Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

ĂN CHAY (phần 1)



Ăn chay là một nét văn hóa tâm linh của người Việt vào những ngày rằm, mồng một Âm lịch hàng tháng hay những dịp đi lễ chùa cầu phúc, du xuân đầu năm. Trong khoảnh khắc giao hòa của vạn vật đầu xuân năm mới, được thưởng thức những món chay thơm ngon do tự tay mình làm ra, đóng góp với nhà chùa, dường như chúng ta đang cảm nhận được một ân điển của Trời Phật ban cho. Đó là những giây phút thư thái, tâm an bình để xua đi bao nỗi nhọc nhằn, lo toan trong cuộc mưu sinh bon chen, hối hả đời thường.
Một số người, đặc biệt là người Sài Gòn, cho rằng để cầu cho một năm mới làm ăn thuận lợi, gia đình mạnh khỏe yên vui, người ta thường chọn tháng Giêng là tháng ăn chay để thanh tịnh tâm, khẩu, ý.
Ngày nay ăn chay không còn giới hạn trong tôn giáo hay với những người giảm béo, chữa bệnh nữa mà nó đã trở thành xu hướng của thời đại. Ăn chay đang dần trở thành một ẩm thực thời thượng trong cuộc sống hiện đại ở các nước phát triển, đặc biệt trong giới trẻ, nghệ sỹ và trí thức.
Giữa cuộc sống trăm nghìn vất vả, bộn bề, họ thích rủ nhau đến những quán cơm chay để tìm cho mình những giây phút an nhàn, thư giãn, hay tự chế biến những món ăn chay giàu dinh dưỡng, ấm cúng tại nhà để cùng thưởng thức với bạn bè và người thân.
Ở phương Tây đang xuất hiện “làn sóng ăn chay mới” không liên quan gì tới những người ăn chay truyền thống vì tôn giáo. Những người ăn chay mới chỉ có mục tiêu duy nhất: Chăm sóc sức khỏe và giữ vóc dáng nên họ thích ăn hoa quả và ăn chay là những thức ăn có nguồn gốc từ thực vật, không chứa dầu mỡ, các chất béo, chất gây lão hoá...
Con số thống kê được cho thấy ở VN có 10% người thường xuyên ăn chay, tại châu Âu con số này là 20% (NLĐ online). Ở Mỹ khoảng 50 triệu người ăn chay như một sự lựa chọn, còn ở Ấn Độ hơn 50% dân số ăn chay trường.
Khoa học dinh dưỡng đang đối đầu với thử thách: không chỉ mang lại sức khỏe cho cá nhân mà còn lợi ích cho sức khỏe môi trường. Vì vậy, cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh - chế độ ăn từ thực vật hay ăn chay - vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa là con đường gần nhất đi đến sự giảm thiểu hủy hoại môi trường và chống lại biến đổi khí hậu.
Ẩm thực chay – một đặc thù của văn hóa Việt
Trong các bữa ăn của người Việt thường có thành phần rau, củ, quả nhiều hơn. Dân ta có câu: “Cơm không rau như đau không thuốc”. Chúng ta ăn rau sống cả rổ trong khi dân Tây chỉ ăn 1 hay 2 lá xalat mà thôi.
Ẩm thực Việt không chỉ là một nghệ thuật mà nó còn hàm chứa tính triết lý trong đó: thức ăn là phải đủ tính âm dương, ngũ hành thì mới giữ được quân bình. Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ được thể hiện trong ngũ sắc của các món ăn: trắng, vàng, xanh, đỏ, nâu; hay trong ngũ vị: chua, cay, mặn, ngọt, bùi. Tính âm dương và ngũ hành phần lớn là do các loại rau củ hoa quả, các loại rau thơm như húng quế, tía tô, kinh giới, bạc hà, rau răm và các gia vị như hành, tỏi, ớt, gừng, sả, chanh… tạo ra, mà những thứ này đồng thời cũng là những vị thuốc dân gian.
Vì vậy các món ăn Việt không chỉ bắt mắt, giàu hương vị mà còn bổ dưỡng trong việc cung cáp đủ các thành phần như đạm, khoáng, chất bột, chất béo không bão hòa, chất chua và chất xơ rất cần cho tiêu hóa.
Nếu ta gõ vào Google các chữ “món chay Việt Nam”, ta tìm được 161.000 kết quả trong images. Thực đơn chay phong phú như vậy quả là một truyền thống ẩm thực Việt mà ít dân tộc nào có được, và vì thế rất được nhiều người trên thế giới ưa chuộng.
Lý do của việc ăn chay
Việt Nam có một nền văn hóa Phật giáo rất lâu đời. Theo đó lòng tư bi được biểu hiện trong việc cấm sát sinh – một trong năm giới luật của nhà Phật. Tất cả những sinh vật dù nhỏ như con kiến đến to hơn như con voi và ngay cả con người đều có quyền được sống. Khi người ta chọc tiết một con gà, con lợn hay con bò thì chúng đều có cảm xúc đau đớn, phải dãy dụa bất lực và la hét rống lên, phản ứng hận thù y như chúng ta vậy. Trong trạng thái bị giết như thế các độc tố sẽ tan ra trong thịt mà chúng ta sẽ hấp thụ nó khi ăn và sinh lòng thù hận. Vì thế không sát sinh và không ăn thịt là cốt để nuôi dưỡng tâm an lạc, lòng từ bi, lòng thương đối với mọi con vật và cả đối với con người. Và khi ăn chay chúng ta cũng giảm bớt được việc tạo nghiệp.
Xét về cơ quan tiêu hóa thì động vật ăn thịt luôn có hàm răng nhọn, kích thước ruột ngắn để tống các chất độc nhanh, nước bọt và dịch vị của chúng có tính axit. Còn động vật ăn cây cỏ thì có hàm răng phẳng, ruột dài hơn, dịch vị tính kiềm có tác dụng tiếu hóa chất bột và chất xơ. Con người có hệ tiêu hóa thuộc loại thứ hai này. Ruột non của người dài gấp 12 lần so với chiều cao của cơ thể, còn ruột non của con mèo chỉ dài gấp 3 lần chiều dài của nó.
Ngoài ra cũng nên hiểu rằng chúng ta ăn uống là để hấp thụ các chất dinh dưỡng cho cơ thể bất kể từ thức ăn động vật hay thực vật miễn sao đầy đủ chất là được. Nhưng thức ăn thực vật sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn, nếu chúng ta có kiến thức đầy đủ về khoa học ăn chay.
Người xưa có câu:
"Nhất thiết chúng sinh không sát nghiệp
Hà sầu thế giới động binh đao?"
(Nếu tất cả chúng sinh không giết hại lẫn nhau, thì lo gì thế giới có chiến tranh?)
Vì vậy ăn chay với bất kỳ lý do nào thì cũng đều gieo được hạt giống từ bi và tạo ra một môi trường hòa bình cho thế giới.
Xu hướng ăn chay vì sức khỏe


