Vào đầu năm lớp 10, chúng tôi được biết thầy sẽ dạy văn chúng tôi là thầy Văn Tâm. “ Thầy ấy giỏi lắm! Đáng lẽ thầy dạy văn Đại học nhưng “dính” một họa văn chương nên mới xuống dạy trường Cấp III mình đấy!”. Chúng tôi hồi hộp chờ.
Buổi đầu lên lớp, với mái tóc vuôt ngược để lộ vầng trán cao, khuôn mặt đầy đặn ẩn sau cặp kính, đôi môi luôn hơi mím lại tôi thấy thầy có vẻ khó gần. Giờ đó, thầy giảng về quá trình làm một bài văn. Thầy có cách giảng: đọc cho học sinh chép những điều cần thiết, sau đó bắt đầu là quá trình diễn giải, lúc đó ai muốn ghi gì thì ghi. Bài giảng của thầy thật thú vị với hình ảnh làm văn cũng như xây một tòa nhà với tìm hiểu công năng căn nhà định xây( phân tích đầu bài), quá trình thiết kế nhà (xây dựng dàn ý), chuẩn bị vật liệu (lựa chọn dẫn chứng, mạch văn), thi công (viết bài). Một vấn đề tưởng chừng khó mà thầy diễn giải nghe rất hình ảnh và đơn giản làm sao? Tôi vẫn coi môn văn là môn “khó nhai”, thế mà cũng thấy hứng thú. Tôi thích thầy ngay từ đó.
Những giờ văn thầy giảng đều chứa đựng nhiều nội dung: xuất xứ của tác giả, tác phẩm và các bài văn và thơ đều được dẫn chứng sinh động. Qua thầy, tôi càng hiểu rõ thêm mỗi tác phẩm nổi tiếng đều mang đấu ấn tư duy, môi trường sinh hoạt mà tác giả đã trải nghiệm.”Ý nghĩ của kẻ trong lâu đài khác với của kẻ trong túp lều tranh”. Khi giảng các bài về “Chí Phèo”, “Đôi mắt”, thầy cho thấy nhiều góc độ khác nhau của Nam Cao thông qua việc dẫn giải nhiều tác phẩm của Nam Cao không có trong sách giáo khoa . Tôi vẫn nhớ hình ảnh mà thầy nói về Nam Cao :“ cái cười trong ông là cười nhếch mép”.
Có lần, thầy dẫn bài thơ: “…Chúng tao là đoàn quân du kích / Là tao chỉ thích có đánh Tây / Mùa đông này mà mày tiến lên đây / Thì tao đánh cho mày phải chết / Lưỡi gươm này mài sắc phải biết / Chém đầu Tây cho hết thì thôi / Thế là Việt Nam ta độc lập rồi / Dân ta không phải làm phu nữa..” Bài thơ nghe rất ngô nghê! Nhưng thầy nói: hãy hiểu đây là những người dân thể hiện tấm lòng mình. Đặt tâm trạng môt người không có nhiều chữ trong kháng chiến giữ lấy đất nước với chính quyền non trẻ trước một kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần. Thầy chỉ ra tính đơn giản của bài thơ nhưng với bối cảnh lúc đó nó phản ánh một khí thế hừng hực của bao người dân yêu nước, sẵn sàng tiêu diệt bọn xâm lược. Thầy so sánh cách nhìn của những người dân này với cách nhìn của nhà tri thức trong “ Đôi mắt” của Nam Cao. Chúng tôi có thêm những cái nhìn đa chiều trước hiện thực văn học thời đó. Và còn gặp lại những điều này khi đi cùng những bài giảng khác của thầy nữa.
Ấn tượng nhất là những bài giảng của thầy về những bài thơ trong “Nhật ký trong tù”. Bao giờ thầy cũng yêu cầu tìm hiểu nguyên tác trước. Sách giáo khoa có bài “Rằm tháng giêng”. Mở đầu thầy không dạy ngay : “Chúng ta viết viết nguyên tác nào!”
NGUYÊN TIÊU
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên;
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Bản dịch:
RẰM THÁNG GIÊNG
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm xuân;
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Rồi thầy bắt đầu giảng. Vốn Hán Việt của thầy rất sâu sắc . Thầy ca ngợi điệp từ “xuân” trong câu thứ hai của nguyên tác và cho thấy hai câu đầu của bản dịch đã giữ trọn được ý hai câu đầu của nguyên tác. Nhưng ý “yên ba thâm xứ” thì bản dịch dù nêu cảnh rất đẹp nhưng chưa nêu được trọn ý. Rồi thầy nêu thủ pháp tả cảnh, tả tình. Tôi nghe bài giảng mà cảm giác mình cũng đang chiêm ngưỡng đêm rằm ở nơi xa xôi huyền ảo đó. Cho đến bây giờ mấy đưa lớp tôi vẫn thuộc nhiều bài nguyên tác trong “ Nhật ký trong tù”, và khi trao đổi với bạn bè nơi khác vẫn đọc nguyên tác làm chúng nó phục lăn.
Thầy là một giáo viên đòi hỏi ở học sinh khá khắt khe. Lớp có một số bạn có năng khiếu văn như bạn Thoa, bạn Thủy…được thầy khen nhưng rất kiệm lời. Tôi không là học sinh giỏi văn trong lớp. Nhưng có lần, tôi được thầy gọi lên và nói:” Bài tập làm văn của em, thầy định cho điểm 7. Bài có nhiều tư liệu nhưng nếu diễn giải mạch lạc hơn thì mới có điểm tốt đươc, em cố gắng bổ sung nhé”. Tôi vâng lời và cả tối trằn mình ra viết lại. Nhưng khi trả bài vẫn là điểm 6. Tôi đã phụ lòng tin của thầy. Nhưng được điểm đó của thầy, tôi vẫn thấy tự hào.
Những ngày đầu năm 1972 đỏ lửa chiến trường, lớp tôi có mấy cậu nhập ngũ. Lũ học sinh cùng lớp chúng tôi chia tay bịn rịn với bao tình cảm. Về sau tôi mới biết thầy Văn Tâm đã mời các cậu một bữa ăn tại nhà thầy mấy hôm trước khi họ nhập ngũ. Lớp trẻ vô tư với những gì phía trước, còn người thầy thấu hiểu những khó khăn gì nơi chiến trường đang chờ đón các cậu ấy.
Về sau, khi đã ra trường, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn đến thăm thầy và nghe thầy nói chuyện. Có hôm thầy kể về việc được mời đến nói về văn thơ của Bác Hồ cho một cơ quan thuộc Thành ủy. Thầy mở đầu bằng cách đặt vấn đề “ Bác Hồ có nghĩ về mình không?” “ Có đấy!” làm cả hội trường xôn xao. Bác đâu có nghĩ về mình, nghĩ cho dân cho nước chứ! Nhưng từng bước thầy cho thấy Bác là con người rất Người, luôn đặt mình trong mỗi bối cảnh người dân, từ đó mới tìm ra những khúc mắc, những nguyện vọng của họ và do vậy mới có sự đồng cảm với mọi người. Câu hỏi được giải đáp rất thấu đáo và ai cũng cảm thấy thú vị.
Lại có lần bọn tôi đến thăm thầy. Tôi kể chuyện một lần khi về công tác ở trường Sư phạm Vinh, khi đi đến Xuân Thành, qua Nghi Xuân, chúng tôi rẽ vào nhà thờ cụ Nguyễn Du. Bác bảo vệ khi thấy tôi treo mũ vào xe thì nhắc:” Anh mang theo vào đi, nếu không trẻ con nó lấy mất!”, tôi đùa :” Quê của cụ Nguyễn Du cơ mà, ai làm thế, cụ trách chết!”. Nghe thế, thầy buột miệng :”Cậu nói được đấy”, nhưng rồi thầy trầm xuống: “ Thế đấy các em ạ!”
