Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Một người bạn Trường Trỗi




TRẦN CHIẾN một người Hà Nội hào hoa và tử tế

PHAN THỊ THANH NHÀN


Cha của Trần Chiến- danh nhân văn hóa Trần Huy Liệu –quê ở Vụ Bản, Nam Định,nơi cũng là quê gốc của các nhà văn Vũ Cao, Vũ Tú Nam, rồi của các nhạc sĩ Văn Ký, Văn Cao…Vậy thì thực sự,  quê gốc của anh không ở thủ đô. Nhưng trong số các bạn văn chương mà tôi biết, tôi thấy Trần Chiến “rất Hà Nội”.

Những năm, từ 1962-1985, tôi là phóng viên báo Hà Nội Mới, và Trần Chiến thì về công tác ở báo này từ 1980. Vậy là chúng tôi có khoảng 6 năm cùng một cơ quan. Anh làm việc lặng lẽ, viết sắc sảo mà điềm đạm, không tham gia các
cuộc tranh luận hay đấu đá và không ham hố chức vụ. Cho đến nay, anh vẫn cứ thủng thẳng, ung dung mà làm được rất nhiều việc, viết những cuốn sách giá trị, chỉ nhìn cũng đủ nể, và đọc rồi thì lại càng khâm phục anh hơn. Thú thật, là trong số sách được mọi ngừơi tặng, dù không nhiều lắm, nhưng tôi thường cũng chỉ đọc qua, đôi khi chỉ lật giở vài trang, nếu gặp phải câu nào, ý nào huyênh hoang, nhạt nhẽo hoặc nhảm nhí, là thôi không đọc nữa. Nhưng sách của Trần Chiến, thì tôi thường dành cả ngày, có khi còn thức đêm để đọc. Anh rủ rỉ, nhẩn nha mà chính xác, cẩn trọng đến từng chi tiết, và anh rí rỏm, hài hước một cách tinh tế, nhẹ nhàng. Sau khi tặng tôi sách mới, khoảng nửa tháng, Trần Chiến thường gọi điện thoại: “Bà chị đọc chưa đấy, có ý kiến gì không? Em viết cuốn này chơi chơi thôi, nhưng công phu ra trò đấy”. Biết rồi mà, Trần Chiến làm việc gì cũng nhẩn nha mà vô cùng thận trọng, dành cả tâm huyết cùng lòng đam mê, nhưng không quá coi trọng thành quả của nó. Trần Chiến và tôi, có thời gian, lúc cả hai đang học để sử dụng internet, có thể nói là…suốt ngày “tâm sự vụn linh tinh trên mạng” với nhau. Ví dụ, anh  email cho tôi: “Buồn quá, cả ngày không được việc gì ra hồn. Lại sắp đến mùa hè nắng nóng phát điên rồi”, “Chị ơi, mùa thu đẹp kinh hoàng đang gõ cửa Hà Nội kìa” hoặc anh tâm sự: “Càng ngày càng thấy văn chương trên mạng phát triển mà mình không thể lấy tiêu chí  của văn chương bình thường ra để đo đếm được, thành thử đôi lúc, em thấy mình cứ lơ ngơ thế nào’’,“Chị đừng có chê em viết không dấu, em cũng đánh được “dix doigts”, mỗi lần  viết cho bạn bên Pháp, có lẽ còn khó hơn chị đánh vật bây giờ nhiều”, “Chị cũng phải quen dần với ngôn ngữ mạng, nó thực dụng, nhí nhố vô cùng, nhưng cũng có vẻ trẻ trung, thoải mái”…

   Và tôi thường viết rất dài cho anh, nhân tiện để tập đánh vi tính có dấu. Gửi tặng tôi tập tản văn “Chữ văn, chữ báo”, sau ít ngày Trần Chiến  email cho tôi: “Em thích nhất “Đại Đồng”, còn chị?”. Tôi viết rất thật thà và thoải mái: “Có lẽ bọn con trai tụi em thì thích ‘Đại Đồng”, vì chuyện bia rượu mà. Còn chị thì thích…hơi nhiều (phổng mũi nhé), nhất là cái giọng văn tưng tửng mà thực thì đắm say của em dành cho Hà Nội, ví dụ nhé: “Các hiệu karaoke mở hết cỡ, khai thác sạch sành sanh tiềm năng thổn thức của thanh thiếu niên”, “Đã tít tắp không gian sông hồ, mặt người chìm trong sương giăng. Khói bếp nhóm than tổ ong cũng dần dạt ra ven ngoại”, “Để rồi xem cái máu ngại về làng của mình nhân lên mấy mươi lần thì thành cái máu ngại về nước của họ”… Đó là chị lật trang nào “trích ngang” trang ấy thôi, chứ không chủ ý chọn những câu, những đoạn đặc tả con người, tính cách hay phong cảnh thiên nhiên Hà Nội cùa Chiến, vì chị có phải nhà nghiên cứu phê bình đâu. Nhưng chị hiểu, em rất yêu Hà nội “của chị em mình”, yêu một cách cụ thể, chi tiết và vô cùng sống động với cách miêu tả tỏ ra…dửng dưng, lại còn chê bai nữa chứ! Thế mới thật là Trần Chiến, thât là Hà Nội. Mà cả cái tính thích đi đây đi đó  nữa chứ (chỉ trong vòng một tháng mà Chiến cho tôi biết, lúc thì anh  về quê Nam Định, lúc đang ăn đồ biển ở Nghệ An, rồi “Mai lại có đứa rủ em đi Tây Bắc, chưa biết có nên không?). Còn cái kiểu trong đám đông không bao giờ…lộ măt, cứ lẳng lặng quan sát để rồi viết linh tinh, vừa châm biếm, vừa thương yêu với vẻ bàng quan song thực thì vô cùng gắn bó, vô cùng thiết tha…Chiến à, theo chị đó là cái gì rất Hà Nội mà em đang sở hữu”.

      Có lần, nhân anh than là đang buồn vì một chuyện gì đó, tôi lại viết dài: “Thôi mà, để chị kể chuyện mà chị vừa nghe trong chuyến đi Hà Giang nhé. Ở miền núi có gia đình kia rất nghèo nên cô con gái 18 tuổi chưa một lần được xuống chợ. Thương quá, mẹ dành dụm mãi mới có 2000 đồng cho cô và dặn: mai con xuống chợ, muốn tiêu gì thì tiêu, nhưng khi về nhớ mua cho mẹ gói muối iôt. Cô bé đi chợ, ăn 1 bát thắng cố , mua 1 cái kẹp tóc hết 1500, còn lại 500, cô mua gói muối cho mẹ rồi ra về. Vào rừng, cô quay lại phía sau thì thấy có một anh chàng đi theo, sợ quá , cô bỏ chạy, thằng kia cũng chạy theo, cô càng sợ, chạy nhanh hơn thì chẳng may vấp ngã, cô nhanh tay giấu gói muối của mẹ vào bụi cỏ, thì đúng lúc thằng cha ập tới, đè cô xuống. Xong việc, nó cười, cô cũng cười, mắng: “Tao cứ tưởng mày đuổi theo để lấy gói muối của mẹ tao, nên tao mới chạy, chứ cái đấy, mày không lấy thì thằng T.C viết  “Táo mèo” nó cũng đuổi theo đòi à”…

 Thỉnh thoảng, Chiến và tôi rất tếu, ví dụ anh viết cho tôi:  “Em đang lang thang, hôm qua ở Hòa Bình, ăn đồ rừng, hôm nay lại vừa ngồi ở chợ Giao Thủy -Nam Định ăn đồ biển. Hôm nào về, em sẽ ‘camera” lại cho chị...thèm”! Còn về chuyện Trần Chiến cứ một mực email không dấu, tôi đã trêu anh: “Chiến ơi, em viết “cung dinh”, chị không biết phải đọc là cung đình hay cùng đinh đây.”

