Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Âm nhạc và tình dục
thì có cái gì là mẫu số chung?


Các nhà giáo dục trên thế giới đều công nhận học sinh nào thích nhạc và giỏi nhạc thường học toán rất khá và có điểm trung bình thuộc loại cao. Những “bộ não hiếm hoi” trên thế giới mê âm nhạc thì nhiều, điển hình nhất là Albert Einstein và Stephen Hawking.

Âm nhạc là loại “âm thanh ma quái” thu hút biết bao người, từ các chính khách như TT Clinton cũng biết thổi kèn saxon, cựu Ngoại Trưởng C.Rice là tay dương cầm trứ tuyệt, đến tài tử Frank Sinatra
mê hát hơn..mê vợ!

Một bài báo mới đây đăng trên tờ báo Nature Neuroscience đã đi bài do hai nhà nghiên cứu Robert Zatorre và Valorie Salimpoor thuộc đại học McGill của Montreal cắt nghĩa tại sao âm nhạc lại được nhiều nền văn hóa trên thế giới mê mẫn như thế.

Theo họ thì chính một hóa chất tiết ra trong não khi bạn nghe một đoản hòa âm thượng thặng của Beethoven, ăn một bữa ăn ưa thích ngon hay đang “hành sự du dương” với bạn tình. Hóa chất đó là dopamine.

Dopamine được tiết ra khi người nghe đang ‘đón chờ và tưởng tượng trước một đoạn nhạc cực kỳ hấp dẫn và người nghe vẫn cảm thấy ‘rần rần’ khi khúc nhạc đó đã chạy qua hai tai và đã chìm trong im lặng sau đó’

Trước đây người ta biết là dopamine đã có vai trò khi hai người thương mến nhau nói chuyện với nhau nhưng bảng khảo sát khoa học mới nhất cho thấy dopamine đã tiết ra trực tiếp khi con người
tiếp xúc với âm nhạc.

Cuộc thí nghiệm chỉ diễn ra với các khí cụ âm nhạc, cho thấy giọng hát không cần thiết để kích thích dopamine. Bà Salimpoor cho là sau này cần phải có các công trình khảo sát thêm để xem liệu giọng
hát du dương hay đặc biệt nào có thể gây tác động lên phản ứng ‘đê mê’ nơi người nhận hay không.

Các nhà khoa học lựa ra 8 người tình nguyện vì họ có đặc điểm khi nghe những đoản nhạc hòa âm ưa thích, họ cảm thấy êm dịu trong lòng để đo đạc và chụp ảnh não bộ của họ. Trí óc đã ‘phản ứng để đón chờ, tưởng tượng và cảm nhận thực thụ khi bản nhạc ập đến’ đều được các khoa học gia theo dõi.

Zatorre cho biết kết quả đo đạc chứng tỏ ngay cả những người thích nhe nhạc nhưng không thấy êm dịu vẫn tiết ra dopamine trong não. Vùng trong não gọi là ‘striatum’ là nơi tiết ra dopamine mạnh nhất
khi nghe những bản nhạc đặc biệt yêu thích.

Máy theo dõi hoạt động của não MRI cho thấy một nơi của thùy striatum tiết ra dopamine trong vòng 15 giây khi não ‘biết đoạn nhạc hay sắp xuất hiện’, rồi một nơi khác lại tiết ra hóa chất này khi đoạn nhạc này thật sự xuất hiện’

Zatorre cho là chuyện này rất hữu lý, đó là vùng của não bộ có ảnh hưởng với sự phỏng đoán đã có liên lạc với những vùng khác cũng có chức năng phản ứng với tác nhân bên ngoài đưa vào, trong lúc vùng phản ứng với ‘giây phút tuyệt đỉnh’ lại liên lạc với hệ thần kinh đối giao cảm, vốn hoạt động trong các xúc động.

Những người tình nguyện đã lựa nhiều loại nhạc khác nhau, từ jazz đến cổ điển, nhạc punk, tango và ngay cả bagpipes. Các đoạn nhạc làm dopamine tiết ra nhiều nhất là Adagio for Strings của Barber,
bản Giao Hưởng số 9 của Beethoven và Claire De Lune của Debussy.

Các nhà khảo sát còn cho là không những chỉ có âm nhạc làm con người sung sướng, mà tất cả những hình thức nghiên cứu nghệ thuật khác cũng có tác dụng tương tự.

Các bậc phụ huynh nên khuyến khích con em học nhạc hay bất cứ môn nghệ thuật nào để cuộc sống tinh thần của chúng được thăng hoa, có khi lại giúp con học giỏi nữa…
Đô ĐH st

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét