Một bài đăng của bạn Vũ Thái Hà trên facebook của khóa K22 Nguyễn Trãi. Xin chuyển đến các bạn.
Vũ Thái Hà
Blog học sinh cấp III Nguyễn Trãi Hà nội ra trường năm 1972
Một bài đăng của bạn Vũ Thái Hà trên facebook của khóa K22 Nguyễn Trãi. Xin chuyển đến các bạn.
Vũ Thái Hà
EM CÒN NỢ ANH
Đã mấy chục năm rồi
Nợ anh lời xin lỗi
Anh lên đường rất vội
Cho kịp bước quân hành
Em dõi mắt theo anh
Lau thật nhanh dòng lệ
Em trẻ con đến thế
Luôn e ấp thẹn thùng
Đâu dám tỏ thật lòng
Dù tim mình vương vấn
Xa rồi, em ân hận
Nhưng đã muộn mất rồi
Anh mãi mãi xa tôi
Gửi thân vào đất Mẹ
Hãy yên lòng anh nhé
Tổ quốc mãi vinh danh
Tình yêu dành cho anh
Trong tim em mãi mãi
BKD 10C- 04/07/2022
Thế là sắp đến ngày khóa Cấp 3 Nguyễn Trãi 1970-1972 chúng mình kỷ niệm 50 năm ra trường. Ngôi trường khang trang được xây dựng từ nguồn ngân sách quĩ xổ số kiến thiết Thủ đô.
Còn nhớ những ngày đầu lớp 9, tháng 9 năm 1970, bạn bè từ muôn phương đổ về đây, về trường Nguyễn Trãi này, nhập học. Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ mới kết thúc. Biết bao học sinh đi sơ tán ở nhiều trường, cả các vùng xa xôi đất nước. Chúng mình vừa kết thúc lớp 8 từ nhiều trường về. Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, ngại ngùng. Phải bước đầu làm quen. Trường tiến hành chia tách lớp, tập quân sự...
Và rồi các lớp cũng dần ổn định. Rất nhiều bạn từ các trường Việt Ba, Nguyễn Gia Thiều, Xuân Đỉnh, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé , Yên Hòa, Nguyễn Huệ… hòa chung với các bạn trước học ở Nguyễn Trãi, cùng có những kỷ niệm học sinh đáng nhớ.
Những trò nghịch dại như trèo ống nước, bát tiết, đốt hạt sưa đỏ (hạt thối), phi máy bay giấy từ tầng trên xuống tràn ngập sân trường.
Hè năm 1971 chúng mình đã đến làng Cổ Nhuế gặt lúa giúp dân, đùa đến gãy giường và đạp tung cả vách đất nhà bà chủ.
Và không thể quên các thầy cô với tình yêu thương học trò, sự kiên trì của những người làm nghề sư phạm đã đưa nhiều học sinh vào nền nếp. Ngày 20/11 đến thăm thầy cô, không mang quà tặng, và nếu có thì đó là những quà tặng giản dị mà ý nghĩa.
Năm 1972, cuộc chiến đấu chống Mỹ đi vào những ngày cam go ác liệt. Nhiều đợt, khóa cùng nhau tiễn các bạn lên đường nhập ngũ. Chiến trường Quảng trị sắp xảy ra những trận đánh dữ dội . Những đợt lớp kéo nhau lên tận nơi tập trung tân binh Đại Mỗ hay đến thăm nhà các bạn chuẩn bị đi chiến trường. Những vật kỷ niệm tặng các bạn tân binh gửi gắm bao nỗi niềm. Những lá thư từ chiến trường gửi về luôn chan chứa kỷ niệm, thấm đẫm tình bạn, nỗi nhớ nhung.
Ngày 16/4, bọn Mỹ ném bom trở lại Hà Nội, Hải Phòng. Các bạn lại hối hả sơ tán. Thi tốt nghiệp cũng như thi đại học, cả khóa đều không thi ở Hà Nội nữa. Nhớ đợt thi tốt nghiệp lớp 10 ở Hoài Đức. Đi thi khi trời tang tảng sáng. Đèn dầu mang theo, có bạn còn bị dầu đổ lên bài thi. Nhưng những ngày vất vả ấy sao chẳng thấy khó khăn cực khổ.
Mỗi khi nhớ về trường, chúng mình đều nhớ đến những dãy nhà sắp xếp theo hình chữ U. Sân trường, so với nhiều trường khác của Hà Nội, nhỏ thôi nhưng đầy tiếng cười đùa những giờ ra chơi, những thứ hai đầu tuần nghiêm chỉnh chào cờ và nghe những tin tức mới, ngóng tin tức của các bạn từ chiến trường xa. Rất tiếc, ngày ấy, trường Nguyễn Trãi của mình chưa có bài ca truyền thống. Mình nhiều khi vẫn thèm có được một bài hát của trường như học sinh Chu Văn An :
” Đi dưới hàng cây lộng gió Hồ Tây,
mái tóc tung bay lòng em trong mát lành,
từ bốn phương về đây cùng chung sức dựng xây,
hiến tất cả cho trường Chu văn An mến yêu của ta.
Bạn ơi, ta cất tiếng ca yêu đời
yêu mái trường ta yêu cuộc sống mới…”
Rồi nhớ những thầy cô, những người dày công ươm trái ngọt cho những người học sinh hôm nay. Những trò tinh nghịch làm thầy cô rầu lòng, những kết quả học tập và rèn luyện trồi sụt và cả những tâm tư của tuổi thơ chạm những bến bờ tuổi mới lớn.
Và rồi đọng lại trong mình là những kỷ niệm của tuổi học trò. Cả lớp dường như được cuốn vào những niềm vui chung khi chơi đùa, giận dỗi, kết quả những bài kiểm tra, những đam mê thể thao và những bài hát mới. Những niềm vui, nhiều khi muốn hét thật to chia sẻ và những nỗi buồn, nhiều khi muốn chôn sâu, hay chỉ khi ngồi tâm sự cùng bạn thân mới dám mở lòng.
Và rồi chúng mình đã bước vào đời với những hành trang cuộc sống khác nhau. 50 năm quả là một thời gian dài để chiêm nghiệm. Dấu ấn khóa 1970-1972 đã in trong đầu chúng ta. Ngày in chiếc áo đồng phục của khóa, ai cũng đón nhận hồ hởi. Dĩ nhiên cũng phải giải thích nhiều cho dòng “ 1970-1972” cho những ai lần đầu tiên nhìn. Mình nhớ có lần, một cô giáo trẻ thế hệ sau trao đổi với mình như sau:
- Anh cho em hỏi là vì sao các anh lại tính khoá mình là 70-72 ạ? Các khoá khác đều là 3 năm.
Mình trả lời : Sau khi Mỹ dừng chiến tranh phá hoại, học sinh Hà Nôi sơ tán từ các tỉnh khác về học tiếp. Lúc đó bọn mình mới hết lớp 8, sẽ vào trường cấp 3 Nguyễn Trãi học tiếp lớp 9 và 10 (2 năm cuối của chương trình phổ thông 10 năm) mà. Khóa trên mình chỉ học 1 năm Nguyễn Trãi thôi.
Cô giáo nói: Hiểu rõ lịch sử thật thú vị ạ.
Đúng vậy, trong dòng chảy lịch sử, bản thân thời kỳ học trường cấp 3 Nguyễn Trãi, khóa chúng mình cũng mang một dấu ấn không thể quên.
Các hoạt động chung toàn khóa cũng dần hình thành. Năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cũng là ngày toàn khóa gặp nhau lần đầu. Nhiều bạn lâu lắm mới gặp lại các bạn đồng học cùng lớp và cùng khóa.
Và rồi các năm sau là chuỗi những hoạt động chung của khóa: Thiên Sơn Suối Ngà, 55+, các đợt du lịch Campuchia, Lào, Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai, sông nước miền tây, Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập trường Nguyễn Trãi…bạn bè vẫn luôn bên nhau.
Chợt thấy mình như đang viết những dòng lưu bút.
Lần đầu tiên, mình ấn tượng với hắn là vụ gặp mặt khóa ở Thiên Sơn Suối Ngà năm 2012.
Trong lúc mọi người đang tay bắt mặt mừng, thì chợt thấy ồn ào. Chạy lại, thấy mọi người xúm quanh, hắn đang nằm ở ghế băng cuối hội trường, mặt đỏ gay:" Huyết áp cao rồi, huyết áp rồi" "Có thuốc mang theo không?""Hình như không""Ai có thuốc huyết áp giúp cậu ấy nào".
Hắn cứ nửa nằm nửa ngồi và nói:"Ổn rồi". Một bạn nữ cùng lớp nói như quát" Nằm nghỉ tiếp đi, chưa ổn đâu"
Hắn ở lớp 10B, lớp chuyên văn ngày xưa. Giờ đây, hắn là một trong những người tham gia hoạt động chung của khóa rất sôi nổi
Hắn có khuôn mặt dễ tin cậy, pha chút sương gió. Nghe nói, trước cũng làm Vinashine. Nơi đây kể ra trước đó nhiều chuyện lắm, cũng may, hắn không "dính chấu".
Căn nhà của hắn khiêm tốn ẩn trong một ngõ trên phố Hàng Bún. Cư dân nơi đấy chủ yếu là dân lao động. Hắn xây dựng được mối giao hòa với hàng xóm, gặp nhau là vồn vã chào hỏi. Với hắn, lời chào dường như đi ra trước khi hắn bước ra cửa, thảng hoặc khi vội quá thì hắn luôn gật đầu chào người bắt gặp.
Cũng gần nơi đó, đầu đường Yên Phụ có quán cà phê Giảng. Mỗi sáng thứ năm hàng tuần hắn lại tụ bạ bạn bè. Thôi thì đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Ở tuổi này, người ta không còn bị câu nệ quá nhiều những chuyện mưu sinh hay các phép tắc nhiêu khê. Chuyện lan man từ xa xưa đến chuyện ngày qua và dự định các hoạt động tương lai.
Hắn chịu trách nhiệm là trưởng Ban liên lạc của khóa phổ thông. Vô cùng nhiều việc phải quan tâm. Bạn bè đều biết điều đó tương đương công tác Công đoàn cơ quan, thậm chí phức tạp hơn. Ở các cơ quan, nói chung đều tuổi cùng lắm 60, còn ở đây toàn người đã bước qua tuổi "lục thập nhi nhĩ thuận," nhưng ko phải ai cũng như vậy.
Nhiệt tình với công việc: trước một sự kiện , bao giờ hắn cũng vào cuộc trước như : hoạch định thời gian, các nội dung, liên hệ những người, đơn vị có trách nhiệm. Mọi người đều muốn góp một chân một tay, nhưng sao cho đầy đủ hệ thống vận hành, không phải dễ.
Hắn rất có trách nhiệm với bạn bè. Đến thăm các gia đình liệt sĩ dù ở lớp khác như những người bạn cùng lớp thuở xưa. Khóa trên và khóa dưới chỉ có 1 liệt sĩ mà khóa này có 10 liệt sĩ, một con số đáng trân trọng mà sau ngót 50 năm mới thu thập đủ . Khói bom chiến trường lan đến từng gia đình, từng trường, nơi có những học sinh vừa chớm tuổi nhập ngũ.
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập trường, hắn đã dày công cùng các bạn khác thu thập thông tin, chỉnh sửa lại các ảnh của 10 liệt sĩ của khóa. Một góc trang trọng của Phòng truyền thống trường hiện nay đã đặt di ảnh bổ sung của 10 liệt sĩ khóa này. .
Hắn thấu hiểu khó khăn nhiều bạn bè: nỗi niềm riêng tư, địa chỉ ở đâu, học lớp nào, thói quen hay sức khỏe người này, hoàn cảnh người kia để lý giải các nguyên nhân đến muộn hay vắng mặt trong các vụ sinh hoạt chung.
Hắn là một con người của hành động. Ấn tượng nhất những ngày Kỷ niệm 70 năm thành lập trường Nguyễn Trãi. Tháng 2/2020, dịch covid có phần lắng dịu nhưng vẫn tiềm tàng nguy cơ. Trường THPT Nguyễn Trãi tuyên bố rồi lại hủy lịch gặp gỡ các cựu học sinh. Các khóa đều hồi hộp chờ thời điểm. Nhưng căn cứ thực tế, sự tham mưu của bạn bè, cân nhắc các điều kiện, khóa vẫn tổ chức một buổi tập trung tại trường vào ngày 29/2, một ngày chỉ lặp lại trong 4 năm.
Thế là phải gặp gỡ Ban Giám hiệu trường THPT Nguyễn Trãi để thống nhất hành động: lịch trình thế nào, yêu cầu ra sao, triển khai một bức tranh thêu cỡ lớn non cảnh Côn Sơn, quà của khóa tặng trường...Trước ngày gặp mặt có một ông bạn U 70, dám trèo lên mái lễ đài để treo băn rôn kỷ niệm của khóa. Ấy là chưa nói , hắn lại phải lo liên hệ buổi liên hoan toàn khóa sau gặp mặt. Và mọi việc đều suôn sẻ.
Khóa đã trải qua bao đợt du lịch trên rất nhiều vùng miền trong và ngoài đất nước. Các đợt du lịch của khóa ở Campuchia, Lào, Yên Bái, Cao Bằng, Thanh Hóa, miền tây... vẫn để lại trong lòng mỗi học sinh của khóa cảm giác cả háo hức, lẫn êm dịu và lưu luyến.
