Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Tự sự hàng rào quê

Chức năng muôn đời của những bờ rào là làm đường ranh ngăn cách bên trong với bên ngoài, bên này với bên kia. Có ai biết trong cái sự thay đổi nhỏ nhẹ của những bờ rào nơi quê nhà, đã mang theo một cuộc vần xoay lớn về quan niệm sống, nhân sinh quan của con người nông thôn.

Nỗi oan của giậu mồng tơi

Người miền Trung xứ nắng quê tôi thường chọn những loại cây làm rào là loài mọc thẳng, không quá cao, không quá um tùm, sum suê, dễ đan khóm vào nhau và tỉa nắn ngay hàng. Dâm bụt (có nơi gọi râm bụt), keo giậu (còn gọi là bình linh, táo nhơn…), cây tô phượng (còn gọi là tô mộc hay gỗ vang); mồng tơi… là những loại cây giải pháp tốt cho rào giậu vì chúng thật dễ trồng, mặt khác, ngoài chức năng “biên phòng” cho mảnh vườn, ngôi nhà thì chúng còn tham gia vào đội văn công “cây nhà lá vườn” để tăng hương sắc cho những bữa ăn dân dã, làm nguyên liệu cho những bài thuốc dân gian gần gũi nhất.
Những trận mưa bão dài ngày, chợ búa ế ẩm, xơ xác, mẹ tôi chỉ đội nón ra bờ rào ngắt vài ngọn mồng tơi là đã có một bữa canh ngon. Ba đi làm rẫy bị trầy tay chân, máu ra nhiều, mẹ cũng dùng lá cây tô phượng đắp lên chút là cầm ngay. Thằng em bị sán kim hành, đêm ngứa ngáy khóc hoài, sáng hôm sau con chị trảy ít hạt keo giậu cho ăn là khỏi (nên dân gian còn gọi cây này là keo giun)…

Chưa kể, vào mùa thu, mùa đông người ta thường dọn, tỉa rào, rút được cơ man nào là củi rèo, phơi khô, chụm bếp cũng qua được cả mùa Tết.



Ngoài cái “công năng xác lập chủ quyền” và đem lại sự an tâm cho gia chủ, hàng rào còn là một phương tiện để chia sẻ nghĩa tình với xóm giềng. Hơn cả, là làm nhân chứng lẫn tội đồ cho biết bao cuộc tình mùi mẫn trong dân gian. Có lẽ cô gái “thò tay em bứt cọng ngò/thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ” cũng chỉ dám ngó anh trai nhà hàng xóm qua mấy cái khoảng hở thấp thoáng của cái giậu rào. Thế rồi, cũng ăn theo cái tư duy cảm tính thiếu bản lĩnh đó, mà hàng rào cũng từng bị cái anh chàng nhà quê ẻo lả sến sồ trong thơ Nguyễn Bính một hôm lên giọng vu khống một cách trắng trợn (giá đừng có giậu mồng tơi/thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng…)

Người quê tôi còn có thói quen trồng cây lớn (như mít, xoài, mận, me, ổi, mãng cầu…) ở trên làn ranh hàng rào như mấy góc hàng rào, ngoài mục đích “xác lập chủ quyền bền vững”, còn để là dịp xóm giềng cùng chung chia những mùa quả ngọt. Người ta nói có qua có lại mới toại lòng nhau, nên cứ đến mùa trái chín ngoài rào, hễ quả ấy thuộc phần tán cây ở phần đất nhà nào thì nhà đó cứ việc hái, rồi bưng qua bưng về chia nhau từng miếng mít, trái xoài, ăn lấy thảo.
Nhà này nấu được món ngon bao giờ cũng dành một tô, một đĩa đững bên rào í ới gọi nhà kia cùng thưởng thức… Nhờ vậy mà trên cơ sở “yên tâm về ranh giới”, cái hàng rào làm thằng hoa thêm tình nghĩa xóm giềng, đảm bảo cái không gian riêng từng gia đình lại triển nở những hành xử tốt đẹp chung trong quan hệ nhân quần.

Câu chuyện nhân sinh

Nhiều người quê nghe lời thầy địa lý, tin phong thủy về chăm chút cái hàng rào giậu thiệt đẹp: rào giậu trước nhà không được cao quá ngạch cửa sổ, nghĩa là, chừng ngang bụng người lớn, để vừa có cảm giác an toàn, lại vừa giữ trạng thái cân bằng trong tầm mắt. Điều quan trọng nữa, là vừa đủ kín đáo, tạo ra vẻ duyên dáng sáng sủa cho ngôi nhà lại vừa có thể quan sát, nối kết được chuyện xã hội, cộng đồng diễn ra bên ngoài ngõ. Người ngoài đường, cũng vì thế mà thấy ngôi nhà gần gũi, không quá khép kín đến nỗi ngần ngại lui tới, cũng không quá tênh hênh dễ dãi để vồn vã ôn tồn thái quá. Thế là, cái nhân sinh/vũ trụ quan qua tương tác trong – ngoài cũng được chăm chút qua cái giậu rào tưởng rất đơn sơ.

Nhưng, không phải người quê nào cũng là “thầy địa lý”. Đôi khi chủ nhà có tính kín đáo, thích cảm giác sống yên lặng, ẩn mình, cho giàn bông giấy trước cổng tha hồ vươn ra hai bên rào giậu, che khuất ngôi nhà. Có chủ khác lại có tính quảng giao, hướng tha đã chọn cây thưa làm hàng rào để vào ra, đôi khi chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay là vậy. Hàng rào trong trường hợp này cũng là tính cách, văn hóa gia đình của gia chủ, văn hóa vùng miền.



Lúc còn nhỏ, bọn tôi được mấy ông mệ già trong xóm nhắc nhở là không được tự tiện lấy dao rựa chặt hết mấy bờ rào hay bụi cây trong vườn vì sợ vô ý chặt trúng chỗ mấy vong hồn bảo hộ ngôi nhà đang trú ngụ. Rồi khi trời mưa xong, khu vườn ẩm ướt, khí lạnh cỏ cây ngập tràn, người lớn trong xóm vẫn đi ắm nhang ở mấy chân rào, lầm rầm khấn nguyện. Mùi khói nhang sau mưa ấm cúng và gợi cảm giác thiêng liêng mở ra một sự giao cảm thành kính giữa người dương với kẻ âm. Hình như đôi lúc, những bụi cây hàng rào cũng là ranh giới của một không gian khác – không gian tâm linh.
Nhân sinh quan và vũ trụ quan nằm trong sự mộc mạc đã thành vô thức đó, mà làm nên tính cách, hồn quê, làm nên cấu trúc xóm giềng, làng mạc.

Tôi rời quê vào phố đã gần 15 năm nay. Tôi nhớ những bờ rào quê xanh mát, nơi những đứa trẻ bám vào mà chập chững những bước đầu tiên, nơi người già chân yếu mắt mờ lần vị theo từng thửa cây mà về thăm hỏi xóm giềng. Tất cả hãy còn sống động. Rồi đây, những điều giản dị như cái hàng rào kia cũng sẽ đổi thay trong không khí, hình thái đô thị hóa nông thôn vội vàng đôi khi kệch cỡm.

Từ sự nhỏ nhẹ của cái hàng rào, vì thế mà thấp thoáng câu chuyện không nhỏ của nông thôn Việt Nam ngày nay.

Nguyễn Vĩnh Nguyên (Bài đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị Xuân Tân Mão)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét