Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Một bài hát Ý mà một thời thơ ấu tôi rất thích

Trở về "Su ri en to" là mong ước của những người dân ý, chúng tôi những người con đi xa của dân tộc Việt Nam cũng có mong ước cháy bỏng như vậy. Tổ quốc bao la tươi đẹp và hòa bình nhắc chúng ta nhớ đến các anh bộ đội đã hy sinh xương máu cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và Độc lập Tự do của Dân tộc!

Thái Hòa(9H+10G) sưu tầm.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Vẫn mãi tuổi hai mươi

LS Vũ Tá Quý (1972)
     Sáng ngày 27/7 trời đổ mưa tầm tã dường như ông Giời cũng nhớ thương các liệt sĩ . Tôi cùng với Nhóm bạn 10D( Liêm ,Việt, Đăng Quý ,Cường, Hạnh, Ngọc) chẳng quản gió mưa cùng nhau đến thăm gia đình người bạn cùng lớp , liệt sĩ Vũ Tá Quý .
         Một căn phòng nhỏ trong khu tập thể, số nhà 103 nằm trên con phố nhỏ Nguyễn Trường Tộ .Nơi ấy có Mẹ già tuổi ngoại 80 vẫn hướng ra cửa chờ con ...Căn phòng này cũng già nua cũ kỹ, sập xệ như tuổi già của Mẹ.Các con cũng đã chuyển ra nơi khác ở riêng, nhưng Mẹ vẫn ở lại căn phòng này vì ở đó có bao kỷ niệm về người con trai yêu dấu! Năm 1972 – khi Tổ Quốc gọi , cũng như bao bà mẹ VN, Mẹ giấu nước mắt trong tim tiễn con lên đường. Con của Mẹ tạm biệt Hà Nội, gia đình và bạn bè vào nơi trận mạc. Từ ngày ấy con không trở về …Mẹ cũng không muốn chuyển đi nơi khác sợ ” hồn “con về lạc lối …
Sau khi thắp nhang cho bạn chúng tôi ngồi quanh Mẹ, giọng nghẹn ngào Mẹ kể: -Mẹ đã tìm đến tận nơi con nằm nghĩa trang Liệt sĩ Phan Thiết…. và đó là cả câu chuyện dài xót xa về việc tìm hài cốt liệt sĩ (mà có lẽ chúng tôi sẽ kể vào một dịp khác).
        Cùng đến đây hôm nay có bạn Cường , người đồng đội năm xưa của Liệt sĩ Quý .Cường kể rằng :Quân đoàn của Cường và Quý nhận nhiệm vụ hành quân từ Huế vào Phan Thiết , Giải phóng Phan Thiết và chuẩn bị cho chiến dịch tổng tiến công Sài Gòn. Nhưng chiến sự ở Phan Thiết vô cùng ác liệt, cam go vì đây cũng là nơi tử thủ của quân Nguỵ Sài Gòn. Quý bị thương nặng và đã anh dũng hy sinh ngày 17/4/ 1975, chỉ còn 13 ngày nữa đất nước thống nhất. Lúc đó Cường ở đơn vị thông tin nên đã hành quân vào Sài Gòn trước, may mắn thoát ...
       Trước lúc lâm chung Quý tình cờ gặp được người bạn cùng lớp 10D. Một câu chuyện ly kỳ và cảm động giữa hai người bạn cùng lớp, hai người đồng đội sẽ được bạn Nguyễn Quốc Quỳ sẽ kể cho chúng ta vào một dịp thích hợp .
        Chúng tôi tạm biệt gia đình của Liệt sĩ Quý trong nghẹn ngào và nước mắt ngân ngấn vẫn còn nghe tiếng Mẹ nói vọng theo “ Bác Quý ơi các bạn của bác đến thăm đấy” Thương quá!.Mẹ vẫn gọi con theo cách của người HN xưa./.
      Chiều cùng ngày tôi và Kim Dung thay mặt các bạn lớp 10G ghé thăm bạn Đặng Quang Hiếu – thương binh loại 4/4. Căn nhà của bạn nằm trong ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám.Trông bạn không được khoẻ vì vừa trải qua trận ốm do tai biến và do vết thương giở chứng mỗi khi trời mưa nắng thất thường. Dù thế, bạn vẫn vồn vã ra cửa đón hai cô bạn cùng lớp.. Bạn nghẹn ngào xúc động vì chưa lần nào đến họp lớp do sức khoẻ, do bận bịu việc gia đình , vậy mà lớp vẫn nhớ! Hiếu lớn tuổi hơn so với bạn cùng lớp nên nhập ngũ tháng 1/ 1971, khi còn đang học lớp 9H , chiến đấu chủ yếu ở chiến trường Tây nam Bộ và xuất ngũ tháng 7/1976 .Nhìn vóc người nhỏ nhắn, gầy yếu ít ai nghĩ rằng bạn ấy đã trải qua 5 năm quân ngũ . Ấy thế mà. lúc đầu còn được biên chế vào đơn vị xe tăng .Một câu chuyện thú vị về việc nhập ngũ của Hiếu sẽ được kể vào dịp lớp tôi họp mặt các cựu chiến binh sắp tới./.

