Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT TRONG CA TỪ TRỊNH CÔNG SƠN

Ban Mai *

"Trịnh Công Sơn-Vết chân dã tràng"

Ngôn ngữ ca từ Trịnh Công Sơn là thứ ngôn ngữ được “ngộ hóa”[12], kết hợp một cách độc đáo, mới lạ, mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ.

Bửu Ý nhận xét: “…Ta còn chứng kiến một công cuộc thể nghiệm của tiếng Việt trên những chặng đường mới của ngôn ngữ với những kết hợp từ ngữ tài hoa, những góc độ thu hình lạ lẫm, những tri giác dày dặn nhiều tầng, đồng thời làm sáng giá những sự vật thông thường và tầm thường, khả năng tưởng tượng bay bổng”.

Thử xét qua một ít từ loại, những danh từ, động từ, tính từ… được sử dụng qua bàn tay phù phép của Trịnh Công Sơn mà Lê Hữu trong bài Ảo giác Trịnh Công Sơn đã phân tích rất tinh tế dưới đây:

Động từ chẳng hạn, ví dụ chữ “phơi”:

Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình…

(Ru ta ngậm ngùi)

Chưa nghe nói có ai đem tình ra phơi như phơi áo bao giờ. Thế nhưng, Trịnh Công Sơn đã thật tuyệt khi đem tình phơi trên cánh môi thơm! Thế vẫn chưa lạ, vì đem tình ra phơi cho khô nhưng tình không khô mà nắng lại… khô mới lạ hơn nữa: Phơi tình cho nắng khô mau… (Tình xót xa vừa). [22] Hay những động từ khác:

Treo: Treo tình trên chiếc đinh không…

Khoác: Sương khoác mềm vai phố…

Lùa: Lùa nắng cho buồn vào tóc em…

Nhặt: Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy…

Chúng ta có thể nhặt ra nhiều động từ như vậy. Các động từ trên hoàn toàn thuần Việt, là cũ chứ đâu có mới, nhưng với những hình ảnh mới mẻ theo sau, nó chở theo sau những ý tưởng hoàn toàn mới lạ, bất ngờ.

Về danh từ cũng vậy. Chẳng hạn từ “nắng” và “gió” là danh từ chỉ một hiện tượng thiên nhiên nhưng qua bàn tay phù phép của ông, những danh từ này bỗng mang một sắc thái riêng, nắng không còn là nắng nữa, gió không còn là gió nữa mà nó đã được thổi hồn trong đó: chẳng hạn nắng mềm, nắng khuya, nắng hững hờ, nắng chiều quạnh quẹ, nắng rất la đà. Từ “gió”: gió vô tình, ngọn gió hư vô, ngọn gió hư hao, ngọn gió hoang vu, ngọn gió quạnh hiu, gió mùa thu rất ân cần… Hoặc ông thường nói đến dòng sông, con đường, hoa cỏ, chim muông. Nhưng qua sự kết hợp ngôn ngữ tài tình của ông… là không còn theo nghĩa thông thường nữa. “Dòng sông” chẳng hạn, là biểu tượng của dòng đời, dòng chảy của thời gian. Dòng sông trong ca từ Trịnh Công Sơn còn gợi lên những ý niệm về nỗi chia lìa, biền biệt, mất tăm, mất hút... Sông bao lần sông đã ra đi…/ Có một dòng sông đã qua đời…“Đóa hoa” không còn là hoa nữa mà là một hình tượng cái đẹp diễm ảo, chỉ nở trong những giấc mơ: Đóa hoa hồng vùi quên trong tay…/ Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi… [22]

