Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Khi chúng ta già

Tác giả : Nguyễn thị Việt Hà



Khi chúng ta già
Em muốn được lên Sapa trồng rau.
Nuôi thêm mấy con gà đẻ trứng
Anh đọc sách, em pha trà
Trước hiên nhà em tưới mấy luống hoa
***
Khi chúng ta già
Em muốn rời thành phố
Dựng một ngôi nhà trên cao nguyên
Cách xa thế giới
Chỉ có hai đứa mình cùng bầu trời
***
Khi chúng ta già
Con cháu chúng ta đã lớn
Chúng thuộc về đám đông
Di chuyển rất nhanh về phía trước
Chân chúng mình run... chúng mình không kịp bước
Mình nương tựa vào nhau
Nuôi gà
Trồng rau
Và gói cả thế gian vào lòng bàn tay.


NDL st

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

MỘT SỐ HÌNH ẢNH STOCKHOLM

Ảnh 1

Ảnh 2

Ảnh 3

Ảnh 4

Ảnh 5

Ảnh 6

Một điểm Stockholm buổi sáng

Một điểm Stockholm buổi trưa

Một điểm Stockholm buổi chiều
Đô ĐH

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

THƯ NGỎ

Dear các bạn k1972!
Sắp tới ngày hội khoá tại TPHCM rồi, ban tổ chức có vài ý kiến thêm để các bạn có nhiều phương án cho phù hợp với điều kiện của mỗi bạn nhé
1, như đã thông báo trước đây, ngày gặp mặt liên hoan sinh nhật vào tối 11/5, chủ nhật tại 360 ĐIỆN BIÊN PHỦ, Q10, Bệnh Viện Mắt Phương Nam,
2.Tua du lịch đi Đa lạt như thông báo cũ từ 12-14/5
Sau đó , bạn nào muốn đi Mũi né thì đi tiếp theo lịch. Bạn nào bận thì có thể về sớm và tiền chỉ đóng 1.500.000đ, sẽ có 1 xe đưa về Sài gòn, hoặc các bạn có thể đặt vé máy bay từ Đà lạt về Hà nội nhé....
Còn ai đi tiếp vẫn như thông báo trước đây nhé.
Hẹn gặp nhé! Giữa Sài Gòn!
Đại diện Ban tổ chức
Phương Thu

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Câu chuyện bát mì

Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì". Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.
o O o


    Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.
   Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. Đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.
- Xin mời ngồi!

Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:

- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?

Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.

- Đương nhiên... đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.
  Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:

- Cho một bát mì.

    Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. "Ngon quá" - thằng anh nói.
- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.

       Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: "Thật là ngon! Cám ơn!" rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.
- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.

    Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.
- Có thể... cho tôi một... bát mì được không?

- Đương nhiên... đương nhiên, mời ngồi!

     Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:

- Cho một bát mì.

     Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:
- Vâng, một bát mì!

Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:

- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?

- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.

     Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: "Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!"
      Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.

- Thơm quá!

- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!
- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!

    Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.

- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!

    Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.
     Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy "Đã đặt chỗ". Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đều đã lớn rất nhiều.
- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.

    Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:

- Làm ơn nấu cho chúng tôi... hai bát mì được không?

- Được chứ, mời ngồi bên này!
    Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy "Đã đặt chỗ" đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì".

- Vâng, hai bát mì. Có ngay.

     Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.
    Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.

- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!
- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?

- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.
- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.

Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.

- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!
- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?

- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.
- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.

- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!

- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!

- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.
- Có thật thế không? Sau đó ra sao?

- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: "Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc". Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: "Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn". Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: "Cố gắng lên! Chúc hạnh phúc! Cám ơn!"
     Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.

- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.
- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?

- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: "Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được... Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con."
     Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:
- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!

   Lại một năm nữa trôi qua.

    Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy "Đã đặt chỗ" nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện.

    Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.
     "Việc này có ý nghĩa như thế nào?" Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai "cũ" trở thành "cái bàn hạnh phúc", mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.
   Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.

    Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà.
    Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.
     Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:

- Làm ơn... làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?

     Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:
- Các vị... các vị là...

    Một trong hai thanh niên tiếp lời:

- Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lực để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.
      Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:

- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!
     Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:

- Ồ phải... Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.

    Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:

- Có ngay. Ba bát mì.
o O o

    Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì đó lạnh lùng, nhẫn tâm. Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng: chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi. Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu ớt, nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người.

     Câu chuyện này xuất hiện làm xúc động không ít độc giả Nhật Bản. Có người nhận xét rằng: "Đọc xong câu chuyện này không ai không rơi nước mắt". Đây chỉ là lời nhận xét mang tính phóng đại một chút nhưng nó không phải là không thực tế. Quả thật, nhiều người đọc xong câu chuyện đã phải rơi lệ, chính sự quan tâm chân thành và lòng nhân hậu trong câu chuyện đã làm cho họ phải xúc động.
  Dũng Trần st

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Cỗ thịt chuột ở Đình Bảng

Nguyễn Khôi


Từ lâu lắm rồi, thiên hạ đồn thổi "cỗ Đình Bảng không có món thịt Chuột là không to". 
Đó là lối ngoa  truyền cho vui như đòi ăn gan Ruồi, trứng Trâu...kiểu như thi nói khoác của các tay "phó phét" làng Đông An trên Yên Phong ấy thôi. 
  Cỗ bàn đám xá ở Đình Bảng xưa nay đứng  cỡ số 1 của xứ Bắc Kỳ, hàng năm trong làng có trên 300 (ba trăm) đám cỗ bàn cưới xin, giỗ chạp, khao vọng,lễ tiết...chả thế mà có những "nhà", những "họ" (hoạt động như Công ty TNHH bây giờ) chuyên giết lợn làm giò chả, "nem Báng" (tên nôm của Đình Bảng) là đặc sản tiến Vua; có nhiều nhà chuyên làm bánh Gio, bánh Xu Xuê (phu thê),có các vị đầu bếp chuyên đi 
"làm giúp"  cỗ bàn trong họ, trong làng. Mà làng Đình Bảng (kẻ Báng) đã tồn tại mấy nghìn năm nay, lối hôn nhân "ta về ta tắm ao ta" khép kín thì cả làng ai mà chả có họ với nhau . 
  Thịt Chuột ở Đình Bảng là một thứ ăn chơi (cải thiện) lúc nông nhàn. Nhà nào cũng nuôi 1 đến 2 con chó săn có tài đánh hơi bắt chuột, được tuyển chọn "có nghề" đúng nòi "chó săn chuột" truyền thống. Chó săn được huấn luyện từ lúc còn nhỏ, thường thì bắt chuột nhắt, chuột con cho "ngửi" bắt hơi, cho tập vồ,tập cắn, tập tha...(không được ăn, không được cắn chết), rồi thả chuột vào hang bắt Cún con đi "tìm", thả chuột xuống ao cho Cún bơi, ngoạm đưa vào bờ cho chủ. Tập đánh hơi vào các hang 
 xem hang nào có chuột thì phải nhẹ nhàng "vẫy đuôi" (báo hiệu)để chuột khỏi tháy động vọt ra mất...luyện chó săn công phu, tỉ mỉ như "tướng quân luyện chiến mã" để khi vào cuộc săn phải đạt tiêu chí "con chó này hay chuột", đã đi săn là đầy "Vịt" trở về ( "Vịt" -một loại Giỏ đựng đan hình con Vịt to chứa được nhiều chuột). 
  Dụng cụ đồ nghề đi săn chuột gồm  : một  cái Vịt, vài cái "dọng" (ống tre chẻ một đầu có hom nơm)để đơm vào cửa hang, một cái "dầm" (thuổng) để đào hang bắt chuột, một cái gầu con để múc nước (đổ vào hang chuột ở vị trí tháp), một con dao rựa để chặt phát quang các bụi cây có chuột khu trú, một móc sắt cán dài, một "con cúi" (nùm rơm) đượm lửa để hun chuột... 
  Tháng ba, ngày tám, rỗi rãi, mấy anh em con chú con bác hay hàng xóm láng giềng, hai ba nhà rủ nhau đi săn chuột với quy mô lớn. Đi săn chủ yếu là săn chuột đồng, thường cư trú ở các bờ đầm Sen, bờ ao, bờ ruông cao (Chuột đồng ăn chủ yếu lúa , ngô. khoai, cua ốc. tôm tép) nên rất béo, thịt trắng thơm. Hang chuột đồng cao ráo sạch sẽ, con to cỡ chuôi dao, chuôi liềm, lông mượt óng xám khá đẹp (chả thế mà không ít Tiểu thư con nhà giầu rất ưa áo khoác màu lông chuột?)
   Đi săn được một "vịt" đầy chuột đã là một việc không dễ, nhưng việc làm thịt cả cái "vịt" chuột ấy thì quả là một nghệ thuật ẩm thực cao siêu, không phải ai cũng làm được và ai cũng "ngại" làm ! 
   NK tôi từ nhỏ đã đi săn chuột với Thầy tôi, ông ngoại và các bác nên vào "nghề" cũng khá thuần thục...Thao tác thịt chuột khó " nhất là làm lông" ...nước đun đạt độ lăm tăm "nóng già" (chưa sôi hẳn) , việc trước tiên là cởi hé hom "Vịt" tóm lấy đuôi Chuột quay quay mấy vòng (để khỏi bị cắn) rồi vung tay đập "bộp" một cái vừa đủ để chuột chết nhanh một cách nguyên vẹn, rồi nhúng nhanh vào nồi nước nóng già, nhắc ra thật nhanh, còn nóng hổi nhưng không đủ độ bỏng tay, tay trái giữ chuột ,tay phải dùng ngón cái miết mạnh vừa phải từ gáy đến khấu đuôi để lông chuột bong ra, lộ một vệt da trắng tinh...cứ thế miết, vặt...loáng một cái là xong một con, rồi hết cả "vịt"...Rửa sạch, chặt bỏ đầu đuôi chân cẳng, chỉ lấy thân mình chuột. Mổ bụng bỏ sạch lòng ruột, chỉ lấy gan tim, hai hòn dái, rồi dốc ngược treo cho ráo nước(không rửa lại để khỏi tanh nhão). 
  Có hai cách chế biến thịt chuột : 
* Những con to thì đem luộc, ép lá Chanh, rồi chặt ra miếng to như miếng thịt gà, ăn dai ngon ngọt chẳng kém gì thịt gà là thế (nên còn được tôn vinh là "gà đồng" )?. 
  Cầu kỳ  để đạt độ ngon tuyệt đỉnh là :đem chuột làm sạch hấp (đồ) chín, cuộn với lá Chanh, ép như ép giò thủ chừng dăn ba giờ. Lúc ăn, đem chặt chuột thành từng miếng mỏng (còn dính lá Chanh bọc ngoài da) chấm muối tiêu hoặc nước mắm Vạn Vân (nay là Cát Hải) có thêm ớt, tỏi... 
* Còn tất cả chuột nhỏ được  chặt miếng nhỏ vừa tầm một "gắp" , một miếng đem rang mỡ lợn cùng hành răm, nước mắm...ăn nóng sốt khá hấp dẫn mà mùa rét để qua đêm thành "thịt đông" cũng rất ngon như thịt gà kho đông vậy. Trong món thịt chuột rang (phi) hành răm này thì với riêng tôi (NK thuở nhỏ ở quê) khoái khẩu nhất là các miếng gan chuột, nó cưng cứng , bùi bùi. đậm đậm nhai đến tê cả lưỡi, sướng cả mồm... 
  Thịt chuột, săn được ít, quý hiếm như vậy lấy đâu (số lượng) để bày cỗ ? mấy anh em đi săn về nhiều khi còn phải mua thêm một con chó,hoặc vài con vịt , 1 cỗ lòng lợn -tiết canh  mới đủ một bữa "nhậu" nữa là...nếu nói là "cỗ" thì chỉ có khách quý mới được mời xơi thưởng thức món thịt chuột Đình Bảng là như vậy chăng ?
  Chuyện thật như đùa : ấy là vào những năm sau 1930, một bữa Quan Tây , Quan ta về Đình Bảng, được Lý trưởng (như Chủ tich xã bây giờ ) thết một bữa cỗ thịt chuột. Ăn xong, Quan Tây phát biểu cảm tưởng " món thị Thỏ hôm nay, thầy Lý nấu rất ngon..." Lý trưởng thưa : "dạ,không phải...đó là món thịt chuột đấy ạ !" 
 Tất cả Quan Tây, Quan ta đều trợn mắt kinh ngạc ? Thầy Lý phân trần "đó là thịt Chuột đồng, dân Đình Bảng săn được để ăn chơi và thết khách quý." tất cả đều "ồ..." khoái chí và hẹn thầy Lý lần sau về Đình Bảng nhớ lại cho được ăn "cỗ thịt chuột" như hôm nay đáy nhé ? 

  Cỗ thịt chuột ở Đình Bảng đã đạt tiêu chí nghệ thuật ẩm thực xứ Kinh Bắc ngàn năm văn hiến , tiếng lành đồn xa là thế.  

ĐĐH st

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Hãy hôn nhau đi

Tác giả : Nhà thơ Gió Phương Nam 


Nụ hôn nào đã nhận
nụ hôn nào đang chờ
nụ hôn nào có thật
nụ hôn nào trong mơ

Hôn không là nghệ sĩ
mà vô vị vô hồn
vì tình yêu đích thực
bất ngờ... trao nụ hôn

Môi em mãi là hoa
Anh - con ong hút mật
nụ hôn dài hoá đá
trong khoảng trời riêng ta

Mắt nhìn nhau thật sâu
dù buồn vui cay đắng
có nụ cười nước mắt
cho hạnh phúc ngọt ngào

Nồng nàn và thật khẽ
hay bật máu hờn ghen
lắng nghe tim mình đập
ta mãi gần nhau hơn


Ngày tình nhân đã đến
nụ hôn gần hôn xa
mùa xuân ơi còn lại
của tình yêu thật thà.

( Nguồn Sông thơ )
 VTN st 

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Triệu Đoá Hoa Hồng cho Ngày Lễ Tình Nhân.


Happy Valentine  Day  14/2 for K1972 Nguyen Trai.

Nếu các bạn không xem được, các bạn vào đường dẫn sau:

http://www.youtube.com/watch?v=BjUUFAUyhR4&feature=em-upload_owner

Blogger K1972.

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

7 ngôi làng đẹp như tranh vẽ ở châu Âu



(Dân trí) - Những ngôi làng trên khắp châu Âu mang vẻ đẹp quyến rũ như trong những câu chuyện cổ tích đã trở thành cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ du khách tìm đến khám phá.

1. Ngôi làng Tellaro, Italy
7 ngôi làng đẹp như tranh vẽ ở châu Âu
Những con đường ngoằn nghèo lên đến đỉnh núi và một bến cảng nhỏ bé đã góp phần bảo vệ Tellaro khỏi làn sóng du lịch đại trà từng nuốt chửng các thị trấn ven biển khác của Liguria như Vernazza và Portofino. Ngôi làng hút hồn du khách bởi khung cảnh vô cùng thanh bình với những dãy nhà màu pastel dịu dàng nằm trên các vách đá cheo leo.
2. Ngôi làng Bibury, Anh
7 ngôi làng đẹp như tranh vẽ ở châu Âu
Khu vực đồi Cotswold được mệnh danh là Vùng đất sở hữu vẻ đẹp tự nhiên nổi bật ở phía Tây Nam nước Anh và một trong những ngôi làng đáng yêu nhất vùng này là Bibury, nơi đồng cỏ xanh tươi giáp khu nhà cổ bằng đá với mái dốc dựng đứng. Sông Coln là dòng sông nhỏ êm đềm chảy qua làng, góp phần tạo nên khung cảnh nên thơ như tranh vẽ cho ngôi làng. Du khách đến đây sẽ bị hấp dẫn bởi phong cảnh êm đềm, thơ mộng cùng những kiến trúc đá lâu đời và đẹp mắt. Tuy nhiên điểm hấp dẫn nhất của ngôi làng này làArlington Row, biệt thự cổ kính được xây dựng vào thế kỷ 17. Bibury từng được kiến trúc sư nổi tiếng William Morris miêu tả là “Ngôi làng đẹp nhất nước Anh”.
3. Ngôi làng Hallstatt, Áo
7 ngôi làng đẹp như tranh vẽ ở châu Âu
Hallstatt là thành phố nằm ở phía bắc nước Áo, tọa lạc bên hồ nước đẹp nhất thế giới và được bao bọc bởi dãy núi Alps mờ sương. Cảnh quan tuyệt đẹp làm say đắm lòng người, chính vì thế mà người ta ví thành phố Hallstatt như “Viên ngọc của nước Áo”.
Ngôi làng nhỏ nhắn này hút khách bằng phong cảnh thơ mộng, những ngôi nhà gỗ nằm tựa lưng vào sườn đồi, những tháp nhà thờ và các quán trọ cổ soi bóng xuống lòng hồ Hallstatter See trong xanh. Đến Hallstatt, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thơ mộng của ngôi làng cổ mà còn có thể thăm vựa muối đầu tiên của thế giới, chiêm ngưỡng ngôi nhà xương Beinhaus, trượt tuyết và thăm động Dachstein…Hallstatt đã được công nhận là một trong các di sản thế giới của UNESCO.
4. Ngôi làng Folegandros, Hy Lạp
Folegandros
Folegandros là một ví dụ điển hình của những thiên đường nghỉ dưỡng của Hy Lạp với làn nước trong vắt, những ngôi nhà sơn trắng được trang trí những bông hoa đầy màu sắc, những con đường quanh co nhỏ, những nhà thờ truyền thống ở Hy Lạp với mái vòm mang màu xanh tươi sáng, và cả những bãi biển êm đềm, sóng nước xanh ngọc bích lấp lánh trong ánh nắng ấm áp. Ngôi làng sẽ đem đến cho du khách cảm giác thật yên bình và ấm áp.
5. Làng Colmar, Pháp
Folegandros
Làng Colmar của Pháp thực sự là một xứ sở diệu kỳ dễ dàng làm say đắm lòng người với những ngôi nhà nhỏ nhắn được trang trí bằng những khóm hoa nho nhỏ soi bóng bên dòng sông. Ngôi làng cổ này được bảo tồn khá tốt cho đến ngày nay và lối kiến trúc chịu ảnh hưởng của Pháp và Đức. Ngôi làng này sở hữu rất nhiều ngôi nhà gỗ xinh đẹp và được du khách ví như là “Venice thu nhỏ”. Du khách tới đây nên tham quan thị trấn bằng thuyền mới có thể cảm nhận hết vẻ đẹp và phong cách riêng biệt của làng Colmar.
6. Làng chài Reine, Na Uy
Folegandros
Nằm ở phía Bắc của Vòng Bắc cực, Rein là một làng chài xinh xắn thuộc quần đảo Lofoten, một khu vực của vùng Bắc Âu xinh đẹp. Du khách đến đây sẽ bị thu hút bởi cảnh đẹp thiên nhiên bình dị và trong lành thuần khiết đến vô cùng.
Hiện nay, để phục vụ du lịch, nhiều cabin sơn màu đỏ tươi sáng của ngư dân (còn gọi là rorbuer) nơi đây đã được chuyển đổi thành những khu nhà xinh xắn dành cho những du khách nghỉ chân. Mặc dù nằm ở vùng đất xa xôi, song hàng năm có tới hàng nghìn du khách tới thăm ngôi làng này. Tờ báo lớn nhất của Na Uy có tên là Allers từng bình chọn Reine là ngôi làng đẹp nhất Na Uy vào những năm cuối 1970.
7. Telč, Cộng hòa Séc
Telč là
Telč là thành phố đẹp như tranh vẽ ở phía nam Moravia, gần Jihlava, tại Cộng hòa Séc. Được xây dựng từ năm 1315, thành phố Telč có 1 lâu đài và 1 quảng trường dài ở trung tâm, nơi có các nhà xây theo kiểu kiến trúc Phục Hưng đến giờ vẫn được bảo quản tốt. Tất cả các nhà của khu trung tâm thành phố này đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới từ năm 1992.
Đến du ngoạn tại thành phố Telč, ngoài khu quảng trường ở trung tâm thành phố và tòa lâu đài cùng các nhà thờ, du khách cũng có thể tới thăm bảo tàng mang tên họa sĩ Jan Zrzavý và nhà bảo tàng chi nhánh của Viện bảo tàng quốc gia ở Praha.
 