Ngọc Hà

Lời đề nghị: Ban liên lạc các lớp đã cung cấp danh sách các bạn thương binh và liệt sĩ của lớp mình. Hiện mới chỉ là bước đầu. Blog xin giới thiệu danh sách các bạn đó dưới đây. Danh sách hẳn chưa đầy đủ. Chúng tôi chân thành đề nghị các bạn tòan khóa đóng góp, bổ sung cho hoàn chỉnh. Thư gửi về theo địa chỉ : hosibang@gmail.com, ngocha10g@gmail.com

Danh sách các bạn  là liệt sĩ - thương binh

 A. Các liệt sĩ

TT
Họ và tên liệt sĩ
Lớp
Ngày và nơi hy sinh
1.
LS Đỗ thái Lai
10C

 2.
LS Cao Sĩ Thái 
10C

 3.
LS Vũ tá Quý
10D
hy sinh ngày 17/4/1975 tại Phan Thiết
 4.
LS Nguyễn Khắc Bình
10D

 5.
LS Nguyễn Công Thanh
10D

 6
LS Đoàn Châu Sơn
10D

 7.
LS Lê Hạnh
10D

 8.
LS Nguyễn Văn Nho
10E

 9.
LS Y Hoà
10G
hy sinh ngày 15/10/1972 tại Quảng trị
 10.
LS Nguyễn Đăng Hoà
10H


Các bạn thương binh

=== ==
STT
Họ và tên
Lớp
Ghi chú
1.
Nguyễn Văn Thanh
10A

2.
Đỗ Quyết Trung
10A

3 .
Nguyễn Đăng Quý
10C

4
Đỗ Đức Quỳnh
10C

5.
Nguyễn Quốc Quỳ
10C

6.
Đặng Quang Hiếu
9H-10G

7.
Đặng Thái Bảo
10H

8.
Nguyễn Trí Bình
10H
đã mất
9.
Nguyễn Quang Vinh
10H

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

NGƯỜI MẸ LIỆT SĨ

Người mẹ ấy dục lòng tiễn con đi giữ nước
Dẫu biết chiến trường vẫn đạn bom rơi
Tiếng súng đã im, Anh không về nữa
Ngày khải hoàn, ôm đồng đội con, mẹ khóc vùi

Để mẹ hằng đêm tựa cửa
Thoảng tiếng động mong manh, chờ tiếng con chào
Mỗi bữa cơm, vẫn bầy thêm bát đũa
Màu áo xanh, con đang ở nơi đâu?

Căn nhà xưa đong bao kỷ niệm
Người con xa mẹ, vẫn chưa về
Tiếng trẻ nhà bên nô đùa gợi nhắc
Chông chênh, thầm khúc mẹ hát ru….

Mãi mãi không phai hình người mẹ
Ơi đất nước trầm luân, đất nước  vinh quang !
BàngHS

Lá thư của liệt sĩ Y Hòa gửi về gia đình, ngày đầu ở chiến trường Quảng Trị.



Miền Nam Việt Nam
Ba má thương mến của con!
Hôm nay từ mảnh đất xa xôi và nóng bỏng này con lại viết thư về thăm ba má và gia đình.
Ba má ạ! Hiện con vẫn mạnh khỏe và đang chờ nhận nhiệm vụ. Chỉ còn vài ngày nữa thôi là cuộc chiến đấu sẽ bắt đầu, đứa con của ba má sẽ thực sự bước vào tôi luyện trong lò lửa chiến tranh. Sự chết chóc không còn là niềm sợ hãi đối với con. Sự mong muốn lập công luôn trỗi dậy hơn bao giờ hết. Lúc nào con cũng nghĩ làm sao trong cuộc chiến sắp tới mình sẽ giết được nhiều giặc để rồi lỡ có sao cũng khỏi ân hận. Máy bay và pháo kích đã thành cơm bữa. Ban đêm pháo sáng đủ loại đua nhau bắn lên trời, ban ngày thì máy bay rà sát ngọn cây tìm kiếm. Ngày nào mà không thấy bóng máy bay quần đảo bắn phá thì tự nhiên trở nên lạ lẫm, trái quy luật. Mặc máy bay, pháo kích, những sư đoàn chủ lực của ta vẫn rầm rập tiến vào giải phóng Huế và các tỉnh.
Riêng tụi con thì buồn cũng có mà vui thì cũng nhiều. Vui nhất là đã ở trong chiến trường mà vẫn còn tập đánh trận giả. Đêm qua, tụi con vừa tập đánh biệt kích. Còn ngày vẫn hai bữa cơm rồi lại chơi với ngủ. Nằm võng nhiều đến nỗi đau cả lưng. Tắm sông thì ngày đến hai, ba bận. Chẳng hiểu sông gì mà sớm nước ngọt, chiều nước mặn. Ăn uống kham khổ, mỗi tiểu đội ngày chỉ được một hộp thịt, còn rau thì phải tự đi kiếm lấy ăn. Riêng mì chính và ruốc lại quá nhiều nên ăn cũng đỡ.
Thằng Sơn và Hưng vẫn cùng đại đội với con. Khỏe cả. Ở nhà ba má đừng lo gì nhiều nhé! Con vẫn chưa nhận được thư nào của ba má. Đây là lá thư thứ tư con viết về nhà. Các em vẫn khỏe chứ ạ? Nhà ta có đi sơ tán hết chưa?
Con chúc ba má và cả nhà mạnh khỏe. Nhắn anh Nguyên và chị Thanh viết thư cho con nhé!
Con của ba má.
Chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Y Hòa Mlodunzu.
Hòm thư của con: 651091 JA014


Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Lá thư cuối của liệt sĩ Y Hòa gởi về gia đình.


Ngày 27/7 đã qua. Nhưng nó vẫn còn đọng lại trong mỗi người chúng ta nỗi trăn trở không yên, khi mà vẫn chưa đưa được các bạn về với gia đình! Trong bài viết của Thanh Sơn có nhắc tới lá thư cuối cùng của YHòa viết cho ba, má trước khi đi vào chiến trường. Mặc dù lá thư này đã được đăng trong báo "Tuổi trẻ chủ nhật" đăng ngày 10/8/2003 từ lâu. Tập hai "Sinh ra trong khói lửa"cũng có. Nhân dịp này, tôi nghĩ đăng lại lá thư này sẽ không thừa? Dù sao cũng còn nhiều người chưa biết tới lá thư này? Qua nét chữ nghiêng nghiêng có phần bay bướm của bạn. Chúng ta hiểu thêm tâm tư, tình cảm của những người lính ngoài chiến trường. Riêng những người lính còn được may mắn như chúng tôi thì mỗi lần đọc lá thư này đều khóc!



Bàn thờ liệt sĩ Ngọ-Y Hòa- Chấn Hưng tại Quảng trị

Ngày 18 tháng 8 năm 1972
Ba má thương nhớ của con!
Hôm nay, từ Quảng Trị con viết thư cho ba má. Sau chặng đường hành quân vượt Trừơng Sơn nóng bỏng, con vừa nghỉ chân.
Ba má ạ! Đến nay, tụi con mỗi đứa một nơi không còn được sống chung với nhau nữa. Vẫn thuộc sư đoàn nhưng thằng Sơn (con chú Chiến) về đơn vị công binh, còn con với thằng Chấn Hưng ở lại tiểu đoàn cũ vưà biên chế thành tiểu đoàn 12 ly 7 pháo phòng không của sư. Buồn quá ba má ạ! Hôm chia tay, thằng Sơn khóc quá. Hiện chưa biết nó ở đâu, Nam hay Bắc?
Còn đơn vị con chỉ là đơn vị phục vụ chiến dịch. Buồn quá vì không đuợc ở bộ binh chiến đấu mặt giáp mặt với quân thù. Con bây giờ gầy hơn trước vì vừa qua hai tháng gian nan, ác liệt. Vào đây mới thấy ở ngoài Bắc tụi con rèn luyện chẳng ăn thua gì cả. Lúc ở nhà thì sướng như tiên, vào đây thì chẳng có gì ăn, chỉ có cơm với muối thôi. Nhưng vì mệt nên ăn vẫn rất khỏe. Nấu cơm thì chật vật mất mấy tiếng đồng hồ mới chín vì máy bay quần suốt. Ngủ hầm thì ẩm thấp, lầy lội và muỗi nhiều vô kể. Sáng dậy vừa chui ra khỏi màn là muỗi đốt như điên, toàn nhằm vào đầu. Hành quân liên tục suốt ngày suốt đêm. Vác súng đạn nặng nên hai vai sưng đỏ rần cả lên. Có một điều may mắn là con vẫn chưa bị sốt rét lần nào cả. Không biết sẽ thế nào nhưng giờ thì vẫn khỏe. Vì đã xác định trước sẽ khó khăn gian khổ nên con quyết vượt qua. Nhiệm vụ chiến đấu là trên hết mà.
Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị giờ là một nên dân chúng ra vào như đi chợ. Tuy vậy, ở vùng mới giải phóng còn khá phức tạp, chính quyền cách mạng ở đây phải rất vững. Có cửa hàng bách hóa của ta cung cấp nhiều mặt hàng và bán cả bằng hai thứ tiền. Hàng hóa Mỹ thì bãi bỏ triệt để. Dân chúng đã quen với B52, khắp nơi chi chít những vệt bom B52, nhiều khu rừng đã bị chúng thiêu huỷ bằng địa.
Ba má ơi! Hiện giờ chúng con vẫn nằm chờ chiến dịch. Ở Quảng Trị việc giành giữ đất rất gay go, nhất là vùng giáp ranh ngày nào cũng có chiến sự. Bọn con chỉ bắn máy bay thôi, nếu căng lắm mới hạ tầm để đánh bộ binh địch. Vì tiểu đoàn mới nhận súng và mới thành lập, chưa chiến đấu trận nào. Con và thằng Vũ Trung vẫn ở cùng một đại đội với thằng Hưng. Khi hành quân ở Trường Sơn, bọn con gặp nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều. Họ chỉ thích đổi gạo lấy gà chứ không thích đá lửa nên đá lửa con vẫn còn. Thuốc bổ Polyvitamine của má cho con vẫn giữ một gói. Má ạ, bây giờ mới thấy B1 là cần thiết vì không tài nào tìm được một cọng rau. Kiếm được ít lá khoai, lá sắn là mừng lắm. Bây giờ thịt hộp cũng chẳng còn, chỉ có mắm tôm, muối, ít ruốc nên người đứa nào cũng phờ phạc. Mì chính thì nhiều lắm, bọn con cứ pha từng thìa mì chính với nước lã làm canh chan ăn.
Ba má ạ! Bây giờ con mới thấy nhớ nhà, nhớ ba má và anh chị em. Ở giới hạn giữa cái sống và cái chết nhiều lúc ứa cả nước mắt vì nhớ nhà. Biết đâu và vĩnh viễn con chẳng còn được thấy ba má và anh chị em con nữa. Trong chiến đấu điều đó đã trở thành bình thường, cái chết chẳng đe dọa được ai nhưng nó vẫn cứ rình rập đâu đây. Lính tiểu đoàn 56 cùng huấn luyện với tụi con vừa bị B52 rải thảm làm chết ba đứa và bị thương cũng nhiều. Tiểu đoàn con cũng bị máy bay ném bom và bắn rôc- két, may mà không ai bị sao. Con vẫn giữ một cái ảnh của gia đình nhưng thiếu chị Thanh và thằng Trung, thằng Thắng. Nhưng cũng chẳng sao cả vì con vẫn nhớ và hình dung ra chúng nó.
Ba má ơi, không hiểu ở nhà bây giờ ra sao? Ba má có được mạnh khỏe không? Anh Nguyên và chị Thanh học ra sao rồi? Chị Thanh năm nay có khỏe không, có đỗ đại học không? Con Nhung, thằng Trung, thằng Thắng năm nay chắc học ở Chi Nê? Má bảo rằng con vẫn mạnh khỏe và vẫn nhớ chúng nó nhé! Con vẫn hành quân, chưa nghỉ và chắc chẳng bao giờ nghỉ đâu. Còn Thái Hòa không hiểu bây giờ nó ở đâu? Chắc là nó thơm hơn tụi con rồi. Nhưng thôi, sau này về chắc tụi con sẽ lại thơm hơn. Chính trị viên của con nói chỉ còn đánh độ một hay hai chiến dịch nữa thôi.
Cuối thư con chúc ba má và cả nhà mạnh khỏe, chúc cả nhà gặp nhiều may mắn.
Con của ba má.
Quân giải phóng Bắc Quảng Trị – Y Hòa. 
Hòm thư của con: 651091 JA01
TB: Con đã viết về nhà bốn, năm lá thư nhưng vẫn chưa nhận được thư nào.

Đây là lá thư cuối cùng của Y Hòa gửi về cho gia đình. Hai tháng sau, ngày 16 tháng 10, Y Hòa đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi.





Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Năm 2017, TPHCM sẽ có
tuyến BRT đầu tiên

Đồ án Quy hoạch Phát triển GTVT TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020 vừa bổ sung thêm mạng lưới BRT. BRT đang được TPHCM triển khai thực hiện như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM về vấn đề này.

- Phóng viên: Thưa ông, đã có dự án đầu tư xây dựng tuyến BRT nào ở TPHCM chưa?

- Ông DƯƠNG HỒNG THANH: Có một tuyến đang được gấp rút triển khai thực hiện, đó là tuyến xuất phát từ Bến xe miền Tây, chạy dọc đường Võ Văn Kiệt, qua hầm Thủ Thiêm và kết nối với ga của tuyến metro số 1 ở khu vực Cát Lái, quận 2. Hiện dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu khả thi. TPHCM phấn đấu hoàn thành sớm dự án này để có thể đề xuất Ngân hàng Thế giới đưa vào tài khóa cho vay trong năm 2015. Nếu đạt được tiến độ nêu trên, sau hai năm xây dựng, năm 2017 tuyến BRT đầu tiên của thành phố sẽ đi vào hoạt động.



Khi đi vào hoạt động tuyến BRT đầu tiên của TPHCM sẽ chạy trên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN
- Những tuyến còn lại, bao giờ triển khai? TPHCM dự định hình thành một mạng lưới BRT, mạng lưới này sẽ như thế nào, thưa ông?
- Quy hoạch Phát triển GTVT TPHCM đặt ra nhiệm vụ phát triển hệ thống BRT nhưng đó mới là kế hoạch. Hệ thống này như thế nào, sẽ được triển khai nghiên cứu cụ thể sau. Tuy nhiên, thời gian qua, nằm trong chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của TPHCM, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ thành phố nghiên cứu 8 hướng tuyến BRT.
 Tuyến 1, dài 32,3km xuất phát từ Ngã tư Bình Phước - Xô Viết Nghệ Tĩnh/Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - Bến xe miền Tây; 
- Tuyến 2 dài 9,1km từ chợ Bến Thành - Cách Mạng Tháng 8 - ngã ba Bà Quẹo; 
- Tuyến 3 dài 14,8 km từ Bến Bạch Đằng - Hai Bà Trưng - Nguyễn Kiệm - Quang Trung - Công viên phần mềm Quang Trung;
- Tuyến 4 dài 22km từ Bùng binh Cây Gõ - Đường 3 Tháng 2 - Điện Biên Phủ/Võ Thị Sáu - Hàng Xanh - xa lộ Hà Nội;
- Tuyến 5, dài 13km từ Bến xe quận 8 - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Bạch Đằng - Hàng Xanh; 
-  Tuyến 6 dài 14,6km từ Bến Bạch Đằng - Nguyễn Tất Thành - Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ - cầu Kênh Tẻ - Nguyễn Thái Học - Công viên 23-9; 
- Tuyến số 7, dài 16,3km, bắt đầu từ chợ Bến Thành - Nam Kỳ Khởi Nghĩa/Pasteur - Nguyễn Văn Trỗi - Cộng Hòa - Trường Chinh tới Bến xe An Sương; 
- Tuyến số 8 dài 5km từ ngã ba Bà Quẹo - Âu Cơ - Lê Đại Hành - đường 3 Tháng 2 sau đó kết nối với tuyến số 4.
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, cả 8 tuyến này đều khả thi về mặt kinh tế và TPHCM nên thí điểm đầu tư trước tuyến số 7 vì đây là tuyến rất có tiềm năng. TPHCM đánh giá cao các nghiên cứu của phía Hàn Quốc và sẽ xem xét các đề nghị này trong việc phát triển mạng lưới BRT. BRT sẽ được triền khai đầu tư mạnh mẽ khi TPHCM thẩm định xong các tuyến và thu xếp được nguồn vốn đầu tư.

BRT là loại hình vận tải công cộng khối lượng trung bình. BRT có từ hai đến ba toa xe nên khả năng chuyên chở cao, gần tương đương với 70% sức chở của metro. BRT chạy trên đường dành riêng cho mình trên các tuyến đường hiện hữu của TP. Chi phí đầu tư cho BRT trung bình 1 triệu - 1,2 triệu USD/km.






- TPHCM sẽ cân đối phát triển BRT như thế nào trong sự phát triển chung của các phương tiện vận 
tải khác? Đặc biệt là phương tiện giao thông cá nhân vì phát triển BRT đồng nghĩa với việc phải dành một diện tích đường riêng đáng kể cho loại phương tiện này?

- Do diện tích đường của TPHCM còn thiếu so với nhu cầu, số đường có chiều rộng mặt đường lớn, đủ để dành riêng một làn cho BRT không nhiều nên Sở GTVT dự kiến sẽ tổ chức hệ thống BRT với nhiều làn đường hỗn hợp. Ở những khu vực đường lớn, đủ để dành riêng một làn cho BRT thì sẽ dành hẳn một làn riêng cho BRT, ở những khu vực đường nhỏ nhưng mật độ giao thông không lớn, sẽ tổ chức làn ưu tiên cho BRT. Khi BRT xuất hiện, các phương tiện giao thông khác đang đi cùng làn với BRT sẽ phải nhường đường cho BRT. Ngược lại ở những khu vực đường nhỏ, mật độ giao thông lớn, BRT sẽ lưu thông cùng các loại phương tiện giao thông khác.

- BRT đi chung làn với các phương tiện giao thông khác, liệu có khả thi, an toàn khi mà về nguyên tắc, BRT thường có nhiều toa?

- Để phù hợp với diện tích đường cũng như mật độ lưu thông ở TPHCM, dự kiến BRT ở thành phố chỉ có một đến hai toa, tùy tuyến.

- Cảm ơn ông!

AN NHIÊN 

HH st

Một góc nhìn về “Sát thủ đầu mưng mủ”


    giảm kích thước chữ
  •   HỮU ĐẠT
  • 13/7/2013


Sau một thời gian ra mắt bạn đọc, cuốn  “Sát thủ đầu mưng mủ”. là cuốn sách gây ra nhiều ý kiến trong dư luận. Khen cũng nhiều, mà chê cũng không ít. Đó đây đã đã có vài ý kiến trao đổi trên báo và Truyền hình Trung ương. Nhưng các ý kiến này vẫn chưa làm thỏa mãn bạn đọc. Vì vậy, cho đến nay chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được các ý kiến thắc mắc từ đội ngũ giáo viên các cấp phổ thông về cuốn sách trên. Nhất là các địa phương xa Hà Nội. Vì để tiện thời gian cho việc từng ý kiến cá lẻ, chúng tôi xin nêu ý kiến và quan niệm của mình trong bài báo sau đây.
Trước hêt, cuốn sách mang một tít đề rất mạnh có khả năng kích thích sự tò mò của lớp trẻ: “Sát thủ đầu mưng mủ”-Thành ngữ sành điệu.
Để có được cách nhìn khách quan, việc đầu tiên phải chú ý là cần xem xét cuốn sách này từ góc độ ngôn ngữ học. Vì đã là thành ngữ thì việc đầu tiên là phải khảo sát về cách tổ chức ngôn ngữ. Thành ngữ là cụm từ cố định, có hình ảnh, vần điệu, dễ nhớ và dễ thuộc. Vì thế nó rất dễ đi vào nhận thức của học sinh cả về thói quen mang tính chất quán tính và cả bằng nhận thức. Nhưng để đạt được yêu cầu của một thành ngữ thật sự thì nó lại đòi hỏi phải hội đủ các tiêu chuẩn cần thiết.
Về mặt cảm giác, tên cuốn sách mới nghe rất kiếm hiệp,  được giới thiệu là cuốn “thành ngữ sành điệu bằng tranh”. Đó là theo cách nói của Nhà xuất bản Mỹ thuật, còn nó có phải là thành ngữ hay không thì phải bàn. Tuy nhiên, có điều cần lưu ý là, sau khi cuốn sách này được tung ra một thời gian thì nhiều dư luận trái chiều đã xảy ra. Một số người, trong đó có các nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học phê phán hết sức gay gắt, thậm chí có người còn cho là sản phẩm độc hại làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Trong khi đó, có không ít người lại tỏ ra thích thú và đánh giá đó là cuốn sách “độc đáo” và “ rất hay”. Giáo sư Văn Như Cương, với cương vị là nhà giáo lão thành và là  nhà Quản lý Giáo dục cũng coi đó là cuốn sách thú vị, hấp dẫn, vì nó biểu hiện sự thông minh trong cách dùng tiếng Việt. Nhiều giáo viên ở các trường phổ thông lại tỏ ra lúng túng, hoang mang khi  gặp các câu hỏi của học sinh về ý nghĩa của các “thành ngữ” trong cuốn sách này cũng như sự phê phán khá quyết liệt về nó.
Về phương diện ngôn ngữ học chúng tôi quả quyết khẳng định rằng, đây chưa phải là cuốn “thành ngữ” theo đúng ý nghĩa khoa học của nó. Đây là một tập hợp các câu nói được giới trẻ thường dùng trong hoạt động giao tiếp như là biểu hiện của tính Thời thượng trong sử dụng ngôn từ. Trong đó, có nhiều câu được tạo ra theo kiểu “vần vè”  nhằm cố định hóa một cụm từ với mục đích cho “vui miệng” là chính. Ngoài ra, gần phân nửa trong tập sách là những câu mang phẩm chất thành ngữ thực sự, hoặc mang dáng dấp của thành ngữ, nhưng đó không phải là các thành ngữ hoàn toàn mới do lớp trẻ sáng tạo. Hầu hết đó là những câu thành ngữ đã có sẵn trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, nay được tái tạo theo phương thức “bình cũ rượu mới”. Nó hàm chứa một số thông tin về đạo đức, lối sống hiện đại… được diễn tả theo cách nói bóng bảy mà ta vẫn gọi là cách nói hình tượng. Đọc kỹ sẽ thấy có nhiều điều cần suy ngẫm.
Nếu nhìn nhận cuốn sách như là một hiện tượng văn hóa thì nội dung của nó phản ánh đúng một thực trạng xã hội hiện nay. Đó là sự hỗn tạp và xâm nhập lẫn nhau giữa vẻ đẹp của văn hóa, ngôn ngữ truyền thống với sự lai căng, chắp vá của văn hóa, ngôn ngữ thực dụng, đa màu sắc được hình thành dưới thời kinh tế thị trường. Ở đó, có sự xâm nhập đan xen giữa giữa tư duy khái quát mang tính bác học, với tư duy một chiều, phiến diện, mang tính hiện tượng học chủ nghĩa. Như vậy, thực chất “Sát thủ đầu mưng mủ” có những đặc điểm ngôn ngữ và nội dung xã hội được hình thành theo ba cách cơ bản.
1.Cách thứ nhất. Người nói định nghĩa sự vật, hiện tượng, tính chất… theo sự ngẫu hứng, tùy tiện. Nguyên tắc dùng cho việc cố định hóa cụm từ là phép hòa âm, nói lái và ghép vần. Trong đó, ghép vần được sử dụng nhiều hơn cả. Ví dụ Thanh kiu vi na miu; Đẹp trai nhưng hai phai; Dã man con ngan; Đau sờ cau; Chán như con gián; Bét nhè con gà què; Lạnh lùng con thạch sùng; Đuối như trái chuối; Già như quả cà; Bó tay con gà quay…Những câu kiểu này được hình thành do người nói tận dụng đặc điểm của tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập, phân tích tính, trong đó từ là đơn vị trùng với âm tiết và cấu tạo âm tiết có đặc tính là : phần vần và phụ âm đầu kết hợp với nhau một cách lỏng lẻo, dễ tháo rời. Chính vì vậy, dùng tên gọi của một sự vật, hiện tượng, tính chất nào đó có thể ghép với một cụm từ bất kỳ nếu âm tiết cuối của cụm từ này “hiệp vần” với âm tiết cuối của tên gọi đã nêu thì có thể tạo ra ngay được một cụm từ có tính cố định về hình thức, mặc dù nội dung của nó không có ý nghĩa gì cả (như các ví dụ vừa dẫn). Những lối nói này chủ yếu để “gây cười” mang tính giải trí là chính chứ không nhằm phản ánh quá trình nhận thức. Tuy nhiên, cũng có một số câu đã bắt đầu mang dáng dấp của thành ngữ nhờ nó mang một ý nghĩa nhất định hoặc có khả năng gợi ra một hình ảnh nào đó. Ví dụ: Đâu có đó, thịt chó có mắm tôm;Hồn nhiên như cô tiên; …Tất nhiên, với một số trường hợp, nếu lạm dụng quá sẽ làm mất đi sự tinh túy và vẻ đẹp trong sáng của thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt. Thậm chí, trong một vài văn cảnh, nó còn xúc phạm tới điều thiêng liêng về các nhân vật có  ý nghĩa lịch sử ( Vd:  Được voi đòi hai Bà Trưng ).
2.Cách thứ hai. Người nói cố tình sáng tạo lại các cách nói dân gian nhằm phản ánh những nhận thức mới về sự vật, hiện tượng hay quá trình. Đây là cách sáng tạo ngôn ngữ theo phương thức “bình cũ rượu mới”. Nghĩa là, người nói dùng một biểu thức ngôn ngữ đã có (như thành ngữ, tục ngữ, ca dao) nhưng thay đổi đi một hay vài từ nhằm phản ánh những hiện tượng mới xuất hiện trong cuộc sống hiện đại. Có thể coi đây là các thành ngữ, tục ngữ mới.Ví dụ:Thất bại vì ngại thành công; Đầu to óc bằng quả nho;Thuận vợ thuận chồng…con đông mệt qúa; Cái khó ló cái ngu; Khôn như con chồn…
Về nguyên tắc, cách này không phủ định các thành ngữ, tục ngữ cũ mà bổ sung, làm giàu có thêm khả năng biểu đạt của tiếng Việt. Ví dụ, từ câu thành ngữ “ Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, người nói thay chữ “không” bằng chữ “được” để tạo ra thành ngữ “ Một con ngựa đau cả tàu được ăn cỏ”. Nếu xét kỹ sẽ thấy đây là một câu thành ngữ có tính tích cực, nhằm phê phán một thực trạng xã hội đã từng được báo chí phản ánh khá nhiều. Đó là tình trạng ở nhiều Công ty cán bộ quản lý tham nhũng dẫn đến hậu quả là Giám đốc hay Tổng Giám đốc vào tù. Đó là một nỗi đau. Nhưng nhờ đó mà quyền lợi của nhiều mới không bị mất ( cả tàu được ăn thêm cỏ). Như thế, sự xuất hiện của câu thành ngữ mới này không hề làm triệt tiêu câu thành ngữ cũ có nội dung phản ánh quan niệm về tình yêu thương đồng loại, đùm bọc lẫn nhau vốn được coi là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Ý nghĩa của câu thành ngữ mới được tái tạo từ câu thành ngũ cũ là rất cập nhật, bộc lộ trí thông minh và tính hiện đại trong tư duy. Tương tự như vậy, có một số câu kiểu: “Một điều nhịn là chín điều nhục”. Về mặt ý nghĩa, nó tương phản với câu thành ngữ cũ “Một điều nhịn là chin điều lành”. Tuy nhiên, xét theo góc độ triết học thì sự xuất hiện của câu thành ngữ mới chính là sự bổ sung rất cần thiết nhằm phản ánh tính biện chứng trong tư duy. Đọc câu này, người đọc có thể liên hệ tới câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa…”. Rõ ràng, nếu nhìn nhận một cách phiến diện thì có thể cho rằng câu thành ngữ này có tính tiêu cực vì nó ngược nghĩa với câu thành ngữ cũ. Song, xem xét một cách toàn diện, chúng ta sẽ nhận thấy, trong kho tàng ca dao, thành ngữ, tục ngữ của tiếng Việt có không ít các câu nói mang nội dung trái ngược nhau lại có giá trị phản ánh tính hoàn chỉnh trong tư duy người Việt. Ví dụ: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng; mực thẳng mất lòng gỗ queo…
Cách thứ 3. Người nói tạo ra những câu hoàn toàn mới dựa trên những qui luật chung của tiếng Việt. Nó có thể tồn tại dưới hình thức của một câu ca dao, hoặc một cụm từ cố định.Ví dụ: Sáng soi, trưa đánh, chiều chờ, Cầm tờ kết quả cứ đờ mặt ra; Hận đời cắt tóc đi tu, nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn. Đây là các câu ca dao hiện đại phản ánh tâm trạng của mấy anh chơi đề hay chơi sổ số và tâm trạng của con người bị dồn đến đường tận cùng của số phận. Ý nghĩa của nó hoàn toàn có tính tích cực là nhằm phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Tuy nhiên, số câu cấu tạo theo mô hình của ca dao không nhiều, chủ yếu vẫn là các câu được cấu tạo theo hình thức của một cụm từ cố định. Ví dụ: Tiền không thiếu,chủ yếu là thái độ; Tiền thì anh không thiếu, nhiều thì anh không có; Miệt mài quay tay, vận may sẽ đến( nói về việc tham dự trò chơi”Chiếc nón kỳ diệu” trên VTV3);Phi công trẻ lái máy bay bà gìai; Nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên( Trên thực tế còn có câu: Trình độ có hạn, thủ đoạn vô biên); Xấu nhưng biết phấn đấu, Xấu xí còn gây chú ý;Chết vì tình là cái chết bất thình lình; Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối; Sống đơn giản cho đời thanh thản; Xấu nhưng kết cấu nó đẹp;Không phải chú  dốt, chỉ vì mẹ chú quên cho I ốt vào canh…Không phải băn khoăn gì, có thể khẳng định đây là những câu nói rất hay thể hiện trí thông minh, sắc sảo, sáng tạo tuyệt vời của người Việt trong việc sử dụng ngôn ngữ với tính cách là một công cụ nhằm biểu đạt mọi hoạt động của tư duy. Cần xếp những câu này vào thành ngữ tiếng Việt hiện đại vì nó chẳng những hay về mặt hình thức mà con rất có giá trị về ý nghĩa, về nội dung xã hội, kịp thời biểu dương cái tốt, tích cực phê phán cái xấu. Chẳng hạn, câuNhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên là câu được hình thành để phê phán những vụ gian lận trong các cuộc thi “người đẹp” đã từng được báo chí phanh phui. CâuYêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối là câu thành ngữ phê phán thói đạo đức giả trong xã hội hiện nay: Bên ngoài thì ngọt nhạt yêu nhau nhưng sau lưng thì đánh nhau chí mạng…
Như vậy, nếu nhìn nhận toàn diện và khách quan, “Sát thủ đầu mưng mủ” là một cuốn sách công cụ, giúp người đọc có thể nắm bắt được các hiện tượng ngôn ngữ sống động đang được giới trẻ ưa dùng hiện nay. Nó là một cuốn sách gây ấn tượng mạnh mẽ trong cảm xúc người đọc nhờ tính độc đáo trong sử dụng từ ngữ và cách minh họa dí dỏm bằng tranh . Về bản chất, nó không phải là một sản phẩm độc hại như một số người nhận định. Nếu tác giả-người sưu tầm và Nhà xuất bản biết chọn lọc, gạt bớt đi những câu “vần vè” nhưng vô nghĩa, chỉ phục vụ cho giải trí thuần túy thì phần còn lại của cuốn sách là một sản phẩm rất có giá trị đối với việc giữ gìn sự trong sáng và phát huy khả năng biểu đạt vô cùng phong phú của tiếng Việt./.

