Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam


19 năm làm nghề viết thư thuê, thông thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp, ông chính là người viết thư thuê lâu năm nhất ở bưu điện trung tâm Sài Gòn. Hàng vạn lá thư với nét chữ nắn nót của ông đã nối nhịp đập hàng ngàn trái tim khắp năm châu bốn biển. Nhiều tờ báo, hãng thông tấn trên thế giới đã cử ký giả vượt nghìn trùng tìm gặp ông, người đang giữ kỷ lục Guinness của Việt Nam.
Tên ông là Dương Văn Ngộ.
 
Hạnh phúc cuối đời
Sinh năm 1930, từng là học sinh trường Petrus Ký, 17 tuổi ông trở thành nhân viên bưu tá của Bưu điện Sài Gòn (nay là Bưu điện TPHCM). Năm 1990, sau khi về hưu, ông bắt đầu công việc của một người viết thư thuê.
Nhà ở dưới chân cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh, ông có tất thảy sáu người con. Niềm tự hào nhất của ông là cả nhà có tới bốn giáo viên (hai con gái, một con dâu, một cháu nội đều dạy tiếng Anh). “Nhà tôi không giàu có hơn ai song tôi sung sướng nhất là tất cả đều làm nghề lương thiện” - bằng chất giọng chậm rãi của tuổi xế chiều, ông vừa luôn tay viết thư vừa mỉm cười nói với tôi.
Vì tuổi cao, mắt kém ông có nhã ý mời một người bạn già từng làm ở Bưu điện quận 4 tới phụ giúp mình trong việc viết thư, tra cứu từ điển để dịch thuật cho khách hàng. Tuy nhiên, lời mời ấy không được đáp ứng. Thế nên, ngày ngày, từ sáng sớm đến tối mịt, người ta lại thấy ông một mình một bóng tỷ mẫn ngồi viết thư thuê tại chiếc bàn gỗ quen thuộc. Với ông, hạnh phúc không phải vì kiếm được 10.000 đồng trên một trang giấy học trò mà vì được làm công việc mình yêu thích, giúp ích cho những người cần mình.
Ông kể có những trường hợp khách hàng nhận thư từ nước ngoài gửi về nhưng không dịch được. Thế là, ông nhận dịch giúp họ và cả việc viết thư hồi âm bằng tiếng Anh hay Pháp. Ông thường có thói quen tư vấn cho khách hàng, chứ không rập khuôn theo yêu cầu nên ai cũng quý mến ông. Qua những cánh thư nhiều tình yêu đã được kết nối. Có lần một cô gái ở miền Tây cất công lên Sài Gòn nhờ ông dịch lại bức thư tình của một chàng trai tận Mỹ gửi về và nhờ ông viết thư phúc đáp. Chuyện tình đơm hoa kết trái, hễ về ăn Tết tại Việt Nam, là cô gái giờ đã là mẹ của ba đứa con lai ghé thăm ông. Nhiều người kinh doanh làm ăn cũng tìm đến ông để nhờ viết thư trả lời đối tác nước ngoài. Nhiều người trong số họ đã kiếm được các hợp đồng béo bở.
Bấy nhiêu năm qua, ông có một nguyên tắc bất di bất dịch là “quên ngay những nội dung vừa viết” nên càng được khách hàng tín nhiệm. “Mỗi lá thư là một bí mật riêng tư, họ tin mình thì mình đừng làm cho họ thất vọng” – ông lão tâm sự thật lòng. Ông nói không nhớ đã viết được bao nhiêu lá thư, chỉ biết rất nhiều lần, ông nhận được những lá thư cảm ơn ghi gọn lỏn địa chỉ người nhận: “Gửi người viết thư thuê. Bưu điện trung tâm TPHCM”.
Nhân vật được báo nước ngoài ‘’lưu ý’’
Công việc của ông Ngộ gắn liền với Bưu điện Sài Gòn - tòa nhà kiến trúc cổ kính được xây dựng từ năm 1886 với nhiều đặc trưng của phong cách Á-Âu. Khách du lịch tới đây không chỉ để ngắm một trong những bưu điện cổ và đẹp nhất châu Á mà còn để tận mắt chứng kiến công việc viết thư thuê của một nhân viên bưu điện về hưu.
Tôi hỏi: - Bấy nhiêu năm làm công việc quen thuộc, kỷ niệm nào sâu đậm nhất trong ông?
- Đó là lần tôi gặp một nữ nhà báo Đức - ông Ngộ trả lời. “Lần đó, thấy tôi hí hoáy ngồi viết, nữ ký giả quan sát tôi rồi bắt chuyện. Chúng tôi đi lòng vòng quanh bưu điện, lúc ra trước cửa, cô ký giả đề nghị chụp ảnh. Tôi không nỡ từ chối.
Thế là hình tôi và bài viết của nữ ký giả xuất hiện trên tờ báo Spiegel nổi tiếng của Đức. Vì không biết tiếng Đức nên ông phải nhờ người dịch lại bài báo xem nữ nhà báo nước ngoài viết gì về mình. Ai ngờ đó toàn là điều ông tâm đắc. Sau đó, một nữ nhà báo Canada cũng tìm đến ông để viết bài. Dù bận việc không qua được Việt Nam nhưng ký giả nọ đã nhờ người mang tờ báo đến biếu tận tay ông. Năm tháng trôi qua, mái tóc giờ đã điểm sương nhưng người viết thư thuê vẫn lưu giữ cẩn thận những bài báo nước ngoài viết về mình như một dấu ấn không phai suốt cuộc đời. Lúc rảnh rỗi, ông lại lấy nó ra để đọc.
Trước giải phóng, tổ viết thư thuê ở bưu điện có bảy người nay đã lần lượt đi xa. Cách đây vài năm, đồng nghiệp Huỳnh Liếng, từng thay nhau làm việc cùng ông cũng đi nốt vì tuổi tác nên ông chính là người viết thư thuê cuối cùng ở Bưu điện TPHCM.
Sắp tới là tròn 20 năm ông làm nghề viết thư thuê, mong ông mãi có sức khỏe để tiếp tục nối kết những trái tim Việt Nam và thế giới. Bởi ngoài ông ra, ở bưu điện trung tâm chưa có người nào thay thế công việc âm thầm, lặng lẽ giúp ích cho đời.
 
(Nguon :  Ngọc Bích – CA TPHCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét