Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Thầy Văn Tâm của Bàng, của tôi, và của các bạn!

Thú thật với các bạn: vừa cảm động đọc bài của Bàng, tôi vừa tự trách mình đã từ lâu chưa viết xong một bài riêng về thầy. Dù thầy vẫn ở bên tôi trong bao năm tháng qua, dẫu khi văn chương ở xa hay ở gần tôi.

Vâng, bản thảo còn đó, đã qua hàng chục lần “dọn nhà trên máy tính”. Đọc xong bài của Bàng, tôi bỏ dở các việc gấp gối khác, lao vào “Kho bài còn nợ”. Và tìm nhanh được bài về thày Văn Tâm; như mọi lần: nhìn nhanh lại các suy nghĩ của mình, và gom góp các suy nghĩ của bao người khác về thày…
Các bạn ạ! Tôi vốn viết chậm, nên bài về thầy, cứ nhủ lòng, phải viết sao cho ra tấm ra miếng, mới xứng với những gì có được từ thầy. Dù tôi tin là thầy không biết; Như bao thầy giáo cô giáo khác, khó có thể biết mình đã gieo trồng được bao nhiêu cây đời trên mặt đất nhân loại. Bản thảo đó tôi khởi viết sau khi đọc hai-ba lần cuốn sách để đời của thầy: Vườn Khuya Một Mình.
Hôm nay, tôi viết vội bài báo nhỏ này, như tiếp lời bạn Bàng, nhân 20-11 cùng tất cả các bạn, nhớ đến thầy Văn Tâm và các thầy các cô khác ở trường Nguyễn Trãi trong năm 1972 – cái năm mà sau đó mỗi chúng ta đã vĩnh biệt tuổi thơ, tạm biệt mái trường.

Dưới đây, mời các bạn đến với trích đoạn từ một tham luận văn học của tôi (với bút danh Đỗ Quyên), được viết 3 năm trước, có nhắc tới thầy Văn Tâm. (Để hợp với nguyentraik22.blogspot.com, tôi cũng đã biên lược đôi chút mà không thay đổi nội dung bản gốc)


Hai chữ Tâm Văn:
Văn học Việt ở nước ngoài hình thành một Tâm Thế Văn Chương rất đa dạng ở các tác giả. Tâm Thế Văn Chương là gì? Cũng được nhắc đến lâu nay, nhưng có lẽ chưa ai chỉ mặt đặt tên, khái quát nó như một kết quả của dòng văn học Việt Nam ở ngoài nước.
Tôi xin tạm gọi mối tương quan của nhà văn với đất nước, với thời thế xuyên qua tâm tư, hoàn cảnh riêng của cá nhân (….) khi ra nước ngoài là Tâm Thế Văn Chương. Và rút gọn lại một lần nữa: Tâm Văn.
Có thể chữ Tâm Văn này nghe chưa ổn, về cấu tạo từ vựng. Mong Hội thảo tạm cho qua. Ăn nhau là ở cái nội dung. Nếu như (…) để so sánh với các tác giả trong nước thì ta thấy, tâm văn của các đồng nghiệp đó - trừ một số rất ít - không nổi trội lên qua tác phẩm của mình.
Phải thưa ngay cùng Hội thảo rằng, hai chữ Tâm Văn tôi có được là để viếng tặng người thầy giáo dạy văn mà tôi may mắn được học ở lớp cuối trung học, trường Nguyễn Trãi, Hà Nội: thầy Văn Tâm! Những ai làm phê bình văn học, hoặc quan tâm đến sinh hoạt của văn giới Hà Thành, ít nhiều đều biết nhà phê bình, nhà giáo Văn Tâm, tên thật Nguyễn Văn Tâm. Là nhà phê bình văn học – và không may bị sự kiện NV-GP đẩy ra ngoài lề ngay khi mới ra nghề và đang thành tài - Văn Tâm luôn luôn vượt văn phận của mình, đến cuối đời vẫn giữ một vị trí tiền phong và độc đáo trong một số cách tân táo bạo ở sự thẩm định một số tác phẩm văn học, một số phương pháp phê bình, giảng dạy văn học…
Thày của tôi mất đã mấy năm rồi. Tới nay tôi còn nợ mình một bài viết khóc thầy khi ở ngoài này hay tin buồn đó. Bản thảo vẫn là bản thảo, và đây là dịp tôi được viết ra đôi điều trong đó.
Với nhiều tác giả khá dễ dàng xác định tâm văn của họ: nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà thơ Thế Dũng, nhà văn Thuận, nhà thơ Đinh Linh, nhà phê bình-dịch giả Đinh Từ Bích Thúy… Và còn nữa, ở các tác giả thâm niên hải ngoại như: nhà phê bình Đặng Tiến, nhà thơ Thường Quán, dịch giả Nguyễn Ước, nhà thơ Viên Linh, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, nhà thơ Đỗ Kh., nhà văn Mai Thảo, nhà văn Nhật Tiến, nhà báo–nhà văn Khánh Trường… Và có không ít tác giả không dễ “tìm ra” tâm văn. Với mỗi tác giả đó, cần có sự đọc chu đáo về họ.
Tính đa dạng tâm văn của văn học Việt ở ngoài nước không khó giải thích nguyên nhân. Chỉ còn lại những câu hỏi: Ảnh hưởng của nó lên sáng tác, lên các động thái văn học ra sao? Nó làm văn chương hay lên, hay là dở đi? Tức là, có thể đặt lại vấn đề: sự phong phú – có phần rắc rối - của tâm văn nơi các nhà văn ở ngoài nước là thành tựu hay là cản trở cho nền văn học này?”

Cám ơn Hồ Sĩ Bàng đã viết một bài sinh động và đầy đặn về THẦY VĂN TÂM như là một người thầy dạy văn của Bàng, cũng là của tôi, và tất nhiên là của cả chúng ta – các thành viên của nguyentraik22.blogspot.com!


Chiều 12/11/2010
Đỗ Ngọc Thủy

4 nhận xét:

  1. Thầy Văn Tâm là niềm tự hào của học sinh trường Nguyễn Trãi!

    Trả lờiXóa
  2. mình ngưỡng mộ thầy Văn Tâm lắm, ngay từ khi đang học.Đăc biệt khi ra trường mình càng trân trọng Thầy hơn.Thầy ko chỉ dạy văn hay mà vẽ cũng rất tài

    Trả lờiXóa
  3. Mình được biết thầy Văn Tâm cũng có tài về thưởng thức âm nhạc nữa. Thầy viết cả những bài luận về âm nhạc dân gian rất hay!

    Trả lờiXóa
  4. Kính chào các thầy cô giáo và các bạn K22 trường Nguyễn Trãi thân mến, tôi là ngô thái hòa học sinh lớp 9H và 10G K22 trước đây, niên khóa 1970-1972.
    Tôi rất vui khi biết được trang blog này của trường ta qua bạn Thoa ở lớp 8I cho biết.Đọc trang Blog này và những tình cảm thân xưa, những năm tháng học trò ở trường PTTH Nguyễn Trãi Hà Nội lại ào ạt trở về trong tôi. Thầy Hà Tâm dậy toán là chủ nhiệm lớp 10G và thầy Văn Tâm dậy văn là phó chủ nhiệm lớp 10G chúng tôi năm xưa. Mặc dù không được các thầy dậy dỗ nhiều vì 06.01.1972 chúng tôi đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc; nhưng những kỷ niệm đẹp về hai thầy Hà tâm và Văn Tâm đối với chúng tôi không thể nào quên. Chắc các bạn còn nhớ vầng trán cao với dáng thanh mảnh nhưng hùng hồn của thầy Văn Tâm khi giảng về Văn học hiện thực phê phán và lãng mạn chứ? Tôi không thể nào quên những câu chuyện ngụ ngôn của La phonten hay hài hước dí dỏm như "Chuyện tình của một đôi Robots" mà thầy Văn Tâm kể trong lúc giải lao của buổi lao động XHXN tát nước hầm trú ẩn cuối năm 1971.
    Ôi,....nay hai thầy đã đi xa, cho tôi được kính cẩn nghiêng mình và thắp một nén nhang cho hương hồn hai thầy và các thầy cô giáo của chúng ta đã đi xa.

    Trả lờiXóa