   Tôi thấy Trần Chiến “Hà Nội gốc”, vì anh không coi cái gì là quan trọng quá, vì anh rất tự trọng, không bao giờ thanh minh, xin xỏ, không bao giờ cầu cạnh ai để đạt một cái gì…Ví như, tôi đã mấy lần nói ở Hội Nhà văn VN: Trần Chiến, không phải vì anh là con trai bác Trần Huy Liệu, mà vì anh viết rất hay, đã có hai tiểu thuyết “Đèn vàng” và “ 49 chưa qua” được dựng phim truyền hình dài tập rất nhiều người khen, cùng với một loạt các tác phẩm công phu và xuất sắc như các tập truyện ngắn “Đường đua”, “Con bụi”, hai tập tản văn“Hà nội phố và chợ”, “Chữ văn, chữ báo”…, anh rất xứng đáng là hội viên hội nhà văn Việt Nam!”. Gần đây, Trần Chiến lại tặng tôi tập sách anh viết về cha mình “Trần Huy Liệu- cõi người”. Anh là con trai người vợ hai của ông (bà là một cô gái Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hàng Đường. Có lẽ Trần Chiến phần nào mang đậm cốt cách của bà!). Và cuốn sách, bằng một phong thái thật khách quan, thật công tâm và cẩn trọng, Trần Chiến đã cho chúng ta thấy một Trần Huy Liệu hiếu động nghịch ngợm từ nhỏ, nhưng cũng rất thông minh, nghiêm cẩn, đâu ra đấy. Ông làm cánh mạng với cả tâm hồn trong sạch, đầy trách nhiệm, nhưng cũng đào hoa, cũng yêu đương rồi bối rối vì tình. Ông là một mối mâu thuẫn nhưng cái cuối cùng mà ông đạt được, là lòng kính trọng vì đức độ, vì tài năng mà ông đã dành cho đất nước cho gia đình. Ông đã là phó chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng (sau là chính phủ lâm thời), là trưởng phái đoàn  Chính phủ lâm thời vào Huế tước ấn kiếm của Bảo Đại năm 1945, chính ông là người soạn quân lệnh số 1 phát lệnh tổng khởi nghĩa. Sau hòa bình, ông là Viện trưởng Viện sử học, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học CHDC Đức. Ông đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học và lịch sử, lại có cả tập“Thơ Trần Huy Liệu”… Trần Chiến viết về cha mình: “Tuy nổi tiếng về nhiều phương diện, Trần Huy Liệu  lại là con người không dễ tìm hiểu, hiểu rồi không dễ viết ra, viết ra rồi vẫn khó toàn vẹn…”. Nhưng đọc tập sách, tôi nhận ra lòng anh yêu kính, xót xa thương cảm, khâm phục và tin cây cha mình biết bao. Phải chăng anh là một phần nhỏ của ông, cái phần nhà nho uyên thâm, tinh tế, cái phần ham mê thơ phú văn chương, cái chất đào hoa ngơ ngác, cùng lòng yêu đời dưới cái nhìn tỉnh táo mà mơ màng, với đôi chân say bước trên mọi nẻo đường đất nước… Anh chỉ là một phần của cha thôi, bởi vì anh có vẻ thờ ơ hơn, coi nhẹ mọi điều hơn ông, mặc dù anh đã sống hết mình cho các trang viết, đã vô cùng yêu Hà Nội theo kiểu của anh  và đã là môt nhà văn đáng nể, anh vẫn cứ nhẩn nha thủng thẳng viết, không ham hố bất cứ sự nổi tiếng hay một chức vụ cao sang nào.

Là con trai một danh nhân văn hóa  đã được đặt tên cho một con đường ở thủ đô, nếu anh muốn, tôi nghĩ, những điều đó với anh không phải là quá khó! Đó là Trần Chiến mà tôi quen đã lâu, có thể là cũng…có lúc thân thân, nhưng cho đến nay, tôi cảm thấy mình vẫn chưa thật hiểu anh, một chàng trai lãng tử đến mức thỉnh thoảng anh lại thông báo cho tôi, anh đang ở, lúc thì Yên Bái, lúc lại SaPa, khi thì Hoàng Liên Sơn, khi thì Tây Bắc… Nhưng điều chính yếu khiến tôi quí anh là tâm sự của nhà văn Trần Chiến, cũng như của tôi vậy: “Em đang muốn viết một loạt bài về Hà Nội nữa, một Hà Nội của thời nay, rất mở, rất muốn vươn ra thế giới, nhưng hình như cũng hơi vội vã, cũng hơi vụng về…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét