QĐND - “Bài thơ về hạnh phúc” của Dương Hương Ly là một trong những thi phẩm được sáng tác trong những năm kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt. Tác phẩm là tiếng lòng của nhà thơ với người vợ đã hy sinh của mình-nhà thơ liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý:
Thôi em nằm lại
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên…
Với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên…
Tác phẩm mở đầu bằng những dòng thơ giản dị, chân thành như lời nói của người chồng đối với linh hồn người vợ đã khuất. Giọng điệu thơ trầm lắng, nghẹn ngào trong một sự chia li đứt đoạn. Nỗi đau như lặn vào trong tâm khảm khi tác giả phải chấp nhận một sự thật xót lòng: Em không còn nữa. Nhân vật em được nhắc đến trong vần thơ đầu tiên là em của sự hy sinh. Cũng như bao người lính đã gửi mình trong lòng đất, em cũng nằm lại nơi mảnh đất chiến trường khi tuổi đời đương xuân. Sắc xanh nguyên của bầu trời chiến trường như bất tử hóa tuổi trẻ của em trong sự hy sinh. Chân thành đến nhói lòng, nỗi đau người vợ hy sinh được nhà thơ diễn tả sâu sắc, khi ẩn sâu khiến anh không thể nói bằng lời. Sự mất mát quá lớn lao ấy được so sánh như mất nửa cuộc đời. Nỗi đau tưởng sẽ làm người ta mềm yếu! Nhưng với nhà thơ chiến sĩ Dương Hương Ly, đớn đau càng hun nên sức mạnh chiến đấu. Người đọc không chỉ bắt gặp ở đây hình ảnh của một nhà thơ giàu cảm xúc mà còn thấy sáng lên hình ảnh một người chiến sĩ trong tư thế chủ động đối diện với quân thù. Nỗi đau của toàn dân tộc đã khiến anh và em ra trận, nỗi đau của riêng anh khi mất em đã hòa quyện vào nhau, khiến anh “tỉnh táo”, vững tay súng tiêu diệt kẻ thù.
Tác phẩm “Nhật ký chiến trường” của nhà văn-liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, nhân vật trữ tình trong “bài thơ về Hạnh phúc” của Dương Hương Ly.Ảnh: Internet |
“Bài thơ về hạnh phúc” được tác giả cấu trúc thành ba đoạn. Nếu như đoạn đầu tiên thể hiện nỗi đau của nhà thơ khi người vợ đã mất thì đoạn hai là đoạn hồi tưởng về em trong quá khứ anh hùng. Chính ở đoạn này, tư tưởng chính của bài thơ được đề cập đến. Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra/ Cho đến ngày cất bước đi xa/ Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt. “Hạnh phúc là gì?”-câu hỏi đặt ra dễ dàng song để trả lời thực không hề đơn giản. Mục đích con người luôn hướng tới và cố gắng tạo dựng trong cuộc đời cũng chính vì hai chữ giản đơn đó thôi. Sự lúng túng của anh và em được giải quyết, khi hai người “cất bước” theo tiếng gọi của miền Nam. Hạnh phúc chỉ “ngộ” ra khi được cống hiến cho cộng đồng, cho dân tộc, khi cái Tôi biết hòa vào cái Ta chung.
Thời gian từ hiện tại đau thương đã bắt dẫn hồn người trở về với quá khứ, khi em vẫn còn sống. Hình ảnh của em hiện lên rõ nét ở mỗi giai đoạn của cuộc chiến tranh: Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt/ Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng/ Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng/ Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt/ Bao dốc cao em cần cù đã vượt… Quá khứ hiện về trong những tháng ngày anh và em ở rừng, vượt dốc. Hình ảnh của em được khắc họa chân thực, sinh động trong không gian của mùa mưa rừng, của sự thiếu thốn kham khổ: em xanh gầy, môi tái ngắt. Nổi bật nơi ngôn từ là hình ảnh một người phụ nữ kiên cường, giàu sức chịu đựng hy sinh. Khó khăn, gian khổ là vậy, song câu thơ vẫn gợi lên sự ấm áp từ những chuyện hai người đồng cam cộng khổ, gắn bó giữa vợ chồng cùng với sự thấu hiểu của hai người nghệ sĩ đã xua tan bao gian truân giữa chiến trường. Hạnh phúc đến đây đã được định nghĩa cụ thể, đó là khi “em viết” mà cảm xúc ùa về, trong mưa lũ, đớn đau. Được viết, được sáng tạo chính là khát khao muôn đời của người nghệ sĩ. Không được viết hay không viết được đồng nghĩa với sự thất bại của nhà văn. Cảm xúc trong em là cảm xúc của cá nhân người nghệ sĩ, nhưng dường như nó bắt nhập với ngàn vạn trái tim “như ngọc sáng ngời” (Tố Hữu).
Tiếp tục dòng hổi tưởng, nhà thơ trở về quãng thời gian ngày mở màn chiến dịch Đông Xuân. Tham gia cuộc chiến đầy ác liệt, em lên đường phơi phới bước chân cùng nụ cười tươi tắn. Quá khứ tưởng như vẫn còn mới mẻ khi tác giả nhắc lại những kỷ niệm ở thôn Sáu Bình Dương. Những câu thơ tươi xanh như chính sự sống vẫn nảy mầm, vẫn sinh sôi sau cuộc càn quét của giặc. Nhưng cuộc sống vẫn diễn ra như chưa có mất mát nào xảy ra: em bé vẫn đi học, chiến hào lại mở thêm, vồng khoai ruộng lúa vẫn tràn sắc xanh tươi tốt, chỉ khác là thêm dày những chiến công qua lời kể của mẹ già. Em đến và chứng kiến bao chuyện ấy, để rồi trong khoảnh khắc:
Trong một góc vườn cháy khét lửa Na-pan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc
Và em gọi đó là hạnh phúc…
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc
Và em gọi đó là hạnh phúc…
Hai hình ảnh: góc vườn cháy khét lửa Na-pan và nhành hoa cúc điệp thêm vào hai hệ thống hình ảnh đối lập nhau ở những câu thơ trên, tạo thành một chỉnh thể liên kết chặt chẽ trong cấu tứ câu thơ. Trong không gian của cái chết, vẫn phát hiện được sự sống đang tồn tại; trong chốn tưởng như tan hoang nhất, đen tối nhất, em vẫn thấy cái đẹp hiện hình ngạo nghễ, kiêu sang. Đó chính là một “nốt nhấn” để một lần nữa em hiểu thêm về hạnh phúc. Để rồi tự nguyện góp sức mình cho Tổ quốc, nhân dân, cả anh và em đã hào hứng nhập cuộc với tinh thần của toàn dân tộc: Như trời biếc gặp mưa xuân/ Như chim én say trời/ Em mải mê đi, đi giữa bao người… Không còn chân dung cụ thể về em như đoạn đầu, em đã là một giữa bao người cùng góp công, góp sức cho đất nước. Hành trình nhân vật trữ tình đi cũng chính là hành trình tìm về với nguồn cội thiêng liêng, để gắn bó sâu sắc hơn với nhân dân. Câu thơ mộc mạc đã vượt thoát khỏi nghĩa cụ thể, mang tính tượng trưng cao. Đến đây, hạnh phúc đã được định nghĩa ở ba mức khác nhau theo cấp độ tăng tiến. Từ hạnh phúc của một người nghệ sĩ khi tìm được cảm xúc sáng tạo trong chiến trường đến hạnh phúc khi em hòa nhập vào cuộc sống của nhân dân và phát hiện ra sức sống mãnh liệt của con người trong chiến tranh đạn lửa, đến hạnh phúc khi được hy sinh vì ngày mai, tương lai của dân tộc là một quá trình thể hiện sự giao hòa bền chặt tự nguyện và thiêng liêng của cá nhân với cả cộng đồng, với cả công cuộc vĩ đại của đất nước. Em hạnh phúc khi được hy sinh cho tươi sáng buổi mai, vì vậy, khi em ra đi, chẳng để lại gì /Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi. Nụ cười của em chan chứa bao niềm vui, lấp lánh bao hạnh phúc. Đó là biểu tượng sáng ngời của hạnh phúc thiêng liêng:
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.
Giản dị, mộc mạc, chân thành, xúc động, những vần thơ của Dương Hương Ly đã cho người đọc cảm nhận đầy xúc động về hai chữ “hạnh phúc” thiêng liêng. Những câu thơ tự do với độ dài ngắn khác nhau, hình ảnh thơ vừa chân thực vừa mang tính biểu tượng cao đã cuốn độc giả vào trường cảm xúc của nhân vật trữ tình anh trước sự hy sinh của em, từ đó cho thấy rõ sự biến đổi trong quá trình hòa nhập giữa cá nhân với dân tộc, đất nước. Tác phẩm đã cho người đọc thấy được vẻ đẹp của con người ViệtNam trong chiến đấu, hiểu được không khí của một thời. Bài thơ là nỗi niềm riêng của thi sĩ song đã gợi được những vấn đề chung, tình cảnh chung, cảm xúc chung của biết bao thế hệ...
MiLi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét