Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

TIN BUỒN!

Ban Liên lạc lớp 9I-10H thương tiếc báo tin:
Bác Nguyễn Thế Liễu, thân sinh bạn Nguyễn Thi Việt, đã mất sáng nay (30/9/2016) tại nhà, thọ 95 tuổi.
Ngày mai thứ bảy(1/10/2016), gia đình tổ chức phúng viếng cụ, 7h 30 ngày Chủ nhật, (2/10/2016) gia đình sẽ đưa cụ đến đài Hóa thân Hoàn vũ.
Trân trọng kính báo!
Xin thành thật chia buồn cùng gia đình bạn Việt.
---
Lớp 9I-10H sẽ đến viếng cụ vào 11h ngày thứ bảy (1/10/2016) tại nhà của cụ (17 ngõ 88 phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội)



Ban LL lớp 9I-10H

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

SAO ĐÊM LẤP LÁNH



Hồ Sỹ Hậu


            Mẹ kể: Một buổi tối, bom địch đánh tắc đường, mấy chiếc xe chở hàng được dấu dưới tán rừng, các anh bộ đội lái xe ghé vào đơn vị xin nấu cơm nhờ, chị em cùng Trung đội Thanh niên xung phong của mẹ ngủ dồn lại, nhường hầm cho các anh. Mẹ quen bố từ lần ấy. Xe của bố có hai người, bố và chú phụ lái người cùng làng tên là Hoàng. Trọng điểm giao thông mà đơn vị mẹ đảm nhiệm nằm trên cung đường của bố nên hai người thường ghé thăm. Tình yêu giữa mẹ và bố không biết nẩy nở từ lúc nào. Nhưng cứ một tuần không thấy bố ghé qua, hay những khi biết bom đánh ác liệt các trọng điểm trên cung đường, lòng mẹ lại như lửa đốt. Chú Hoàng phụ lái nhận ra tình cảm của mẹ dành cho bố thường không dấu được buồn bực. Mẹ nhận ra chú ấy cũng có cảm tình với mẹ. Một hôm, bố nói với mẹ rằng bố đang tìm một người lái phụ khác, vì Hoàng không chịu nổi ác liệt nên đã đào ngũ. Rồi bố có lệnh được điều vào Trường Sơn. Hôm chia tay, mẹ khóc nhiều lắm. Mẹ thương bố rồi đây sẽ phải đương đầu với bom đạn và vô vàn bất trắc trên tuyến lửa Trường Sơn. Đêm ấy bố mẹ đã sống với nhau như vợ chồng. Trước khi chia tay, bố viết vội lá thư gửi ông bà nội. Thư nói: “Thưa bố mẹ, đây là người con gái con yêu, cô ấy mang giọt máu của con. Nếu vì sự khốc liệt của chiến tranh mà con không thể về làm lễ cưới, thì xin cha mