Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

CÔ GIÁO CHỦ NHIỆM CHÚNG TÔI

Nhân ngày 20-11 năm vừa qua, chúng tôi lại gặp cô nhân dịp cô ra chơi ngoài Bắc. Cô là giáo  viên chủ nhiệm lớp tôi năm học 1970-1971. Vẫn giọng nói âm hưởng miền quê Hà Tĩnh, cô nhẹ nhàng hỏi thăm lũ trò xưa.  
   Tôi vẫn ấn tượng năm học cô làm chủ nhiệm 9I chúng tôi. Đầu năm ấy, lớp tách nhập liên tục và cũng phải trải mấy qua mấy thầy cô chủ nhiệm. Đó là lớp với tên chót cùng của khối. Lớp tập trung  nhiều học sinh từ nhiều trường trở về sau  chiến tranh phá hoại. Học sinh cũng khá đa dạng và phức tạp. Một số cậu bé, thậm chí cả các cô bé nghịch ngợm, khuấy động lớp như cãi nhau, đánh nhau, đốt “hạt thối” trong giờ học, “bát tiết”…Điều này làm các thầy cô phiền lòng.  Thế mà tôi chưa thấy cô cáu giận bao giờ. Lũ trò tuổi mới lớn luôn mong muốn thể hiện mình.. Với tấm lòng yêu thương học trò, kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, cô đã kịp thời uốn nắn những hành động sai lạc. Lũ học trò vẫn nhớ đến cô với biết bao kỷ niệm.
Trao đổi với cô, chúng tôi được biết: Năm 1956, Cô ở trường Sư phạm thuộc Bộ Giáo Dục. Năm 1958, Cô được cử đi học Thể dục Thể thao trường Quần Ngựa thuộc Ban Thể dục Thể thao Trung Ương. Cô là 1 trong 3 Vận động viên xuất sắc được chọn đi biểu diễn toàn quốc cùng đoàn kiện tướng Trung Quốc sang biểu diễn tại nhiều thành phố ở nước ta. Sau đó được Bác Hồ mời hai đoàn Việt Nam và đoàn Trung Quốc vào dinh phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Cô được Bác Hồ khen ngợi, dạy bảo và vinh dự được chụp ảnh với Bác Hồ.
Năm 1959, Cô dạy Thể dục Thể thao tại trường Đại học Sư phạm. Năm 1961, được chọn đi học trường Thể dục Thể thao Trung Ương, nhưng năm 1961 Cô bị tai nạn nghề nghiệp, bị gãy chân và chấn thương cột sống, phải chuyển về Bộ Giáo Dục làm cán bộ chỉ đạo của Bộ. Năm 1962, Cô được Bộ Giáo Dục cử đi học tại chức tại trường Đại học Sư phạm. Việc học vất vả đến mức năm đầu tiên có 2.000 sinh viên, sau ba năm con số chỉ còn hơn 200 sinh viên. Cô còn học thêm trường Đại học Tổng hợp Hóa ban đêm và năm 1966, Cô đã tốt nghiệp cả 2 trường.
Sau tốt nghiệp, Cô đã đi dạy nhiều trường: cấp III TDTT, Bộ Giáo Dục (Chương Mỹ), trường cấp III Cao Bá Quát Hà Nội,…Cuối năm 1971, Cô dạy tại trường cấp III Nguyễn Trãi. Lớp chúng tôi chính là lớp đầu tiên của trường Cô làm chủ nhiệm. Năm sau đó, do bị tái phát chấn thương cột sống ở trường TDTT nên bị liệt cả hai chân phải đi điều trị mất một năm học.  Kiên trì chống chọi với  bệnh tật, cô đã từng bước rèn luyện để phục hồi sức khỏe và trở lại trường tiếp tục công việc yêu quý của mình. Cô đã đồng hành cùng bao lớp học trò với vai trò giáo viên Hóa học và giáo viên chủ nhiệm. Cô nghỉ hưu và chia tay trường cấp 3 Nguyễn Trãi năm 1993 .
Một trong những điều đáng nhớ nhất đọng lại trong Cô là lời khen ngợi và dạy bảo của Bác năm đó: “Cháu là một trong ba vận động viên xuất sắc được chọn đi biểu diễn toàn quốc là cháu giỏi nhưng phải luôn luôn cố gắng học thể dục thể thao giỏi cùng với học văn hóa giỏi để nâng cao kiến thức để hiểu nhiều, biết rộng”. Đó cũng là một mong mỏi đồng thời cũng là một nguồn cổ vũ đối với cô. Đó cũng là điều lý giải vì sao cô đã vượt qua bao gian khó  và hoàn thiện mình.
BàngHS
(Ghi theo lời kể của cô Hai)

Cô Hai (dấu V) chụp cùng Bác Hồ
và các vận động viên Trung Quốc (1958)

Cô Vân, Cô Hai cùng “bọn trẻ” mà cô chủ nhiệm
nhân 50 năm thành lập trường Nguyễn Trãi
 

3 nhận xét:

  1. Hồi học 9I môn hóa đối với tôi là quá khó và điểm hóa đầu tiên tôi nhận từ cô Hai là điểm 3 . Nhưng với sự giảng dạy của cô tôi đã tiến bộ dần và thật sự thấy thích môn học này .
    Tôi đã tốt nghiẹp ĐH khoa hóa và gắn bó với nghề hóa cho tới tận bây giờ,
    Cám ơn cô chủ nhiệm của tôi

    Trả lờiXóa
  2. Những kỷ niệm về thời học sinh, kỷ niêm về tình Thầy và Cô giáo với học trò không bao giờ quên.
    Bàng có những bức ảnh quí quá!

    Trả lờiXóa
  3. sau 40 nam bay gio em moi lai duoc nhin thay CÔ nhung ky niem hien dan trong em,cam on CÔ day chung em nen nguoi.Chuc CÔ luon manh khoe

    Trả lờiXóa