Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Phạm Đình Ân: Thơ & người

Thế giới trẻ thơ trong thơ Phạm Đình Ân
Thế giới trẻ thơ trong thơ Phạm Đình Ân
Nhà thơ Phạm Đình Ân

Từ những ngày còn là học sinh phổ thông Phạm Đình Ân đã có những bài thơ ở tuổi học trò được bè bạn yêu thích. Những năm tháng là sinh viên khoa văn Đại học tổng hợp Hà Nội, anh đã có nhiều bài đăng báo. Và hồn thơ anh ngày càng nở rộ, càng chín cùng với tuổi đời, tuổi nghề. Tới nay anh đã có hơn chục tập thơ in chung và riêng. Báo nhân dân chủ nhật số 36 (ngày 15/10/1989 ) đã có lời giới thiệu: Phạm Đình Ân trãi nghiệm bao nỗi buồn vui, đắng ngọt để rồi viết nên được nhiều bài thơ đạt hiệu quả nghệ thuật… hóm hỉnh khi viết về thiếu nhi, hoài vọng khi viết về đất nước, thiên nhiên, bay bổng khi viết về tình yêu, xót buồn và nhân ái khi viết về nỗi đời và tình người. Thơ Phạm Đình Ân là như thế!
Anh đã trãi lòng mình với thế giới tuổi thơ qua 7 tập viết cho thiếu nhi: Trăng của bé (NXB Kim Đồng- 1983- in chung), Sao hôm sao mai (NXB Thanh Hoá -1985- in chung), Tắc kè hoa (NXB Giáo dục –1996 - in riêng ), Chim khen bé ngoan (NXB Kim Đồng –1977- in chung ), Tuyển tập thơ thiếu nhi (in chung, nhiều tác giả –1995), Đất đi chơi biển ( NXB Văn hóa Thông tin - 2007)… Ngoài ra anh còn viết nhiều thơ cho người lớn và phê bình văn học. Ở thể loại nào anh cũng có cái nhìn cặn kẽ thấu tình đạt lý, cô đọng của con mắt nhà báo và cái rung cảm đằm thắm của trái tim nhà thơ. Song có lẽ mảng đề tài mà anh thành công hơn cả trong thời gian qua là những bài thơ viết cho thiếu nhi. Một số bài đã được Bộ GD-ĐT chọn in vào sách cải cách Tiếng Việt bậc Tiểu học, như: Qùa của bố (Thơ- Tiếng Việt lớp 1- tập II), Sắc màu em yêu (Thơ- Tiếng Việt lớp 5- tập I), Cây chuối mẹ (Văn- Tiếng Việt lớp 5- tập II)…
Thế giới trẻ thơ hiện lên trong thơ anh với đủ màu sắc, có khi lung linh ẩn hiện như ánh Sao hôm sao mai, có khi biến đổi linh hoạt như Tắc kè hoa, có khi hiển hiện như Trăng của bé, có lúc lại sâu xa hoài vọng như tiếng Cuốc kêu, có khi ngộ nghĩnh như Mượn ông cái kính, và sự cảnh giác đuổi bắt trong Có kẻ lách vào vườn
Lớn lên ở miền Trung du, anh có cái nhìn về thiên nhiên gần gũi, mặn mà và tạo được những so sánh liên tưởng đạt hiệu quả thẩm mỹ cao. Anh vẽ được bức tranh về Trung du với hoa lá, cây cỏ, chim muông thật đáng yêu bằng lối nhân hoá rất phù hợp với cách cảm nghĩ của trẻ thơ:
Đồi này cúi lom khom
Đồi kia ngồi lặng im
Ruộng nằm ngoan ở giữa
Đường đỏ lượn vòng quanh
… Cọ diện áo xanh biếc.
Ở đó có những đồi Hoa mua mà chẳng phải mua, có muôn vàn Cái nấm như những chiếc dù trắng, hay như cây kem sữa thơm ngon, và có những ruộng bắp Bật cười nhe răng. Thiên nhiên với muôn sắc màu âm thanh rộn rã. Ta nghe rõ bản hòa tấu của đàn chim liếu điếu kêu thiếu! thiếu! thiếu!, hay tiếng cuốc kêu cuốc! cuốc! cuốc! như tiếng vọng khắc khoải nước! nước! nước!, hay tiếng chú tắc kè hoa gọi hè tới sắp hè! sắp hè!, hết hè! hết hè!. Ở nơi ấy có đất đỏ với Chuối tiêu vàng nắng thu/ Chuối ngự béo nây tròn/ Chuối mắn bé xinh xinh. Thế giới thiên nhiên như bận suốt ngày tháng: Cây bận xanh, chim bận hót, mây bận trôi, sông bận chảy, gió bận bay… Những hừng đông ửng tia như xẻ quạt xoè ra. Trong đôi mắt trẻ thơ mọi vật đều động đậy, chạy nhảy, biến hóa, bận bịu như chính sự sống mà nó vốn có. Ngay cả con vật nuôi gần gũi cũng được giao nhiệm vụ cảnh giác khi có kẻ lạ mặt lách vào vườn. Tiếng kêu của chúng được biến âm:
Mái hoa “cảnh giác! cảnh giác!” (biến âm cục tác)
Trống cồ “đuổi bắt! đuổi bắt!” (biến âm cục tác)
Lợn lai “chết tiệt! chết tiệt!” (biến âm ịt ịt)
Mèo vàng “theo! theo! theo!” (biến âm meo meo)
Vịt bầu “phạt! phạt! phạt!” (biến âm cạc cạc)
Vện già “ đâu ! đâu!” (biến âm gâu gâu)
Nhân vật trong thơ anh chính là thế giới của chim muông hoa lá, cỏ cây, núi đồi, hay ông bà, cha mẹ, anh em, cô công nhân, bác nông dân… Anh như hóa thân vào nhân vật trữ tình là em, là bé để nhớ công ơn của một anh giun hay một bác sĩ để chữa bệnh cho mèo mướp ốm. Bé biết ơn một cô công nhân quét vôi, một người thợ mộc, một người quét rác. Đó cũng chính là tình cảm của các em dành cho người lao động một cách chân tình. Ở mỗi bài thơ ta lại bắt gặp một nét đẹp ngộ nghĩnh hồn nhiên. Từ cái bàn và bốn cái ghế anh liên tưởng như năm anh em đoàn kết. Từ cây bút cày trên vở trắng tinh anh nhắc nhở các em hái hoa điểm 10 xinh đẹp. Em ao ước ngày xuân mãi mãi đến để em làm muôn ngàn cái tốt. Lời khuyên của anh ở mỗi bài thơ là những lời nhắc nhở nhẹ nhàng bằng hình tượng văn học để các em ngoan hơn, chăm hơn làm vui lòng ông bà, cha mẹ, thầy cô. Bài học giáo dục đạo đức sâu sắc đó được các chi tiết nghệ thuật của anh tải đi như gió thoảng, mây bay, chim hót, bướm lượn. Ở Sắc màu em yêu – một bài thơ có tứ mới lạ, tìm tòi công phu, đã khơi dậy ở các em lòng yêu quê hương đất nước, yêu dân tộc, gia đình mà người đọc không hề thấy dấu ấn của sự gượng ép, hay một sự làm duyên, làm dáng về màu sắc chữ nghĩa, nhịp điệu. Tôi đã thấy biết bao thế hệ học sinh Tiểu học đọc thuộc bài thơ như này như một bài đồng dao :
Em yêu màu đỏ
Như máu trong tim
Lá cờ Tổ Quốc
Khăn quàng đội viên
Trăm ngàn cảnh đẹp
Dành cho em ngoan
Em yêu tất cả
Sắc màu Việt Nam.
Tổ quốc thiêng liêng giàu đẹp, thân thương và gần gũi với muôn ngàn sắc màu của đồng ruộng, núi đồi, sông biển, với màu áo nâu của mẹ, trang giấy trắng học trò, với ánh mắt tuổi thơ… Tất cả như ùa vào bài thơ theo sự dẫn dắt của cảm quan nghệ thuật hết sức chân thành và tự nhiên. Câu trước gọi câu sau liền mạch như dòng sông dào dạt chảy trong tâm tưởng trẻ thơ, tạo nên ba động lớn.
Thế giới hồn nhiên ở lứa tuổi Mẫu giáo trong các bài Trăng, Mượn ông cái kính… thật đáng yêu. Chỉ tám câu thơ thể ngũ ngôn, hai nhân vật ôngcháu trò chuyện thật vui vẻ, thú vị…
Ông bảo chữ gầy nhom
Mà ông lại kém mắt
Ông phải đeo kính vào
Chữ béo ra, dễ đọc.
Vậy từ nay có bánh
Cháu nhận phần tẹo thôi
Khi ăn mượn ông kính
Bánh phồng to gấp mười.
Nhờ kính mà chữ béo rabánh phồng to gấp mười vừa thật thà lại vừa ngộ nghĩnh. Ta như thấy bé đang reo lên về một sự khám phá mới. Phát hiện được những tứ thơ hồn nhiên hợp với lứa tuổi Mẫu giáo như thế không phải ai cũng có được.
Phạm Đình Ân đã nhìn sự vật bằng đôi mắt trẻ thơ, trải lòng ra với tâm hồn trẻ bằng những rung động nhạy cảm. Anh lắng nghe tiếng nẩy mầm tí tách của cỏ xuân mới nhú, hay một tiếng lá rụng xào xạc, tiếng tắc kè của mùa hè, mùa thu. Anh đã chọn và thành công ở nhiều bài thơ với thể 5 chữ, 4 chữ hợp giọng điệu thiếu nhi. Với cách ngắt nhịp đa dạng: nhịp 2/2 ở thơ 4 chữ, hay nhịp 2/3. 3/2 ở thơ 5 chữ như những bước chân sáo tung tăng của các em đến trường. Nhịp biến hóa dồn dập khẩn trương 2/3; 1/2/2; 2/1/1/1; 3/1/1… như một cuộc săn lùng đuổi bắt khi kẻ lạ lách vào vườn. Nhạc điệu trong thơ anh tươi vui, nhí nhảnh, hồn nhiên như chính tuổi thơ, trong trẻo như nắng ban mai, rộn rã như tiếng chim hót.
Tuy nhiên ở một số ít bài tác giả vội rút ra bài học giáo dục đạo đức nên liên tưởng hơi người lớn, vượt quá trí tưởng tượng của các em. Ở bài Bắp ngô cách nói hơi trừu tượng. Nếu quan sát kỹ hơn ta sẽ thấy những bắp ngô già vẫn còn một ít râu lưa thưa màu đen. Tôi xin mạn phép, nếu tác giả đồng ý thì nên sửa lại câu Về già râu chẳng còn thành Về già râu đen thưa vừa tạo nên vế đối giữa nhỏgià, giữa đỏ quạchđen thưa, ý thơ cụ thể hơn. Hay ở bài Cái tốt tác giả gán cho mùa đông nhiều cái sai sót thì có nên không ?.
Với hơn 40 năm trong nghề cầm bút, thử nghiệm trên nhiều lĩnh vực văn chương, Phạm Đình Ân đã tự khẳng định được phong cách của mình ở mảng thơ thiếu nhi. Thơ viết cho người lớn đã khó, thơ viết cho các em nhỏ càng khó hơn. Rất tiếc là thế mạnh này ở thơ anh chưa theo suốt hành trình thơ cùng tuổi tác.
Trong rừng thơ hôm nay ít thấy những tập thơ, bài thơ sáng giá dành cho tuổi thơ. Hoặc có chăng các tác giả lại hướng sang mảng thơ Áo trắng, Sân trường với nhiều bài giáo lý chung chung, trừu tượng, hoặc vô tình, hoặc dẫn các em đến chỗ yêu đương quá sớm, mộng mơ yếu đuối. Các em nhỏ rất đói những bài thơ kiểu như: Sao hôm sao mai, Tắc kè hoa, Trăng của bé, Quạt trời, Trung du, Sắc màu em yêu, Đất đi chơi biển… Phạm Đình Ân đã cho các em món quà tinh thần quí giá, đã cho người đọc trở về với những năm tháng tuổi thơ của mình, và để mỗi chúng ta có trách nhiệm hơn đối thế hệ trẻ./.
LÊ XUÂN
Thế giới trẻ thơ trong thơ Phạm Đình Ân
Phạm Đình Ân- Trưởng ban Lý luận báo Văn Nghệ 





Nhà thơ Phạm Đình Ân: Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời
(Văn Nghệ Công An)












Xin được mượn và cải biên một chút câu thơ của nhà thơ Nga Éptusenkô để làm tựa đề cho bài viết này. Quả tình, nhà thơ Phạm Đình Ân không có vóc dáng cao to để dễ gây ấn tượng ngay đối với người mới gặp. Ăn mặc cũng giản dị, không cầu kỳ, làm đỏm. Người mới tiếp xúc, cảm giác anh là người khô khan, ít cởi mở.
Chả thế, có người sống cạnh nhà anh suốt mấy năm trời, lên thang, xuống gác gặp mặt thường ngày mà cả hai chưa một lần trò chuyện. Phạm Đình Ân ít có cử chỉ chủ động cười nói làm quen. Anh cũng rất ngần ngại khi ai đó mời vào các quán nhậu nhẹt vì không bia, rượu, không cà phê, thuốc lá. Ngay cả trà Thái Nguyên anh cũng ít uống. Ai mời uống giải khát thì anh chỉ nhỏ nhẹ: "Cho mình xin cốc trà Líptông".
Trong đám đông, khi các nhà văn, nhà thơ thích ăn to nói lớn, ồn ào thơ phú, bàn luận đủ chuyện trên trời dưới biển, chứng tỏ sự hiện diện thì Phạm Đình Ân lại như muốn ẩn giấu. Có ai hỏi, anh mới từ tốn trả lời. Còn thì chỉ nghe, nhìn. Bởi vậy có người nghĩ anh... bằng phẳng. Phạm Đình Ân biết nhưng anh không hề có thái độ… Kệ, ai nghĩ gì là quyền nơi họ. Tranh cãi hay dở, hơn thua ở những chỗ không đâu mà làm gì.
Phạm Đình Ân có thơ đăng báo từ rất sớm. Năm 1972, khi mới là sinh viên  ra trường, đi thực tế ở các tỉnh miền Trung, anh đã có một chùm thơ in trên tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam. Và một trong số đó là bài "Đi dọc miền Trung".   
Ngay khi ra đời, bài thơ đã gây ấn tượng mạnh trong văn giới. Sau này, vào năm 2006, nhà thơ Vân Long đã viết: "Tuy chưa có dịp tham dự cuộc thi thơ nào, nhưng trong khi nhiều bài thơ được giải đã bị lãng quên thì " Đi dọc miền Trung" còn lại".
Bận mải công việc biên tập ở các tờ báo lớn như Nhân Dân hay Văn Nghệ, Phạm Đình Ân vẫn dành thời gian làm thơ… Nhưng anh viết ít, viết chậm và càng thận trọng khi công bố. Sau nhiều năm, đến nay Phạm Đình Ân mới chỉ xuất bản 4 tập thơ cho người lớn và 2 tập thơ cho thiếu nhi. Số lượng như vậy chưa thể nói là nhiều, nhưng đáng nói, anh đã có một số bài được dư luận quan tâm, chú ý.
Nói đến những bài thơ hay của Phạm Đình Ân, người ta hay nhắc tới "Đi dọc miền Trung" , "Đầu năm mua muối", "Những cái giật mình", "Nắng xối đỉnh đầu", "Những hoàng hôn ngẫu nhiên", "Lá trầu cay", "Lạc nhà”v.v… Đặc biệt, bài "Sợi tóc" đã có trên hai mươi người phẩm bình. Sau một phần tư thế kỷ, kể từ ngày bài thơ ra đời, qua biết bao ý kiến nhận xét, đánh giá, tưởng đã không còn gì để nói thêm, vậy mà gần đây tiếp tục vẫn có người tìm thấy những vẻ đẹp khác của bài thơ:
Em tặng tôi sợi tóc của em.Rồi tháng ngày vèo trôi em không nhớ nữa.Năm  mươi năm sauKhi tìm được về chốn cũTôi gặp một bà già tóc bạcBà chẳng biết tôiTôi tặng bà sợi tócBà khócSợi tóc vẫn còn đen.
Bài thơ ngắn, chỉ vỏn vẹn 9 dòng, 49 âm tiết, mà nội dung, đọc cảm giác dài như một cuốn tiểu thuyết. Cái giỏi, cái tình của người viết là vậy.
Còn một chi tiết khá thú vị quanh bài thơ. Nhiều người đọc, yêu thích nhưng không có văn bản, mà chỉ chép lại từ sổ tay người này, người khác nên không rõ tên tác giả. Trước yêu cầu của bạn đọc, tạp chí "Thế giới trong ta" đã có sáng kiến mở chuyên mục "Đi tìm tác giả bài thơ Sợi tóc". Tuy là chuyên mục đột xuất nhưng đã phải kéo dài nhiều số báo do có đông người hưởng ứng.
Nhiều nhà thơ từng quan niệm, cả đời thơ có được một bài thơ, thậm chí một vài câu thơ người đời nhớ, đã là hạnh phúc. Trường hợp Phạm Đình Ân lại không ít lần như thế. Mới đây, chùm thơ 7 bài của anh đăng trên Báo Văn Nghệ số 52- 2009 được dư luận đánh giá là có tứ lạ, ngôn từ súc tích, ẩn giấu nhiều tầng nghĩa…
Có những sự cố liên quan đến thơ Phạm Đình Ân. Một lần, bài “Một cô gái khác" của anh đã bị một chị "biên soạn" gần như... nguyên văn, chỉ đổi vài chữ. Chẳng hạn, Phạm Đình Ân viết là "Em" thì chị ta đổi thành "Anh". Bài thơ được đăng trên tờ tạp chí mà người biên tập viết bài khen rất có cánh dành cho nữ tác giả lại chính là bạn của Phạm Đình Ân, đã được Ân gửi tặng tập thơ, trong đó có cả bài thơ ấy.
Lại có trường hợp, một bạn thơ khi trả lời phỏng vấn của báo, đã lấy gần như toàn bộ bài viết của Phạm Đình Ân đã in trước đó gần một tháng. Đáng trách hơn, cả hai bài đều được in trên cùng một tờ báo. Chỉ khác, bài của Ân in trên báo chính, còn bài trả lời thì trên tờ phụ san. Trong các trường hợp ấy, Phạm Đình Ân thường xử sự hết sức tế nhị, để không một ai cảm thấy bị thương tổn.
Tôi quen biết Phạm Đình Ân muộn, dù từ rất lâu rồi tôi đã được đọc và nhớ đến thơ anh. Thú thật, lần đầu gặp anh tôi có cảm giác băn khoăn. Liệu có phải con người nhỏ thó, có phần thô ráp này là tác giả những bài thơ, những câu thơ tài hoa từng mê hoặc không chỉ riêng tôi? Và khi đã gần gũi, thân thiết anh, mới hay, trong con người anh có những ẩn giấu đáng quý. Bình thường anh lặng lẽ, nhu mì, nhưng khi cần anh tranh luận, phản biện thẳng thắn, không ngại va chạm, không sợ bị nhận xét, đánh giá thế này thế nọ. Những lúc ấy, phần bị khuất lấp của anh được bộc lộ nhiều hơn.
Thơ Phạm Đình Ân khá đa dạng. Thơ thế sự có bài đầy trăn trở, ưu tư. Thơ tình yêu có bài lắng đọng, tinh tế. Thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Đình Ân cũng có nhiều tìm tòi độc đáo, ý tứ bất ngờ, dí dỏm, nhân hậu…  Phạm Đình Ân như đã phân thân trong từng mảng đề tài. Nhưng cho dù ở thể loại nào chúng vẫn có vẻ đẹp riêng và là nơi để anh bộc bạch nỗi niềm, bày tỏ thái độ.
Như ở đầu bài đã nói, thoạt tiếp xúc với Phạm Đình Ân, ta thấy anh không gây ấn tượng gì nhiều. Chỉ thấy ở đó một con người đứng đắn, lành hiền, không tào lao qua chuyện. Hứa hẹn với ai điều gì khó mấy anh cũng bằng mọi cách thực hiện. Trò chuyện riêng tư, có thể yên tâm, không nghi ngại, đề phòng. Khen ai, không giả dối lấy lòng. Cần góp ý với ai cũng thẳng thắn. Sự thành thật ở anh khiến người được góp ý không thể giận.