Song An
Theo Travelandleisure

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Trào lộng làng Quỳnh

Nhân năm mới, xin trân trọng giới thiệu với mọi người một nét văn hóa làng quê tôi
BàngHS



Làng Quỳnh, ngôi làng nhỏ chưa đầy 1km2 thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nổi tiếng giỏi thơ ca.
Từ những trí thức thành danh cho đến những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, hầu như ai cũng có thể làm ra những vần thơ dí dỏm. Đó là một ngôi làng khá đặc biệt: Làng làm thơ trào phúng.

Những “vua thơ con cóc”
Trào lộng làng Quỳnh
Lối về Làng Quỳnh.


   Làng Quỳnh bé nhỏ hồn hậu nằm ở địa đầu xứ Nghệ. Bao đời nay, con người làng Quỳnh vẫn sống bằng nghề dệt lụa và làm nông. Nhưng từ những khung cửi, từ những mảnh ruộng, sau những luỹ tre làng lại sản sinh ra những vần thơ vô cùng dí dỏm vui vẻ mang đậm chất trào phúng.
Ông Hồ Đức Vấn, một cao niên ở thôn 4, tuy không nhận mình là nhà thơ nhưng ông có hàng trăm bài thơ đủ thể loại. Ông Vấn có tài làm thơ lục bát dài hàng trăm câu, kể chuyện về phong cảnh, lịch sử của ngôi làng mình. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông Vấn "cười" về cái tuổi già của mình: "Thầy dặn năm nay giữa tháng ba/ Khéo rồi đón chạc tiễn đưa ma/ Lên tủ ngồi vui với hương chuối/ Còn gì nữa cũng đã già!... Răng thời cái rụng, cái lung lay/ Lộn xộn y như khổ dạ dày/ Hầu hết nhờ ơn cây lưỡi gặm/ Cứng khô ăn uống quá đi đày".

Trào lộng làng Quỳnh
"Nhà thơ con cóc" Hồ Đức Vấn.

Thấy người dân trong làng quá ham rượu chè, ông Vấn đã làm bài thơ "Rượu" đầy tâm huyết: "Uống cho đổ quán xiêu đình/ Cho bụng cổ trướng, cho mình lên mây/... Nghĩa trang còn đợi nấm mồ/ Ba bốn chục tuổi bỏ bồ mà đi/ Cho đi thời cũng nằm lì/ Ma men mai phục đợi kỳ phát sinh/ Đợi ngày là cắc tùng rinh/ Kệ cha, mặc mẹ, khổ tình vợ con". Hiện nay, ông Vấn đang chuẩn bị in cuốn sách hơn 160 trang, trong đó chủ yếu là thơ có nhan đề "Quê hương tôi và tôi". 
     Nói về thơ trào phúng, thơ nghịch làng Quỳnh, ít ai trong làng nhớ được nhiều bài thơ như ông Hồ Đình Hợi. Là một người yêu thơ, từ thuở mới lớn, vì nhà nghèo không có điều kiện mua sách nên ông Hợi mượn các tập thơ hay của các cụ trong làng rồi tự tay chép lại, trong đó có cả Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm. 
     Ông Hợi kể, xưa có ông Dương Tri Tản vốn học giỏi nhưng không thích thi cử, có biệt tài xuất khẩu thành thơ. Có lần, bạn đến chơi nhà đố ông vịnh cái điếu bát, ngay lập tức ông Tản đọc thơ: "Eo lưng, thắt giải thật là xinh/ Điếu ai hơn nữa điếu cô mình/ Thoắt châm, thoắt bén duyên hương lửa/ Càng nói càng say nỗi tính tình". 
       Còn riêng nói về tài làm thơ nghịch, theo ông Hợi, không ai qua tài ông Nguyễn Bá Du ở thôn 3. Ông Hợi kể: "Thời còn Hợp tác xã, địa phương phát động phong trào lên miền núi xây dựng kinh tế mới, biết được nhiều cảnh cơ cực lâm vào bước đường cùng, ông Du làm mấy câu thơ: "Nông trang, nông trại/ đứa mô ngu dại/ thì đi nông trang/ xa xóm, xa làng/ xa quê hương mãi...". Thơ đến tai chính quyền địa phương. Ông Du bị triệu tập lên làm tường trình, vì dám làm thơ châm chọc chủ trương của chính quyền xã. Lúc đó ông Du mới cãi: "Chắc ai đó bịa ra chứ tôi đâu dám làm thơ nghịch như thế. 
      Nguyên văn bài của tôi là: "Nông trang, nông trại/ Thắm tình An- Ngãi (tỉnh Nghệ An kết nghĩa với tỉnh An Ngãi (cũ)/ thì đi nông trang/ có xóm có làng/ có quê hương mới/ cán bộ lui tới/ Chính phủ đỡ đầu/ cấp ruộng, cấp trâu/ làm nhà, làm cửa/ vài ba năm nữa/ có điện, có đài/ có con sông dài/ có vòi nước máy/ không ăn ruốc cáy/ như ở quê nhà/ tha hồ tăng gia/ dê cừu bò lợn…). Đọc xong, không những không bị phạt ông Du còn được tuyên dương". (xin xem nguyên bản 2 bài thơ trên ở cuối bài)
     Cuối những năm 80, đầu năm 90 của thế kỷ trước, địa phương lại có chủ trương vào Đắk Lắk xây dựng vùng kinh tế mới, ông Du bí mật "ra" thơ:"Đắk Lắk, Đắk Lây/ Bay cứ vào đây/ có cà phê đặc/ có điện nguy nga/ mỗi đứa mỗi tòa/ giống như... lều vịt". Lần này, chính quyền xã gọi ông ra trụ sở quyết làm cho ra nhẽ. Ông thở dài thườn thượt: "Bọn trẻ con lại mạo thơ rồi, oan cho tôi quá. Tôi viết: "Mỗi đứa mỗi nhà/ như nhà Bảo Đại/ đứa mô ngu dại/ không đi Đắk Lây" chứ đâu phải ở lều con vịt mà không đi vào Đắk Lây, Đắk Lắk". 
     Lần khác thấy mấy ông cụ đang hì hục đào hố trồng cây, ông Du chọc vui:"Các cụ trồng cây ở vệ đường/ Cụ nào cụ nấy ngực giơ xương". Nghe 2 câu thơ nghịch này, UBND xã cử cán bộ văn hóa đến hỏi ngay, nhưng ông Du liền thanh minh bằng 2 câu thơ thuận: "Mấy cụ trồng cây ở vệ đường/ cụ nào cụ nấy mặt như gương". Từ đó, biết tính ông Du nghiện làm thơ vui nên không ai bắt bẻ ông nữa. Ông Hợi cho hay, ông Du đã mất cách đây mấy năm, những bài thơ dung dị, vui vẻ đời thường cũng đang được người nhà ông tập hợp lại. Bởi lúc sinh thời, những bài thơ đó được ứng khẩu từ cuộc sống thường nhật, chứ ông không có ý định viết và lưu lại. 

  Và “thơ trào phúng”   
Ông Hồ Sĩ Bằng giới thiệu bộ sưu tầm về văn chương Làng Quỳnh đồ sộ của mình.

