chính với nước lã làm canh chan ăn.
Ba má ạ! Bây giờ con mới thấy nhớ nhà, nhớ ba má và anh chị em. Ở giới hạn giữa cái sống và cái chết nhiều lúc ứa cả nước mắt vì nhớ nhà. Biết đâu và vĩnh viễn con chẳng còn được thấy ba má và anh chị em con nữa. Trong chiến đấu điều đó đã trở thành bình thường, cái chết chẳng đe dọa được ai nhưng nó vẫn cứ rình rập đâu đây. Lính tiểu đoàn 56 cùng huấn luyện với tụi con vừa bị B52 rải thảm làm chết ba đứa và bị thương cũng nhiều. Tiểu đoàn con cũng bị máy bay ném bom và bắn rôc- két, may mà không ai bị sao. Con vẫn giữ một cái ảnh của gia đình nhưng thiếu chị Thanh và thằng Trung, thằng Thắng. Nhưng cũng chẳng sao cả vì con vẫn nhớ và hình dung ra chúng nó.
Ba má ơi, không hiểu ở nhà bây giờ ra sao? Ba má có được mạnh khỏe không? Anh Nguyên và chị Thanh học ra sao rồi? Chị Thanh năm nay có khỏe không, có đỗ đại học không? Con Nhung, thằng Trung, thằng Thắng năm nay chắc học ở Chi Nê? Má bảo rằng con vẫn mạnh khỏe và vẫn nhớ chúng nó nhé! Con vẫn hành quân, chưa nghỉ và chắc chẳng bao giờ nghỉ đâu. Còn Thái Hòa không hiểu bây giờ nó ở đâu? Chắc là nó thơm hơn tụi con rồi. Nhưng thôi, sau này về chắc tụi con sẽ lại thơm hơn. Chính trị viên của con nói chỉ còn đánh độ một hay hai chiến dịch nữa thôi.
Cuối thư con chúc ba má và cả nhà mạnh khỏe, chúc cả nhà gặp nhiều may mắn.
Con của ba má.
Quân giải phóng Bắc Quảng Trị – Y Hòa. 
Hòm thư của con: 651091 JA01
TB: Con đã viết về nhà bốn, năm lá thư nhưng vẫn chưa nhận được thư nào.

Đây là lá thư cuối cùng của Y Hòa gửi về cho gia đình. Hai tháng sau, ngày 16 tháng 10, Y Hòa đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi.


Liệt sĩ, Nhà báo Ngô Tất Thắng

Liệt sĩ, Nhà báo Ngô Tất Thắng

Học sinh khóa 7
Sinh: 1956
Phóng viên Báo Quân đội Nhân dân.
Hy sinh: 1/1/1979 (3/Tháng Chạp Mậu Ngọ), Mặt trận đồn điền cao su Chúp, Kongpong Cham, Campuchia
Chôn cất: Nghĩa trang Từ Sơn, Bắc Ninh (quê cụ Ngô Từ Vân).
Liên hệ gia đình: Mẹ Toàn, số 14, Khu tập thể Cty Dịch vụ nông nghiệp Từ Liêm, Mỹ Đình (04-38374384).
Xem bài viết:

5 nhận xét:

  1. Đọc xong lá thư cuối cùng của Y Hòa mình thấy cay cay nơi sống mũi. Thương cho một ngườ bạn cùng khóa .

    Trả lờiXóa
  2. Cầu mong tất cả linh hồn của các bạn Y Hòa, Chấn Hưng và các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát!
    Bức thư của bạn Y Hòa cảm động quá!
    Cám ơn T. H đã sống rất vì bạn bè và đồng đội!

    Trả lờiXóa
  3. Đọc thư của bạn Y HÒA mình cảm động quá và rất tự hào NGUYỂN TRÃI K22 của chúng ta có những người bạn như Y HÒA và CHẤN HƯNG

    Trả lờiXóa
  4. Y Hòa hiền hậu, chân thành nhưng rất mạnh mẽ. Mình đã từng xem bạn ấy tập võ cùng bạn Ngô Thái Hòa ( đang ở Beclin ). Những đường quyền cước của 2 bạn ấy thật uyển chuyển, đẹp mắt nhưng cũng thật dũng mãnh đầy uy lực.
    Mình cũng đã từng học cùng và chơi thân với bạn Ngô Tất Thắng ( Lớp 8, trường Nguyễn Gia Thiều ). Thắng cũng thích về kỹ thuật như mình nhưng lại đặc biệt giỏi văn. Những bài văn của bạn ấy làm thường được đọc trước lớp như 1 bài văn mẫu.
    Giờ đây Y Hòa, Ngô Tất Thắng , Chấn Hưng...đã đi xa...
    Cả nước hướng về ngày thương binh liệt sĩ. Những ngày này lại càng nhớ càng tiếc thương các bạn ấy hơn bao giờ hết.
    Trung Thục

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn Trung Thục vẫn không quên trận "Tỉ thí giao hữu" năm xưa giữa mình và Y Hòa.Mình và Y Hòa chẳng khác gì anh em một nhà, lớn lên cùng khu tập thể 5B HHT HN, suốt ngày sang nhà nhau chơi, học cùng lớp, chia ngọt sẻ bùi, rồi học cùng trung đội ở trường Trỗi, sau này cùng đại đội trong quân đội, chúng tớ cùng học một thầy dậy võ là anh Y Nguyên( anh của Y Hòa)có biệt danh là Võ Động Sơn - Ri sa Sư tử Tâm ở trường Trỗi.

    Trả lờiXóa