Hồ Sĩ Hậu (báo Văn Nghệ)
Làng Quỳnh Đôi của tôi nghèo lắm. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi vì sao quê tôi nghèo đến vậy. Cả làng chỉ có vài nóc nhà ngói của mấy gia đình có người đỗ đại khoa, còn lại là những túp nhà tranh vách đất xiêu vẹo. Chẳng mấy gia đình được ăn cơm đều đặn. Bữa ăn của hầu hết mọi nhà là khoai lát khô cõng vài hạt gạo. Nhà nào nghèo thì phải cách mấy ngày mới có bữa ăn như vậy. Nhà tôi lúc đó chắc không phải nghèo nhất làng, vậy mà vẫn thường đứt bữa. Những hôm như thế, hai anh em tôi lại kiếm rau sam, rau mực luộc ăn trừ bữa. Cha đi kháng chiến, mẹ tần tảo nuôi hai anh em chúng tôi bằng đôi quang gánh, đầu này là một thùng nước mắm, đầu kia là mấy lít dầu. Dân làng nghèo nên mỗi lần chỉ dám mua một "cút" (0,25 lít), lại thường mua chịu. Bởi vậy kiếm được đồng tiền để sống qua ngày là khó khăn lắm.
Nghèo vậy nhưng dân làng tôi rất hiếu học. No cũng học, đói cũng học. Năm ấy, hai anh em sinh đôi chúng tôi lên 6 tuổi, mẹ cho đến trường. Chắc mẹ phải dành dụm lâu lắm mới đủ tiền mua cho mỗi đứa một quyển vở, cái bút, lọ mực. Và thứ có giá nhất là một mảnh vải nâu. Mẹ tính toán rất cẩn thận để cắt được hai cái quần đùi. Cái cho anh tôi, Cu Lớn thì to, còn tôi Cu Nhỏ thì cái nhỏ hơn. Sáng sáng, hai anh em tôi "diện" cái quần đùi tung tăng dắt nhau đến trường làng, chiều về lại cởi quần ra vắt lên dây để hôm sau đi học. Chỉ độc một cái quần, lại phải để dành mặc đi học, nên khi ở nhà, chúng tôi chẳng mặc gì, cứ nhông nhông thế đi chơi. Hầu hết bọn con trai vỡ lòng ở làng đều vậy. Chúng tôi chưa biết ngượng với bọn con gái, nhưng gặp thầy giáo thì xấu hổ lắm.
Chẳng có gì ăn, lại bắt đầu tuổi lớn nên lúc nao tôi cũng thèm một cái gì đó. Trưa hôm ấy, tôi đang chơi thì có một bà cụ gánh toòng teng mỗi đầu quang mấy mớ dưa đi vào ngõ. Cụ vừa đi, vừa rao: "Ai mua dưa khơ... ông". Thấy mẹ hỏi mua, tôi mừng lắm, chạy lại xem mẹ mặc cả với bà cụ. Cho đến khi mấy người khác xúm vào thì mẹ không nói gì nữa. Tôi lo lắng giật áo mẹ: "Mẹ mua đi mẹ, em thèm lắm!". Mẹ nói: "Đắt lắm, nhà mình không mua được đâu con ạ!". Tôi cứ nhìn dán mắt vào mấy mớ dưa trong rổ. Đó chỉ là những cây cải già, dài hơn gang tay, nhưng với tôi, nó hấp dẫn kỳ lạ. Tôi nhớ lại mấy hôm trước, khi sang chơi nhà hàng xóm, thấy trên mâm cơm có đĩa dưa với mùi chua chua hấp dẫn đến nỗi tôi phải chạy ngay về nhà để tránh cái cảm giác thèm muốn. Đến bây giờ tôi vẫn không sao hiểu nổi làm cách nào mà tôi đã "cuỗm" được hai mớ dưa trước mặt mọi người. Tôi cầm hai mớ dưa lẩn vào cổng. Gặp tôi ở sân, mự tôi hỏi: "Mẹ mi mua dưa đó à?". Tôi "dạ" lí nhí rồi chạy xuống bếp, vùi hai mớ dưa vào bồ chè khô.
Mẹ tôi từ ngoài cổng về than phiền với mự:
- Nỏ biết ai mua không chịu trả tiền để bà hàng dưa chưởi quá! Tội nghiệp, chắc bà nớ nghèo lắm nên mất hai mớ dưa mà cứ vừa chưởi vừa khóc.
Mự tôi hỏi:
- Rứa chị có mua không?
-Không!
- Khi nãy tôi thấy thằng Cu Nhỏ cầm về hai mớ.
Mẹ tôi tái mặt:
- Thật rứa không Nhỏ?
Tôi lí nhí:
- Dạ... có.
Cha ơi! Răng lại ra ri! - Mẹ nói như nghẹn giọng. - Mi vô lấy ra đây tau coi!
Tôi vào bếp xách hai mớ dưa ra, lấm lét đưa cho mẹ. Đến bây giờ, tôi vẫn không sao quên được ánh mắt mẹ lúc ấy. Nó thảng thốt, đau khổ như vừa bị mất một vật gì vô cùng quý giá. Tôi không hiểu hết ý nghĩa của ánh mắt ấy, nhưng tôi hiểu ngay là mình đã làm một việc gì rất dại dột để mẹ buồn phiền. Mẹ ra lệnh:
- Mi ra đồng quăng hai mớ dưa xuống ruộng rồi về đây tau nhủ!
Lúc này tôi đâu thiết gì hai mớ dưa nữa, mà tôi chỉ lo sợ bị đòn. Mỗi khi mắc lỗi nặng, tôi thường bị mẹ bắt nằm úp mặt xuống giường, quất mấy roi vào vào mông rồi quát: "Nhỏ! Từ rày đã chừa chưa?". Những lúc ấy, tôi thường vừa khóc, vừa xin: "Em chừa! Em chừa!". Nghĩ đến ánh mắt của mẹ, tôi hiểu trận đòn hôm nay chắc nặng lắm.
Từ ngoài cổng về, tôi đã thấy mẹ cầm một cái roi dài. Anh tôi đứng cạnh, trông cũng sợ sệt chẳng kém gì tôi. Mẹ đập cây roi xuống mặt đất, nhìn tôi rất nghiêm khắc:
- Mi đứng đây! Thằng Lớn, mi nhắc lại cho em hắn có tội chi, khi nãy mẹ dặn ra răng!
Anh tôi khoanh tay nói:
- Dạ. Cu Nhỏ có tội đã ăn trộm dưa. Mẹ dặn: Đói cho sạch, rách cho thơm, thà chết đói chứ nhất quyết không được ăn trộm.
- Mi nghe rõ chưa Nhỏ? Chừ tau đập cho mi nhớ!
Câu nói chưa dứt thì ngọn roi đã quất lên người tôi. Lần này mẹ không nói tôi úp mặt xuống giường, cũng không phải chỉ đánh vào mông. Ngay cái quất đầu tiên, tôi đã cảm nhận được lằn roi từ vai xuống lưng, vắt qua mông. Tôi đau quá, nhảy dựng lên, một tay xoa vào vết đau ở mông, tay kia theo phản xạ, giữ lấy tay cầm roi của mẹ. Tôi hét lên: "Mẹ ơi, em xin chừa!". Nhưng mẹ như không để ý đến nỗi khiếp hãi của tôi. Thêm một roi, rồi một roi nữa quất lên người tôi. Vừa đánh, mẹ vừa nói: "Ăn trộm này, tau mần chi mà đẻ con hư đốn ra ri". Tội nghiệp thân tôi, chẳng có mảnh vải nào trên người nên ngọn roi như cắn vào da thịt. Tôi cảm thấy không thể chịu đựng thêm được nữa, liền vùng khỏi tay mẹ, lao ra cổng. Mẹ thét: "Cu Lớn, mi ra lôi hắn vô đây!". Anh tôi tuy sinh đôi, nhưng khoẻ hơn tôi nhiều, tôi chỉ đứng đến tai anh. Bởi thế, chỉ vài bước nhảy tắt qua luống rau là anh tóm ngay được tôi, lôi vào nhà. Tôi sợ hãi khoanh tay trước mặt mẹ: "Mẹ ơi, em biết tội rồi mà. Mẹ tha em, đừng đập em nữa, em đau lắm!".
Hai chân mẹ bỗng quỵ xuống, mẹ ôm lấy tôi oà khóc: "Con ơi, mẹ có muốn đập con mô. Mẹ thương con lắm. Con nỏ có chi ăn, mẹ cũng đứt từng khúc ruột, nhưng mẹ phải dạy cho con để con nhớ". Mẹ vừa xoa vào những lằn roi trên người tôi, vừa khóc. Lúc ấy, tôi thương mẹ quá. Tôi cũng ôm lấy mẹ mà khóc. Nước mắt tôi ướt đầm miếng vá trên vai áo mẹ. Còn nước mắt của mẹ - Trời ơi, dòng nước mắt ấy rơi lên vai, chảy xuống tấm lưng trần bé nhỏ của tôi, thấm vào những vết lằn roi, làm cho tôi cảm thấy vô cùng xót xa ân hận. Đó là lần đầu đứa bé trẻ thơ như tôi hiểu thế nào là ân hận. Cái cảm giác ấy cứ theo tôi đến tận bây giờ./.
Hồ Sĩ Bàng st
bai viet cam dong qua . Cu nho va ba me trong truyen khoc , minh doc cung khoc theo .
Trả lờiXóaMột người Mẹ tuyệt vời!
Trả lờiXóatruyện này rất cảm động,thật đúng là "Thương cho roi cho vọt"
Trả lờiXóaTôi thấy cuộc sống ngày xưa rất nghèo đói,nhưng người mẹ trong truyện đã biết dạy các con mình một đạo lý rất quý giá:"Đói cho sạch, rách cho thơm" và chấp nhận là "thương cho roi cho vọt" như ông cha, tổ tiên của chúng ta đã nói
Trả lờiXóaHọ HỒ SĨ nhiều người viết văn thơ hay quá .
Trả lờiXóa