Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Một kỷ niệm của lính Trỗi với Y Hòa

Vết xăm - kỷ niệm của Y Hoà

Y Hòa xa chúng ta đã 36 năm. Đợt vừa rồi các bạn Đạt “bột”, Vũ Anh, Thái, Vũ Trung và đồng đội F312 của Y Hòa đã tới đồi Cháy, Quảng Trị tìm bạn. Nhưng công việc mới chỉ là bắt đầu… Riêng tôi suốt bốn chục năm qua vẫn mang trên người một kỷ niệm của Y Hòa. Đó là vết xăm do chính tay Y Hòa thực hiện.
… Hơn bốn chục năm trước, chúng ta mới chỉ là những chú nhóc 12-13 tuổi, từ gia đình về sống dưới mái trường quân đội. Ngày đó chiến tranh, phải sống xa Hà Nội đến gần trăm cây số, núi rừng chỉ cách lớp học có “mấy lần quăng dao”. Ngày lên lớp nhưng đêm đến là nhớ mẹ, lắm đứa không kìm được đã trùm chăn khóc rưng rức, chỉ mong chủ nhật mẹ lên thăm.
Trên lớp chúng ta có những đàn anh lớn, nhất là cánh từ các trường học sinh Miền Nam về, họ là những “người dẫn lối”. Các anh Mai Sinh, Mai Tự, anh Quyết Thắng, Ngô Ngời… dạy cho các trò nghịch ngợm của cánh học sinh miền Nam. Bọn trẻ chúng ta từ Hà Nội lên thực sự lớ ngớ nhưng khi gặp những trò “hay như thế” thì lao vào học như những con thiêu thân. Học thày không tày học bạn! Chỉ sợ thày biết(!) nhưng anh em vẫn kéo nhau ra sau nhà, hay vào rừng thì thụp thụ giáo.
Nào là trò “muỗi Sài Gòn”: Con muỗi được “chế” bằng que diêm Cầu Đuống (ra Cung tiêu ở Gốc đa mua) đã cháy thành than, một đầu dính bằng kem đánh răng (thậm chí bằng “bựa” răng!) vào bất cứ chỗ nào trên thân thể nạn nhân (đau nhất là vùng da non trên đùi) rồi khẽ chấm mồi lửa vào đầu còn lại. Veo một cái, mồi lửa theo thân diêm nghiến vào da thịt. Kẻ chịu nạn chỉ kịp xoa tay vào “vết đốt”. Tức đến trào nước mắt. (Chuyện này các bạn gái không hề biết. Nay biết thì cũng đừng cười bọn con trai chúng tớ!).
Trò cao cấp hơn là xăm lên mình các hình mỏ neo, hình ngôi sao, đầu con hổ hay mũi tên xuyên qua trái tim(!), v.v… Thú xăm lên ngực, lên cánh tay chỉ dành cho những ai không sợ đau. (Chính xác hơn là không biết đau là gì!). Thật khó tưởng tượng điều này lại xảy ra với những lũ trẻ ranh ở lứa tuổi chúng ta. Một cái kim khâu làm bút xăm cùng mực tàu được mài sẵn cất lọ. Ông họa sĩ “bất đắc dĩ” dùng bút vẽ phác lên hình đã chọn, tại vị trí đã thỏa thuận. Rồi từng mũi kim tẩm mực tàu, đâm ngập từng mũi vào da thịt, theo hình đã phác. Anh em dạy nhau: Các mũi xăm càng mau thì sau này hình càng đẹp. Và “tác phẩm” dần hình thành dưới đôi tay “họa sĩ”. Còn “kẻ chịu nạn” thì hai bàn tay nắm chặt, cắn răng chịu đựng, nước mắt chảy ròng ròng nhưng miệng không bật ra tiếng. Chỉ thỉnh thỏang hỏi bạn: “Sao lâu thế? Sắp xong chưa?”. Hàng tiếng đồng hồ trôi qua… Gần như đứa nào đã “chịu” thì theo đến cùng. Xong xuôi phải khóac ngay áo che khu vực đã xăm. Chỉ cần một lần thày giáo biết được là… kỷ luật!
Đêm đầu tiên mới kinh khủng làm sao! Các vết xăm bị nhiễm trùng, gây nhức nhối. Trằn trọc không ngủ được. Có đứa bị sốt cao, phản ứng, phải đi bệnh xá. (Vì thế mà trò này bị lộ). Còn kẻ qua được thì sớm hôm sau phờ phạc nhưng vẫn phải cố “ra vẻ ta đây”(!). Cứ như vậy, vết thương lành dần và trên ngực, trên tay có những hình xăm tuyệt đẹp. Rồi thằng này khoe thằng kia. Rồi… rồi… không ít thằng trong chúng ta đã được xăm.
Tôi và Y Hòa thân nhau, cùng trong nhóm nghịch của lớp. Một lần hắn rủ rê: "Mày thích xăm không?". "Xăm gì?". "Hình mỏ neo". "Đau lắm?". "Không sao!". "Ai xăm?". "Tao". "Mày?". "Yên tâm đi! Anh Y Nguyên của tao học được trò này của các anh ở Trường Dân tộc. Tao từng xem ông anh xăm cho bạn rồi bày cho tao cẩn thận".
Rồi chẳng hiểu ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào mà tôi “hiến thân” cho nó. Mùa đông đầu tiên khi vừa sang Quế Lâm thật lạnh giá. Nước đóng băng. Đứa nào cũng áo bông dày cộp che kín người. Chủ nhật nghỉ học, hắn rủ tôi lên lớp ngồi xăm. (Để thầy không biết). Y Hòa đã chọn vai phải và xăm lên hình cái mỏ neo. Cố chịu lạnh để trần nửa người, lộ ra phần vai cho nó xăm. Mất cả buổi sáng… Và sự việc đãy xảy ra như với các bạn từng “chịu nạn”.
Bốn chục năm trôi qua, cái hình mỏ neo không bị mờ đi. Năm 1972, Y Hòa hy sinh, nhưng vết xăm ấy vẫn sống trên thân thể tôi như một phần máu thịt của Y Hòa còn tồn tại trên đời!
Những ngày tháng 3/2008, anh em đi tìm bạn…
Hồi ức của Văn Hùng k7(Cựu cầu thủ CAHN).
TH st.   

2 nhận xét:

  1. Tự nhiên THòa lặn mất tăm , thế rồi khi xuất hiện đã gửi mấy bài rất hay, đúng với khí phách của dân Trỗi . Ngày xưa mình cũng ‘’ thổn thức ‘’ với các bạn Trỗi. Mà các bạn kiêu quá không với được.
    Hàng xóm nhà mình là các anh Mai Sinh , Mai Tự.Tuy có hơi nghịch một chút nhưng rất tốt bụng.

    vt

    Trả lờiXóa
  2. Câu chuyện về tình bạn rất cảm động.
    Đúng là "Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò".

    Trả lờiXóa