Ông Hồ Sĩ Bằng, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cũng là người con làng Quỳnh. Xuân này, ông bước sang tuổi 86, tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn miệt mài sưu tầm, tập hợp những tác phẩm văn chương của con dân làng Quỳnh, kể cả sách báo nói về quê hương. 
   Hôm chúng tôi đến nhà ông ở Ô Chợ Dừa (Hào Nam, Hà Nội) cũng là hôm ông đảo tung phòng sách của mình để phơi, chống ẩm, mối mọt. Riêng về thơ ca làng Quỳnh, ông Bằng có đến một thùng to những sách, giấy, bản viết tay. Ông Bằng cho biết: "Người dân quê tôi có tài làm thơ, đặc sắc là thơ trào phúng. Những vần thơ đó mộc mạc, dí dỏm chọc ngoáy nhưng thể hiện được sự bộc trực, ngay thẳng của mình".
     Bản thân ông Bằng cũng là người thường xuyên làm thơ trào phúng với hàng trăm bài được tập hợp trong tập "Tâm sự", là cuốn nhật ký bằng văn vần sinh động mà thâm thuý. Thấy cảnh "ô dù" nâng đỡ nhau trong xã hội, ông làm mấy câu: "Ô để che nắng che mưa/ Phải đâu che bọn lọc lừa hại dân/ Phải đâu che bọn nịnh thần/ Các loại thoái hoá, hỏng thân ô tàng". Có lần, ông châm chọc kẻ hay bốc phét: "Chuyên gia "bách khoa"/ Ba hoa xích tốc/ Thường hay nói dốc/ Thủ trưởng đớp ngay/ Đến khi lăn quay/ Mới hay mình ngốc/ Thế là hết bốc/ Cả tớ lẫn thầy/ Nhân dân vỗ tay/ Chê bọn điên dốt". 
     Ông Bằng tâm sự: Thơ trào phúng làng Quỳnh không chỉ chọc ngoáy mà còn thể hiện được tình cảm gia đình mặn nồng. Bài thơ "Thương vợ" của nhà thơ Dương Tự Cường hẳn người làng ai cũng thuộc: "Đêm nằm sờ vợ nghĩ mà thương/ Cái bụng đói meo lép tận giường/ Đôi má nhăn nheo nào thấy thịt/ Cặp giò ngiu ngẳng đã giơ xương/ Bởi thương con cái chưa no ấm/ Hay xót ông chồng mãi gió sương/ Hết nắn lại sờ, sờ lại nắn/ Càng sờ, càng nắn lại càng thương". 
    Ngoại trừ những bài thơ trào phúng được sáng tác trong quá trình lao động của những người nông dân chân chất, làng Quỳnh có những nhà thơ trào phúng có tiếng ở làng thơ Việt Nam như nhà thơ Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), Hồ Sĩ Giàng, Hồ Văn Khuê, Dương Huy, Dương Tự Cường... Nhà thơ trào phúng Dương Huy - nguyên Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam - là người quanh năm suốt tháng làm thơ trào phúng đăng báo. Sau ngày về hưu, mỗi ngày ông phải viết ít nhất một bài thơ châm biếm cho các tờ báo đã đặt hàng. Tài sản văn chương của ông là hơn 1.000 bài thơ trào phúng, in cuốn nào bán hết veo cuốn đó.
     Tồn tại gần 700 năm, những người con của ngôi làng cổ kính ấy vẫn tiếp nối cha anh cái nghiệp văn chương. Không thống kê hết ở làng Quỳnh từ trước tới giờ có bao nhiêu nhà thơ, chưa kể những "nhà thơ con cóc" sinh ra lớn lên sau lũy tre làng. Hồn văn chương của những lớp người đi trước đã truyền cho đời sau làm nên một làng Quỳnh độc nhất vô nhị.
Theo An Quỳnh
 Gia đình & Xã hội


=====
Nguồn: http://www.tin247.com/trao_long_lang_quynh-1-21703310.html


BÀI 1 (ngược hướng)
Nông trang nông trại
Đứa nào mà dại
Thì đi nông trang
Xa xóm xa làng
Xa quê hương mãi
Nín đi thì dại
Nói lại thêm phiền
Cổ động tuyên truyền
Nói ngon nói ngọt
Nói như mật rót
Ai cũng muốn đi
Còn hắn nằm lì
Ở nhà với vợ 
Đầu niêu đầu bị  
Lội suối trèo đèo
Dốc núi cheo leo
Chân sim bóng đá
Ăn toàn sắn luộc
Với lại ngô rang
Ỉa dọt  đầy làng 
Thuốc men không có 
Đêm nằm một xó
Ngày chạy lăng xăng
Quanh quẩn mấy thằng
Nông trang nông trại

BÀI 2 (thuận hướng)
Nông trang nông trại
Thắm tình An - Ngãi
Thì đi nông trang
Lập xóm lập làng
Lập quê hương mới
Cán bộ lui tới
Chính phủ đỡ đầu
Tậu ruộng tậu trâu
Tậu nhà tậu cửa
Thời gian chi nữa
Thì có điện đài
Có con sông dài
Có vòi nước máy
Không ăn ruốc cáy
Như ở đồng bằng
Tha hồ tăng năng
Trâu bò dê lợn
Con nào to lớn
Thì vật ra ăn
Chính phủ rộng lòng
Không bao giờ hẹp
Quê hương tươi đẹp
Quê hương cụ Hồ
Bát ngát ruộng bờ
Tha hồ cầy cấy
Ngày đi phát rẫy
Tối về nghỉ nghêu
Đêm nghe chim kêu
Suối khe róc rách
Tôi kể minh bạch
Câu truyện nông trang