Ngọc Thủy st

Bức thư về ngày 27/7
xúc động cư dân mạng.

Cô gái 25 tuổi ở Hải Dương đã chia sẻ câu chuyện cảm động về người bố là thương binh của mình. Bức thư khiến nhiều người phải băn khoăn, day dứt, đặc biệt là thế hệ trẻ.

"Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa"

Nhân ngày Thương binh - liệt sỹ 27/7, bạn Lê Thị Hương (25 tuổi, Chí Linh - Hải Dương) đã chia sẻ câu chuyện cảm động về người bố là thương binh hạng 2/4 của mình, bác Lê Anh Tuấn (nhập ngũ lần đầu năm 1974, lần 2 năm 1978, tham gia chiến đấu và bị thương ở chiến trường Campuchia).
Bài viết còn là những suy nghĩ rất thật, rất chân thực về chiến tranh của một người trẻ tuổi, người chưa hề biết thế nào là chiến tranh. Hiện bài viết đang lan truyền rất nhanh trên cộng đồng mạng và gây xúc động cho nhiều người.
Lê Thị Hương - tác giả của bài viết đã gây xúc động mạnh trên cộng đồng 
mạng trong những ngày qua. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Bố em, 18 tuổi vào bộ đội. Năm đó là 1974, chiến tranh đã vào hồi cuối, bố là lớp tân binh nên còn huấn luyện chán chê để rồi tuyển lựa "đi B". May mắn thay, bố chưa đến đợt đi B thì chiến tranh kết thúc, 1977 bố giải ngũ trở về, cưới vợ.
Tháng 8/1978, chị cả em ra đời, sau đó chỉ một tháng, chú Tư - em trai ruột của bố em, có lệnh gọi nhập ngũ. Chú vừa nhát vừa hiền, lại vừa cưới vợ nên bố xin đi thay chú. Đất nước đang cần người đã có kinh nghiệm, đơn tình nguyện của bố được chấp thuận ngay. Mẹ em, chị và ông bà tiễn bố lên đường.
Vài tháng sau, bố đi K (chiến trường Campuchia). Chuyến tàu đưa bố đi từ ga Hải Phòng, đơn vị bố có hơn 40 người Hải Phòng, vào đến Quảng Trị còn 14 người. Họ nhảy tàu vì đi B thì sẵn sàng nhưng đi K thì khác.
Thời gian đầu còn có chút tin bố về nhà, càng về sau càng biền biệt. Mấy năm sau có giấy báo tử gửi về, bà nội khuỵu xuống trước thềm nhà. Suốt tháng trời bà mê man chỉ đòi chống gậy đi tìm con, bà bảo bố em không thể nào chết được.
Mẹ ôm chị gái em từ căn nhà riêng về ở với ông bà vì chị ốm quá, lên sởi mủ xanh mủ vàng đã có lần thiếp đi, chú mang ra góc giường đặt, mẹ khóc ngất, bỗng thấy cánh tay chị vời lên, mẹ lại ôm chị, chăm nuôi bú mớm. Những năm tháng ấy, bố vẫn biền biệt bên kia, không hay biết gì về tình cảnh bi đát của con thơ, mẹ già.
Rồi bố bị thương trong một lần đi họp giao ban buổi tối: đạp trúng mìn, bàn chân dập nát, đồng đội đưa về trạm quân y dã chiến giữa cánh đồng hoang. Sợ tiếp tế đến không kịp, bác sĩ y tá cưa chân cho bố, cưa sống, đồng đội hát quốc ca bao nhiêu vẫn không át nổi tiếng gào thét.
Rồi 2 ngày sau bố mới được chuyển về Sài Gòn bằng trực thăng, lần này nằm viện, cưa thêm một lần nữa vì vết cưa cũ bị nhiễm trùng. Điều dưỡng thêm vài năm nữa 1/3 chân phải của bố đã không còn, một mảnh đạn găm ở đùi và hai tai bị điếc nhẹ. Bố về nhà với giấy chứng thương 2/4, mất sức 65%. Nhưng còn về được đã là đại phúc cho cả nhà mình, bố kể hồi mới sang được 1 tháng, chính tay bố đã phải gói hài cốt của bạn mình để trực thăng mang về.
Ngày bố về, nét mặt dữ dằn hơn, những cơn đau mê sảng thỉnh thoảng vẫn trở lại, chị em nhất định không nhận bố vì sợ cái nạng và cái chân gỗ bố tháo ra lắp vào mỗi sáng tối. Ngay cả đến đời con trai của chị, cháu ngoại của bố, mỗi lần nhìn cái chân ấy nó đều khóc thét. Bố mất cả tháng trời chỉ để làm quen và ôm con gái mình vào lòng mà không làm nó sợ.
Đúng, em là con gái, em chỉ nhìn những thứ xung quanh mình, em nhìn thấy chiến tranh và hậu quả của nó trong suốt 18 năm sống bên bố, những lần sợ hãi đến run rẩy khi bố em mắt vằn tia máu lên nóng giận vì những điều không lớn lao gì, khi bố em những đêm rên rỉ trong vô thức vì mảnh đạn trong người, khi bố em có những lần đi xe máy hơi quẹt xe đã ngã vì không thể dùng chân giả mà chống như người ta được.
Bố em chưa một lần than vãn gì về chiến tranh, kêu ca gì về sự đãi ngộ của nước nhà cho những người thương bệnh binh như bố, bố vẫn bươn trải bán buôn ngược xuôi để nuôi con học hành.
Em nhớ mãi một lần lớp 11, em học kém bị bố đánh, đánh xong bố nói rất nhiều, nhưng có một câu em không thể nào quên được, bố bảo: "Chị em chúng mày đang đi học bằng tiền xương máu của tao đấy con ạ". Đúng, chúng em từ cấp 1 cho đến hết đại học đều được miễn học phí vì bố là thương binh.
Bao nhiêu năm em sống trên đời là bấy nhiêu năm em thấy mẹ chăm bẵm bố em từ miếng cơm, phích nước, ấm trà, là thấy mẹ chịu đựng đủ sự nóng nảy của bố do thay đổi tâm tính từ lúc trở về... Chiến tranh không đùa với ai cả, cũng không phải cứ hạ súng thì đã là kết thúc, thế nên, còn hòa bình được ngày nào, hãy cố mà gìn giữ.
LÊ THỊ HƯƠNG
Theo Infonet.vn

HH St