Càng gần gũi, mới rõ ra anh là người sâu sắc. Bên cạnh những đóng góp thi ca, tôi còn nhận thêm nhiều tốt đẹp trong con người Phạm Đình Ân, nhất là trong ứng xử với bạn bè văn chương.
Đây là chuyện do chính vợ chồng nhà thơ Hoàng Cát kể lại. Hồi gia đình Cát lâm cảnh khốn đốn, nhà ba miệng ăn chỉ trông vào quán nước chè chén vỉa hè. Phạm Đình Ân đang làm việc ở báo Nhân Dân, thấy tình cảnh bạn bèn gợi ý Cát viết bài, rồi đem về tìm cách đăng thường xuyên trên chuyên mục "Chuyện lớn, chuyện nhỏ". Vì báo ra hàng ngày, số lượng phát hành lớn nên bài được dùng nhiều và nhuận bút cao. Bài đăng Ân ký lĩnh thay rồi lóc cóc đạp xe xuống đưa tiền tận tay cho vợ chồng bạn.
Việc quan hệ với Hoàng Cát (hồi ấy đang gặp sự cố), rồi dùng bài, lại in ngay trên tờ báo - cơ quan ngôn luận quan trọng bậc nhất đã khiến có người lo lắng cho Phạm Đình Ân?
Sau này hỏi lại, có người nghĩ Ân sẽ rất đa ngôn. Nhưng tuyệt nhiên không. Anh chỉ giải thích: "Thấy Hoàng Cát gia cảnh khốn khó, đã là bạn bè thì phải tìm cách giúp. Mình có đỡ được phần nào cũng chính từ sự nỗ lực của Cát, Cát không viết được, không viết hay thì mình giúp sao được". Nếu Phạm Đình Ân nhân việc đó mà bây giờ quá lời đi một chút, thì sự kính nể, tôn trọng của bạn bè dành cho anh hẳn sẽ giảm đi.
Tính Phạm Đình Ân nghiêm túc, cẩn thận. Nhưng cũng có trường hợp lại hơi thái quá, đến máy móc. Khi nhà thơ Phạm Tiến Duật lâm trọng bệnh, một người quen biết nhưng giấu tên nhờ Ân chuyển giúp một số tiền biếu Phạm Tiến Duật. Nhà thơ đang rất yếu, nhưng khi giao tiền, Ân vẫn cố nói để Duật ghi lại mấy chữ. Rồi Ân đem phôtô, giữ một bản, còn bản gốc anh chuyển lại người biếu tiền, dù họ không yêu cầu. Biết là không thật tế nhị nhưng Ân muốn rành rẽ, nhất là trong chuyện tiền bạc nhạy cảm.
Năm 2008, Phạm Đình Ân quen một sĩ quan quân đội. Lúc đó cụ đã 82 tuổi. Biết Ân làm thơ, tính tình thật thà, cụ nói mình từng làm thơ từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, với quan niệm: "Cái gì làm vui buồn hoặc bận tâm thì biến nó thành thơ để nhận thức đúng đắn sự vật bên ngoài và được yên ổn trong thâm tâm".
Trước đống bản thảo có tới cả ngàn bài, Ân nhận thấy nhiều bài tốt, có bài hay nên đề xuất in thành tập. Thấy hợp lòng mình, vị cựu sĩ quan yêu thơ đã giao hết bản thảo để Ân chọn. Phạm Đình Ân đã dành gần như toàn bộ thời gian rỗi để đọc, chọn bài, biên tập, sửa chữa kỹ rồi đem bản thảo tới nhà xuất bản. Có giấy phép, tự tay Ân vẽ bìa, trình bày, đem nhà in. Rồi  chính anh sửa bản in. Phạm Đình Ân lo  còn hơn sách của mình. Đó là cuốn "Đồng hành" của tác giả Nguyễn Quốc Hùng, Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2008.
Đáng nói, dù mất rất nhiều công sức để làm cuốn sách nhưng Ân hoàn toàn không nhận bất cứ sự đãi ngộ nào về vật chất từ tác giả mà chỉ xin nhận vài cuốn thơ làm kỷ niệm. Để có được những hành xử tốt đẹp như vậy trong thời buổi hiện nay, thật không hề dễ dàng
  Huy Thắng

Hoa và em


Em cầm hoa về
Em khen đẹp
Anh hững hờ mà em không biết
mặt em hồng, hoa có nghĩa gì đâu.
Anh cầm hoa về
Chỉ cốt làm theo mọi người và chiều em một chút
Em cứ khen hoa mà không biết
em đẹp quá rồi, anh chỉ ngắm em thôi.







4 nhận xét:

  1. Mình cũng rất thích bài thơ HOA VÀ EM. Cám ơn T.H đã đăng và st.

    Trả lờiXóa
  2. Cam on cac ban va Dung(10A) co cam tinh voi tho Pham Dinh An, mot nguoi ban va dong nghiep cua toi. Neu Dung(10A) va cac ban thich thi co the truy cap vao Trang tho Pham Dinh An: http://www.thica.net/category/tat-ca/ph%E1%BA%A1m-dinh-an/

    Tóc mẹ - Phạm Đình Ân

    [align=center]Tóc mẹ - Phạm Đình Ân



    Tóc sâu nhổ giúp mẹ xưa

    Chỉ mươi sợi đục đặt vừa lòng tay

    Năm năm . . .Tháng tháng . . .Ngày ngày . . .

    Tóc con xanh, tóc mẹ phai nhạt dần.



    Mỗi lần trông mẹ vấn khăn

    Giật mình: Sợi bạc đã ngần ấy sao?

    Một đời sung sướng - khổ đau

    Sương sa bạc xoá tóc đầu rụng vơi.

    Vo vo sợi giắt đầu hồi

    Lang thang sợi rải khắp nơi trong vườn

    Sợi vương vào bát canh cần

    Bữa ăn con nghẹn mấy lần, mẹ ơi !

    Rụng rồi, còn bạc chưa thôi

    Mòn thêm cùng với dáng người lom khom.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cũng là 1 người yêu thơ PĐÂ, nhưng bài thơ tôi thích là bài "Đáng nhớ 1 mùa đông"

    Trả lờiXóa