***

Trong chuyên luận Trịnh Công Sơn - Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật, Bùi Vĩnh Phúc cũng đã phân tích rất kỹ và tinh tế những nét kỳ ảo trong ngôn ngữ của nguời nhạc sĩ này. Ông cho rằng những nét kỳ ảo trong thế giới của Trịnh Công Sơn đã khiến cho cái thế giới ấy trở nên đẹp và lung linh nhiều màu sắc. “Đó là một thế giới có thật hay là một thế giới chỉ có trong tưởng tượng? Có lẽ cả hai... Nó là một thế giới “lai”: lai giữa hiện thực và mộng tưởng, lai giữa hiện tại chớp mắt và thiên thu mịt mù, lai giữa hồng và xám, giữa xanh và đỏ, giữa trắng và đen, giữa vàng và tím, lai giữa “một phố hồng một phố hư không” và “giữa tường trắng lặng câm” u tối”. [4] Theo ông, một nét thú vị trong ngôn ngữ ca từ Trịnh Công Sơn là những nét tỉnh lược.

Trong nghệ thuật tỉnh lược, “những hình ảnh (cũng có nghĩa là những từ ngữ) trong câu bị cắt đi mất một vài thành phần, có khi chúng còn bị sắp xếp theo một trật tự không bình thường nữa, khiến cho câu văn và hình ảnh mất đi tính mòn, và trở nên mới, nhờ sự lắp ghép lại trong chính trí tưởng tượng của người thưởng ngoạn. " Trong bài Nhớ mùa thu Hà Nội, Trịnh Công Sơn viết:

Hồ Tây chiều thu

Mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi

Màu sương thương nhớ

Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời.


“Vỗ cánh mặt trời” là thế nào? Hình như tác giả đã cắt đi một nét chính yếu giữa động tác “vỗ cánh” của bầy chim sâm cầm và hình ảnh “mặt trời”. Có thể là bầy chim vỗ cánh bay về hướng mặt trời. Có thể là vỗ cánh bay dưới bóng mặt trời. Có thể là bầy chim vỗ cánh bay đi trong ánh mặt trời đang xuống loang đỏ mặt nước của Hồ Tây buổi chiều thu. Đó có thể là một vài lý giải của người đọc để làm cho bức tranh có đầy đủ nét hơn. Nhưng, thật sự, đủ nét để làm gì? Bức ảnh thiếu nét như thế lại hay. Vì nó tạo nên một hiệu ứng nhòe. Khiến cho buổi chiều ấy như thấm đẫm một màu sương. Nếu bức ảnh đầy đủ mọi nét, “màu sương thương nhớ” kia sẽ không còn chỗ để phát huy hết tác dụng của nó nữa. (…) Chúng ta có thể tiếp tục thử phân tích như thế với những câu “Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi” (Tuổi đá buồn), “Em đi về cầu mưa ướt áo” (Mưa hồng), hay “Mưa phố vai mưa mềm” (Mưa mùa hạ)... Tất cả những nét thiếu trong những câu như thế của Trịnh Công Sơn là những nét thiếu rất nghệ thuật. Thiếu mà lại tràn đầy. Vì nó kích thích trí tưởng tượng của ta. Nó bắt ta phải, bằng vào kinh nghiệm và những cảm thức thẩm mỹ của mình, bổ túc cho bức tranh được hoàn chỉnh và có ý nghĩa hơn”. [4]

Bên cạnh điều ấy, Bùi Vĩnh Phúc cũng cho rằng, Trịnh Công Sơn thường sử dụng những câu bỏ lửng, chưa toàn vẹn ở một mức độ nào đó. Có thể chưa chắc đã hay nhưng chắc chắn chúng tạo nên một nét lạ. Ví dụ trong bài Nguyệt ca, ông viết:

Từ khi em là nguyệt

Cho tôi bóng mát thật là

“Bóng mát thật là mát”, hay “bóng mát thật là hạnh phúc”... Chúng ta không rõ. Trịnh Công Sơn chỉ nói lửng lơ như vậy thôi. Cho tôi bóng mát thật là. [4] Người tình kia mất con đường về Và trời kia mất em từ độ Từ độ nào? Chúng ta có thể hỏi. Nhưng người nhạc sĩ chỉ nói vậy. Là đủ. Nếu người đọc muốn hiểu là “từ độ ấy” thì chắc cũng đúng. Nhưng “Nói ra quá rõ như thế để làm gì?” [4]

Ngoài lối nói tỉnh lược, lối nói bỏ lửng cắt bỏ một nét cuối câu, Trịnh Công Sơn còn có một phong cách sử dụng từ rất lạ, biến chúng thành một nét riêng của ông, không nhòe lẫn với bất cứ ai. Ví dụ như từ “hư hao”.

Từ này trong cuộc sống hàng ngày, có một nghĩa thật bình thường, là lời nói không một nét thơ nào cả, chẳng hạn khi nói về đồ đạc hay nhà cửa hư hao. Trong ca từ Trịnh Công Sơn, ông cho nó mang những tính chất mới:

- Ngọn gió hư hao thổi suốt chiêm bao.

- Rồi tình trong im tiếng

Rồi tình ngoài hư hao.

- Về đây thân xác hư hao

Đêm đêm nằm nghe lá

Than van chút niềm đau ngọt ngào.

“Hư hao”, từ đó, đã đi vào thi ca.[4]

Thứ nhì là trạng từ “vừa”. Ý nghĩa bình thường của nó là “đủ”, “không thừa không thiếu”, như trong câu “cầu vừa đủ xài”. Ở Trịnh Công Sơn nó được lắp ghép một cách đặc biệt vào những tính từ thường không gắn bó với nó như:

Một lời tình cuối vu vơ

Một ngày tình xót xa vừa.

Có khi ông cho trạng từ “vừa” này bám vào một danh từ, khiến cho nó được dùng như một tính từ:

Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ

Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa.

“Vừa”, như thế, mang một nét mới của Trịnh Công Sơn.

Những cách nói, cách dùng chữ như vậy đã góp phần làm cho thế giới của Trịnh Công Sơn tách xa khỏi cuộc sống bình thường thêm một chút nữa. Từ đó, chúng tạo nên một độ chênh khiến người đọc nhận ra phong cách khác lạ, đặc thù của Trịnh Công Sơn. [4]

Ngoài ra, ca từ Trịnh Công Sơn còn sử dụng nhiều biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, so sánh… Vì Trịnh Công Sơn sử dụng nhiều biện pháp tu từ như vậy, người nghe ca từ của ông không dễ nắm bắt ngay được ý nghĩa của chúng, mà người ta phải cần một ít thời gian để suy nghĩ, thẩm thấu chúng trước khi đi được vào cốt lõi những hình ảnh, những tình ý và tư tưởng của người nhạc sĩ. Sau đây là một vài hình ảnh được lọc ra:

Ẩn dụ:

- Ngoài phố mùa đông / Đôi môi em là đốm lửa hồng.

- Môi em hồng như lá hư không.

- Lòng ta trăm con hạc gầy vút bay.

- Con sông là thuyền, mây xa là buồm.

Nhân hóa:

- Khi tình đã vội quên / Tim lăn trên đường mòn / Trên giọt máu cuồng điên / Con chim đứng lặng câm

- Bống nhảy lên bờ bống đi chơi phố / Nắng vàng ủng hộ cho bống căn nhà

Hoán dụ:

- Một cuộc tình nhỏ bé / Bên đôi môi hồng đào

- Có sợi tóc nào bay / Trong trí nhớ nhỏ nhoi

- Những bước chân mềm mại / Đã đi vào đời người

So sánh:

- Mặt trời như trái cây tuyệt vọng / Rơi trong đêm rơi trong đời nàng

- Có người lòng như khăn mới thêu / Có người lòng như nắng qua đèo

- Hồn mình như vá khâu / buồn mình như lũng sâu


Trong bài Thương một người, Bùi Vĩnh Phúc cho rằng câu “Từng đêm qua ngõ tối / Bàn chân âm thầm nói” có thể được hiểu như “một hình ảnh với những biện pháp tu từ có tính trùng phức. Ở một mức độ thấp và đơn giản nhất, có thể xem đây là biện pháp nhân hóa: tác giả gán cho bàn chân một thuộc tính của người, là “nói”. Cao hơn nữa, có thể xem nó là ẩn dụ: bàn chân tượng trưng cho người con gái; một người con gái âm thầm đi về trong đêm. Bàn chân âm thầm ấy nói lên những tâm sự buồn và u uẩn. Cao hơn nữa, có thể xem nó là hoán dụ: lấy bàn chân, là một phần của con người, để chỉ toàn thể con người: người con gái với bước chân âm thầm đi trong đêm tối, tấm lòng ôm giấu một nỗi buồn riêng tư, không muốn ngỏ cùng ai.” [4]

***

Phải thừa nhận rằng, cách cấu tạo ngôn ngữ Trịnh Công Sơn tài hoa, táo bạo và lạ. Những từ bình thường, rất cũ, qua sự kết hợp của ông bỗng trở nên mới lạ hoàn toàn. Chẳng hạn ông thường kết hợp một từ cụ thể + một từ mơ hồ trừu tượng = ra một từ hoàn toàn mới .

Ví dụ: từ cụ thể+ từ mơ hồ, trừu tượng

Chiếc lá + thu phai

Giọt lệ + thiên thu

Cỏ + xót xa đưa

Dấu chân + địa đàng

Đóa hoa + vô thường

Rừng xưa+ đã khép

Dấu chân+ ngoan.

Đặc điểm nổi bật trong ca từ Trịnh Công Sơn là tính… mơ hồ. Vì vậy, có thể gọi là… “bóng chữ” như cách nói của nhà thơ Lê Đạt. Vì là “bóng chữ” nên không dễ hiểu, chỉ cảm nhận là chính. Ca từ Trịnh Công Sơn, như chính tác giả thú nhận “…Bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích rõ ràng thì thật là khó”. [61; 520]

Trong phong trào Thơ Mới, Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử cũng là những bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ tạo nên những từ ngữ mới lạ, bất ngờ như Trịnh Công Sơn. Với thơ cũ, ngôn ngữ sử dụng phần nhiều mang tính chất tĩnh như danh từ, tính từ, hay những hình ảnh ước lệ, hoa mỹ. Ngược lại, trong Thơ Mới hàng loạt từ vựng mới lạ mang tính chất động ra đời, có những cách tân đáng kể.

Xuân Diệu – ông Hoàng của thơ tình – thường sử dụng nhiều động từ mạnh nói lên sự khát sống mãnh liệt như “bấu”, “uống”, “riết”, “cắn”…

Tôi kẻ đưa răng bấu mặt trời…

(Hư vô)

Trời ơi, ta muốn uống hồn em!…

(Vô biên)

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn…

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào người!…

(Vội vàng)

Hay những cách diễn đạt như: chiều lỡ thì, sương bám hồn, chiều cắn mặt buồn rầu, nhan sắc ơi, vài miếng đêm, đêm thủy tinh, biển pha lê, nguy nga gió, tịch mịch đời…[20]

Hàn Mặc Tử - một trong những thi sĩ đại diện cho “Trường Thơ Loạn” của Bình Định - Thế giới thơ ông thường quằn quại đau đớn, khao khát với hồn, máu và trăng. Với Hàn Mặc Tử là một loạt ngôn từ kinh dị của cái “tột cùng đau khổ”[16] . Ông thường sử dụng những động từ “ăn”, “uống”, “hớp”, “đớp”…

- Trời hỡi làm sao cho khỏi đói

Gió trăng có sẵn làm sao ăn.

- Tôi toan đớp cả váng trời

Tôi toan hớp cả miếng cười trong khe.

- Gió rít từng cơn trăng ngã ngửa

Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô.

Hay những hình ảnh mới lạ, sử dụng nhiều biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa như:

- Mới lớn lên trăng đã thẹn thò

Thơm như tình ái của ni cô.

-Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi.

Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… rồi Trịnh Công Sơn thời sau này đều được đào tạo trong những trường học của Pháp. Nửa đầu thế kỷ XX, nền giáo dục trung học của Pháp vẫn chú trọng việc giáo dục những giá trị nhân văn qua bộ môn văn chương. Đó là một điều kiện thuận lợi góp phần hiện đại hóa văn chương Việt Nam. Yêu quý tiếng mẹ đẻ, các thi sĩ, nhạc sĩ đã nhạy cảm tiếp nhận những tinh hoa của mười thế kỷ văn chương Pháp, nhất là các tác giả hiện đại để sáng tạo ra những ngôn từ mới lạ, đóng góp một phần quan trọng trong sự phát triển của ngôn ngữ thơ ca Việt Nam. [24]

=================

TÀI LIỆU THAM KHẢO


[4] Bùi Vĩnh Phúc (2005), Trịnh Công Sơn / Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật, NXB Văn Mới, California, Hoa Kỳ, và một phần của chuyên luận trên http://www.tcs-home.org

[12] Đinh Gia Khánh (chủ biên) (2001), Văn học Việt Nam (Thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII) NXB GD, Hà Nội.

[16] Eric Henry (2005), Phạm Duy và lịch sử Việt Nam hiện đại, in trên Talawas, tháng 11/2005

[20] Lê Tiến Dũng (2003), Một đời người, một đời thơ, in trong tập “Thơ Xuân Diệu và những lời bình”, NXB VHTT.

[22] Lê Hữu, Ảo giác Trịnh Công Sơn, nguồn http://www.tcs-home.org

[24] Lý Hoài Thu (1997), Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945, NXB GD.

[61] Văn xuôi Trịnh Công Sơn (2004), Kiếp sau tôi vẫn là người nghệ sĩ (trả lời phỏng vấn VCH), in trong “Một cõi Trịnh Công Sơn”, NXB Thuận Hóa.TTVHNNĐT.


Bàng HS st

- - - - - - -

* Tên thật là Nguyễn Thi Thanh Thúy, hiện làm việc ở Đại học Quy nhơn

Tháng 4/2006 : bảo vệ luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam: Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn

9 nhận xét:

  1. Một bài phân tích hay về nhạc Trịnh .Cám ơn Bàng.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Bàng với bài st này!
    Bài hát nào của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mình cũng thích về cả giai điệu lẫn lời ca.
    Mình vẫn nhớ lần đầu tiên nghe say xưa nhạc Trịnh là cùng với bạn Thanh Loan (10H) ở nhà bạn Nguyệt (10H) năm 1975.

    Trả lờiXóa
  3. Cái Nguyệt thì tớ vẫn gặp thường xuyên , riêng Thanh Loan 10H sao tớ không nhớ ra. Các cậu nhớ dùm cho tớ với !

    Trả lờiXóa
  4. Bạn Thanh Loan trông xinh xinh, hay cười, nhà ở gần chợ Ngọc Hà (48 Ngọc Hà). Bạn ấy học Đại học Y, ra trường về làm việc tại bệnh viện ở Hải Phòng, sau này mới về công tác ở Hà Nội...

    Trả lờiXóa
  5. Dung thân mến !Sáng nay Thục Phán có điện thoại cho tớ nói Loan này học lớp 10C . Tay Thục này biết hết danh sách các miss hoa khôi xinh xinh của khóa, nhất là mấy thiếu nữ ở Ngọc hà. Cám ơn Dung đã cung cấp thông tin nhé !

    Trả lờiXóa
  6. Hình như trong bài "http://nguyentraik22.blogspot.com/2010/08/anh-cac-ban-10a-ban-vu-ngoc-dung-lop.html " có ảnh của LoanLT phải không bạn DungVN?

    Trả lờiXóa
  7. Bạn 9I10H nói đúng đấy.
    Mình nhắn cho bạn thanhvien10h ở "1 góc tâm sự" nhé.

    Trả lờiXóa
  8. ban thanh vien 10h oi ban thanh loan o ngoc ha dau pho ban day mat roi

    Trả lờiXóa
  9. Mình chia sẻ nỗi buồn với việc ra đi của một người bạn gái cùng khóa.

    Trả lờiXóa