Và phải thực sự chia sẻ nỗi vất vả của nhiều bạn mà hắn là chủ công : lựa chọn thời gian du lịch phù hợp, gặp gỡ trao đổi gặp các công ty du lịch. Công việc không chỉ thanh toán tiền đặt cọc và tiền du lịch, liên hệ xe, phối hợp làm việc, thông báo mọi người.
Không biết mọi người có hiểu những vất vả, dù lắt nhắt trong và sau mỗi đợt du lịch không: Sử dụng đồ nào đó không miễn phí tại phòng nghỉ, nhưng khi về có người quên trả tiền; xe máy gửi tại trường phố Nam Cao, một số bạn cứ vô tư phóng xe khi về, quên trả tiền cho bảo vệ, thế là hắn lại móc tiền túi trả. Chỉ khi mọi người an toàn trở về đến nhà sau du lịch, hắn mới cảm thấy xong trách nhiệm .
Hắn hẳn là con người hài hước. Nụ cười luôn nở trên môi, thậm chí nhiều khi quá sảng khoái, nhưng chính vậy, gây mọi người cảm giác yên tâm. Mình nhớ, sau khi liên hoan xong ở nhà một người bạn, một cô bạn đang lúng túng chưa có giải pháp về nhà, hắn nói: Lên xe tôi đèo về. Bạn gái hỏi:" Có sợ bị chặn đường đánh không?". Hắn cười hì hì, trả lời:" Tôi đang muốn bị đánh, nhưng chỉ sợ bạn bị đánh thôi"
Với mọi người, hắn là khuôn mặt đại diện cho khóa, là ngọn cờ tập trung các quyết sách. Và cũng vì vậy trăm dâu đổ đầu tằm.
Như đã nói, nhiệm vụ của hắn khó hơn công tác công đoàn. Mà mấy ông rách việc hay nói với nhau công đoàn hình như thừa, giống như cái "ti" đàn ông , hay như bánh xe thứ 5 của xe 4 bánh. Mà ở đây còn phải giải quyết, dung hòa nhiều ý kiến cá nhân. Hiểu và thông cảm với hắn mới thấy nhiệt tâm và khả năng của hắn.
BLL NGUYỄN TRÃI - K22 -THÔNG BÁO !
Dự kiến tổ chức kỷ niệm
50 NĂM TỐT NGHIỆP - NGUYỄN TRÃI -K22 cụ thể như sau:
1 - Thời gian là: 1 ngày thứ tư 14.9.2022.
2 - Địa điểm: khu sinh thái ĐỒNG MÔ - SƠN TÂY (cách HN 50km)
*** Thời gian là một ngày , ô tô đón , đưa ,không phải đi vất vả ,thời tiết tháng 9 thuận lợi -
Các bạn nữ nên mặc áo dài sẵn sàng lúc lên xe .
Các bạn nam nên mặc áo vàng đồng phục khóa ( có một số áo , các bạn nữ cũng mua áo nam thì chúng ta cứ mang , cho các bạn nam mượn khi thiếu - số lượng áo này không nhiều , mong các bạn cố gắng nhé ! )
+++Thời gian một ngày nên các bạn cứ mang vài áo dài thay đổi - các bạn nam sau phần kỷ niệm chung cũng nên mang thêm áo sơ mi thay cho thoải mái và có nhiều ảnh mới nhé !
+++Chúng ta cùng nhiệt tình và góp sức , chúng ta sẽ có nhiều ảnh đẹp và ý nghĩa , sẽ để lại kỷ niệm đáng nhớ !
Các bạn cho thêm ý kiến nhé !
Đường đi học từ nhà Hòa đến trường Cấp 3 Nguyễn Trãi khá xa. Có mấy bạn gái ở Hàng Than cùng đường đi học. Khi thì tàu điện, khi thì xe đạp, thậm chí có hôm còn đi bộ.
Mình ngạc nhiên vì khả năng giao lưu với mọi người, đặc biệt là với các bạn nữ của Hòa. Lúc ấy, mình vừa ở trường Trỗi về. Tiếp xúc với bạn gái, mình khá dè dặt, lúc nào cũng ở thế thủ. Thế mà hắn nói chuyện với bạn nữ nào cũng như quen biết từ lâu. Là cán bộ lớp, khi được thầy cô chủ nhiệm yêu cầu gặp bạn nữ nào đó , mình lại phải đến nhờ Hòa:" Bạn Nhung là ai hả ông?"," Cô bé mặc áo hoa trắng trên nền xanh đang đứng dưới gốc phi lao kia kìa, đang nói chuyện với đứa mặc áo màu da bò ấy".
Hắn biết cách ăn mặc. Trong lớp có một cậu bạn Việt kiều ở Thái Lan về thì hai đứa chịu khó ăn mặc nhất. Mình phục hắn về chuyện xã hội qua nhiều chuyện hắn kể và những câu trả lời khi bạn bè hỏi hắn. Hà Nội vừa rồi có chuyện gì? Ăn ở đâu ngon? Bạn nữ lớp 10C xinh nhất tên là gì? Ở đâu?
Thế rồi đến ngày Đăng Hòa nhập ngũ. Lớp kéo đến gặp trước khi bạn ấy chia tay. Ngày 27 tháng 4 năm 1972 là ngày hắn lên đường nhập ngũ. Còn nhớ buổi gặp gỡ chung với lớp hôm trước đó, cả lớp cố tình ép hắn và một bạn gái mà lớp thường gán ghép đến ngồi bên nhau. Hôm ấy mới thấy Đăng Hòa ngập ngừng lúng túng. Và rồi không biết sau đấy 2 bạn có thư từ giao lưu gì không biết.
Đăng Hòa ra đi từ đấy. Lớp lao vào thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh. Rồi lại lao vào cuộc sống mưu sinh. Và rồi vì xa xôi cách trở, liên lạc với nhau thuở ấy khó khăn. Chúng tôi bặt tin nhau từ đó.
Được biết, gia đình Đăng Hòa đã chuyển sang nơi ở mới. Sau nhiều năm mò tìm qua người thân mới biết địa chỉ mới của gia đình cậu. Ngày gặp anh cả trong gia đình mới biết rõ sự ra đi của Đăng Hòa.
Sau đợt luyện quân, Đăng Hòa theo đơn vị hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Cả một thế hệ mười tám đôi mươi rời ghế trường phổ thông, trường đại học xung trận. Được huấn luyện cấp tốc 2- 3 tháng, biết bắn là xuất quân.
Đăng Hòa đã mất trong đêm khi vượt sông Thạch Hãn. Đó là những ngày tổn thất nặng nề. Ban ngày hai bên bắn nhau qua hai bờ sông, địch cố chiếm những nơi đã mất. Đêm, các đơn vị của ta vượt sông để vào Thành Cổ. Pháo giặc bắn như vãi đạn xuống sông Thạch Hãn, nơi mà những người lính trẻ đang tìm cách vượt sông. Một đêm, trong máu loang trên dòng sông ấy có máu của bạn mình. Đăng Hòa đã ra đi…
Phải chăng vì vậy, mình không thể cầm lòng khi đọc những câu thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương :
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm
Đúng, không chỉ Đăng Hòa, mà còn bao người học sinh, sinh viên đã nằm lại dưới lòng sông Thạch Hãn. Nhưng hình ảnh một người bạn thân thiết mà mình đã biết, đã cùng học tập, vui chơi dưới một mái trường phổ thông đầy ắp kỷ niệm, sao vẫn để trong mình một nỗi suy tư không thể nguôi ngoai. Tiếc và thương bạn.
...
BàngHS
( Bài kỷ niệm viết cùng các bạn 9I-10H)
(Thương nhớ Đăng Hoà và các bạn liệt sỹ K22 NT đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ)
Tạm gác lại những hoài bão, ước mơ
Tạm xếp lại bút nghiên, sách vở
Tạm chia tay mối tình chớm nở
Một tiếng Yêu vẫn chưa kịp tỏ bày
Tổ quốc gọi, thanh niên sẵn sàng ngay
Mười tám, đôi mươi hiên ngang xung trận
Quyết một lòng đánh tan quân giặc
Diệt cho sạch lũ bán nước tay sai
Để Việt Nam không còn cảnh chia hai
Để có một ngày vui giải phóng
Mười bạn hăng say lên đường chiến đấu (1972)
Rất ngoan cường, anh dũng hy sinh
Tổ quốc Việt Nam mãi mãi phồn vinh
Cho bao em thơ vui tới trường đi học
Sống yên lành trong Hoà bình- Hạnh phúc
Tám mốt ngày đêm bom, khói lửa ngập trời
Thịt, xương, máu đỏ loang dài sông Thạch Hãn
Đăng Hoà ơi, bạn đã gặp lại?
Bình- Thanh- Sơn- Nho- Hạnh với Y Hoà
Và Thái- Lai- Tá Quý của khoá ta
Mãi xa rồi không trở về nhà nữa
Gần năm mươi năm Đăng Hoà yên nghỉ (15/9/1972)
Thạch Hãn linh thiêng mãi mãi vỗ về
Đất Mẹ anh hùng mãi mãi chở che
Thanh thản, An yên ngủ ngon bạn nhé
“ Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Tuổi hai mươi hoá thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm…”
BKD-10C K22 NT- 27/7/2022