Một lần qua hiệu sách, tôi mua được được cuốn “ Vườn khuya một mình” của thầy. Đọc cuốn sách đó, tôi càng hiểu thêm người thầy của mình. Những bài giảng ngày xưa như hiện về trong tôi rất đậm nét thông qua các bài “ Cảm thức nhân loại trong Nhật ký trong tù”,”Mấy suy nghĩ về học thuật hôm nay nhân vấn đề văn học lãng mạn”,”Buồn vui lý luận phê bình hôm nay”…Quá trình tìm tòi tư liệu để viết về các tác phẩm Vũ Trọng Phụng, Tản Đà, Đoàn Phú Tứ… của thầy thật đáng trân trọng. Nhiều nhà văn đã ca ngợi công lao phát hiện của thầy với những tác gia này. Họ đều cảm phục sức lao động, tinh thần dũng cảm vượt qua những khó khăn về tinh thần và thể chất và trên hết là lòng đam mê văn học nghệ thuật của thầy.
Về sau, tôi vẫn gặp lại kỷ niệm về thầy qua cô giáo dạy văn cho con gái tôi. Cháu rất khâm phục cô giáo của mình và thường “tầm chương trích cú” những lời của cô. Hỏi ra mới biết cô giáo cũng từng là học sinh Nguyễn Trãi. Cô giáo tâm sự:”Anh biết không, ngày ấy Nguyễn Trãi thường là trường đội sổ của quận, chẳng học sinh khá nào muốn vào học, nhưng em xin học ở trường vì nơi đó có thầy Văn Tâm dạy văn”. (Nói ra vị thế trường lúc đó chắc các bạn Nguyễn Trãi chúng ta cũng hơi buồn nhưng quả đúng vậy ). Cô giáo mang niềm đam mê văn học ấy đi học sư phạm văn và trở thành một giáo viên văn học giỏi của trường. Tôi đã xem các tài liệu mà cô giáo cung cấp cho học sinh. Chúng rất chi tiết, khoa học, thể hiện những tinh thần làm việc nghiêm túc và yêu nghề hết mực . Tôi cảm thấy trong cô vẫn có sự kế thừa từ thầy. Kết quả thi cuối kỳ về ngữ văn của lớp rất cao đến mức khi cô hứa sẽ thưởng cho học sinh nào điểm 8 văn trở lên thì hơn nửa lớp đạt được kết quả đó!
Chúng tôi luôn tưởng nhớ về thầy. Chúng tôi đã có được cách thức thẩm văn theo phương pháp của thầy. Chính thầy đã giúp chúng tôi sống “Người” hơn, biết nhìn nhận nhiều vấn đề xã hội với con mắt nhân văn, biết trân trọng giá tri cuộc sống hơn! Em xin chân thành cảm ơn thầy !
25/10-9/11/2010
HỒ SĨ BÀNG
Bài viết của ban như một nén hương thơm của lứa hoc trò NTk22,thắp cho người Thầy đáng kính của chúng ta
Trả lờiXóaBài viết của bạn thật là cảm động!
Trả lờiXóaTuy mình chỉ được học thầy Văn Tâm có vài buổi (Thầy chỉ dạy thay) mà mình cũng đã thấy rất cuốn hút với môn Văn học mà ai cũng cho là „khó nhai“ như bạn nói. Thảo nào các bạn lớp 10 H viết giỏi và hay ghê!
Mình cũng luôn cho rằng: Giáo viên giỏi không chỉ là dạy chuyên môn giỏi mà dạy học sinh của mình biết làm Người có TÂM nữa!
Bàng ơi, mình thấy bạn và bạn Thủy ca ngợi chuyện “Vườn Khuya Một Mình” của Thầy Văn Tâm, làm mình rất háo hức muốn xem. Mình cũng rất hay đọc chuyện mà sao lại không được đọc chuyện của Thầy Giáo trường mình? Vậy bạn có thể mỗi ngày đăng lên Blog 1 đoạn của chuyện "Vườn Khuya Một Mình" cho đến hết được không?
Trả lờiXóaĐây cũng là tấm lòng biết ơn và ngưỡng mộ Người Thầy Giáo vô cùng đáng kính của trường Nguyễn Trãi chúng ta nhân dịp ngày lễ Nhà Giáo Việt Nam 20-11!
Xin cám ơn bạn!
Dung 10A
Bài viết rất hay và tình cảm với thầy giáo với thế hệ chúng mình xưa ...Cám ơn bạn nhé ...
Trả lờiXóa