Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng






*Khổng Văn Đương
Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng
Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng
Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng
Một mình em trong màn đêm thanh vắng
Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng.

Em trèo lên đỉnh núi cao Cácpat
Nhìn theo anh mất hút biết về đâu
Chân anh đi xa lắc tím trời Âu
Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát!

Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên
Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt.
Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền!
Ôi dòng xanh rì rầm sông Đanuyp
Mây trời in lồng lộng giữa dòng sông
Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp
Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng!
Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát
Cho loài người chia biên giới thế gian
Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?

Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật:
Cõi niết bàn có mãi mãi mùa xuân
Đâu trời Tây, đâu xa gần cực lạc
Mà trần gian đầy bể khổ trầm luân?
Con lạy Chúa Jê-su ban phép lạ
Cho nước Người hết ly biệt, chia phôi
Hai chúng con quỳ trước Người đa tạ
Xin hoà tan làm một, ngàn đời!
Em cầu nguyện. Còn anh, anh chẳng biết
Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ?
Và hôm nay dù tình anh đã hết
Em vẫn mong, vẫn hy vọng, vẫn chờ…
Vẫn trèo lên đỉnh núi cao Cácpat
Vẫn theo dòng Đanuyp những đêm trăng
Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Đi tìm anh trên bán đảo Bancăng!
Bucarest, 19-3-1969


Mối tình ở Biển Đen

Vào năm 1965, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi được Bộ Giáo dục chọn sang Rumani học tại Trường Đại học bách khoa Georges Dej Bucarest. Trong thời gian học tại đây, vào năm 1966, tôi có quen và yêu một cô gái người Rumani tên là Valentina, 17 tuổi, học sinh lớp 12 Trường trung học phổ thông Cristina (Brasov).
Tôi gặp Valentina lần đầu tiên trong dịp nghỉ hè ở Biển Đen vào năm 1966. Từ chỗ tắm, tôi lên bờ ngồi gần sát nàng. Cô ấy có mái tóc màu vàng hạt dẻ, đôi mắt to, đẹp như thiên thần, nhìn là bị hớp hồn ngay. Tôi lập tức hỏi chuyện một cách tự nhiên và được nàng thân tình đáp lại.
Một năm sau, trong dịp nghỉ hè, Valentina lên nhà chú cô ấy ở Bucarest, ngay chỗ tôi đang học. Nàng đã gọi điện thoại cho tôi đến chơi. Run bắn lên vì sung sướng, tôi vội vàng chạy ngay đi gặp nàng. Chúng tôi đã qua lại với nhau suốt kỳ nghỉ hè đó. Đấy thật sự là những ngày đẹp đẽ.
Tôi đã từng về nhà nàng ở quê. Đó là vào mùa đông năm 1967. Bão tuyết mịt mùng. Khi đi, tôi kéo theo Đỗ Công Doanh, bạn thân cùng học với tôi. Khi thấy tôi, Valentina nhảy ra ôm chầm và giới thiệu với bố mẹ. Từ đó, mỗi lần lên Bucarest, mẹ nàng lại dúi cho tôi lúc thì giỏ táo, lúc thì trứng gà, rượu trái cây...
Thấy phong tục của Việt Nam yêu là chung thuỷ nên nàng rất thích. Hồi đó, tôi học cũng khá, tính tình lại xởi lởi dễ gần, tiếng Rumani lại rất rành. Thậm chí còn biết làm thơ bằng tiếng Rumani nữa. Mình yêu bằng cả trái tim, chân thành và trong sáng. Có lẽ những điều đó đã làm nàng rung động.
Vào thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta bước vào những năm ác liệt, nên việc yêu đương của bất kỳ sinh viên Việt Nam nào với người bản xứ đều không được Ban chấp hành Đoàn và tổ chức sinh viên tại Rumani chấp nhận. Tôi bị tổ chức bắt làm kiểm điểm và yêu cầu chấm dứt quan hệ (*). Nếu cứ tiếp tục tôi sẽ bị trục xuất về nước. Tôi mà về nước thì gia đình, bà con họ hàng ai nhìn mặt tôi. Hơn nữa, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ác liệt, trong thâm tâm tôi cũng cảm thấy có lỗi phần nào với các chiến sĩ trên mặt trận..., mặc dù tình yêu có thể nảy nở ngay trong chiến hào. Ý thức về điều đó và thấy được nguy cơ nếu cứ tiếp tục yêu đương thì sẽ bị trục xuất về nước, nên trong một lần đi chơi với Valentina, tôi đã đề nghị và quyết định hai người phải cắt đứt mối quan hệ. Tôi hoàn toàn không ngờ việc đó đã gây một hậu quả rất buồn. Sau đó khoảng nửa tháng, tôi nhận được một lá thư của Valentina với lời lẽ hết sức bi thiết và oán hận. Xúc động trước tình cảm chân thành, tha thiết này, tôi đã viết bài thơ Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng.
Valentina trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn đến nỗi phải nghỉ mất một năm ở Trường Đại học tổng hợp Bucarest. Tôi nhớ mãi lần về thăm Valentina khi nàng bị bệnh. Bước vào cổng, cảnh tượng đập vào mắt tôi là những cây hạnh nhân bị nhổ tan hoang. Đang nằm trên giường, thấy tôi đến nàng chồm dậy kêu lên "Đương, Đương", rồi ôm tôi nức nở.
Tôi viết bài thơ Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng trong vòng một buổi chiều giữa tháng 3-1969, khoảng hai tuần sau khi Valentina gửi bức thư trách móc. Mọi người trong phòng đi vắng hết. Nhìn qua cửa sổ, tuyết rơi đầy, tự nhiên tôi thấy trơ trọi ghê gớm. Bài thơ được phỏng lại gần như toàn bộ nỗi niềm ai oán, giận hờn của Valentina thể hiện trong bức thư nàng gửi, tôi chỉ thêm một chút ít.
Tôi chỉ gặp lại nàng một lần duy nhất khi tôi có dịp sang Tiệp Khắc công tác vào năm 1979. Tôi điện thoại cho cô ấy và chỉ mấy ngày sau Valentina đã có mặt tại Tiệp Khăc cùng chồng và một đứa con. Lúc bấy giờ trông Valentina đã đỡ hơn nhiều. Cô ấy khoe đang làm việc tại Hội Hữu nghị Rumani- Đức.

Xuân Hòa  st

3 nhận xét:

  1. Chuyện tình yêu của du HS với người Việt còn khó , còn yêu người ‘’tây ‘’ thì trục xuất về nước liền. Sao mà vô lý khủng khiếp . Vậy mà cái thời của chúng ta là thế đó.

    Trả lờiXóa
  2. .
    Đây là bài thơ huyền thoại 1 thời, nhiều người bây giờ còn nhắc.
    Vì cấm yêu mà có bạn trẻ đã bỏ cả mạng sống vì yêu.

    Trả lờiXóa
  3. Dọc bai nay sao thay man mat buon vi nho lai hoi do, hau nhu ai cung tham yeu ma khong dam ngo loi nhi
    Tran 10a

    Trả lờiXóa