Trên báo SK & ĐS– Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế VN ngày 18/12/2010 cho biết các thông tin về dinh dưỡng của thực phẩm chay như sau:
Tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác hay giới tính đều có thể lựa chọn ăn chay như là một phương pháp phòng chống bệnh tật, giữ gìn vóc dáng, kéo dài tuổi thọ và nhiều người quan niệm ăn chay là để tâm hồn thanh tịnh, bình an.
Hai hiệp hội uy tín nhất TG là Hiệp hội Tiết chế Hoa Kỳ và Hiệp hội Y tế Anh quốc tuyên bố: “Ăn chay đáp ứng tất cả mọi nhu cầu dinh dưỡng cho người lớn cũng như trẻ nhỏ. Không sợ thiếu máu.”
Có thể khẳng định rằng, các thực phẩm chay cung cấp cho con người đầy đủ các chất dinh dưỡng cơ bản nhất bao gồm: chất bột, chất béo, chất đạm, chất xơ, các vitamin và muối khoáng. Nếu một người ăn chay mà ăn uống đủ lượng và có thành phần thực phẩm cân đối thì cũng có thể cao hơn và to lớn hơn người ăn thịt. Đặc biệt là có thể sống lâu hơn. Thực tế đã cho thấy, người Eskimo hoàn toàn ăn thịt thì tuổi thọ trung bình của họ chỉ là 36 năm, còn người Kogi (bộ tộc ở Peru - Nam Mỹ) ăn thuần chay thì tuổi thọ trung bình của họ lên tới 100 năm.
Các nghiên cứu khoa học trong 20 năm qua đã kết luận rằng trong cuộc sống hiện đại việc hấp thụ nhiều thịt làm tăng cholesterol, dư thừa năng lượng dẫn đến các bệnh tật về tim mạch, ung thư, tiểu đường, béo phì, gút.
Thịt mang tính axit, khi được hấp thụ làm cơ thể mang tính axit. Để trung hòa tính axit của thịt, cơ thể lấy canxi trong xương dẫn đến bệnh loãng xương. Môi trường axit còn là môi trường sinh sống của tế bào ung thư.
Chế độ dinh dưỡng chay sẽ giúp cho việc phòng ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch, trước hết là bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành, những người ăn chay có chỉ số xơ vữa mạch máu thấp. Trong thức ăn chay có ít cholesterol, ít axit béo, nhiều vitamin, có tác dụng chống ôxy hóa, và đặc biệt ít calo, nên các món chay rất thích hợp cho bạn nào muốn có hình dáng thon gọn và trẻ lâu.
Ăn chay cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng không thua gì ăn mặn. Khoa học đã chứng minh người ăn chay có khả năng dẻo dai và sức chịu đựng tốt hơn người ăn thịt.
Theo nghiên cứu mới đây nhất thì thực phẩm chay có tác dụng rất tích cực đối với phụ nữ mang thai và trẻ em. Ngoài ra, cho trẻ ăn thực phẩm chay không những đảm bảo vệ sinh mà còn giúp cho trẻ khỏe mạnh, tâm trí an lành và có chỉ số thông minh cao.
Ăn chay có thể mang lại sự cân bằng cho cơ thể và an lành cho tâm trí.
Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng Heidi VanPelt-Belle, Cao đẳng Y tế và Sức khoẻ Huntington, giải thích, rau xanh, đặc biệt là những loại có lá sẫm, cung cấp tất cả các axit amin cần thiết cho quá trình tạo protein và được tiêu hoá nhanh. Do đó, người ăn chay có nhiều sinh lực hơn, mạnh mẽ trong các hoạt động.

Đô ĐH st

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét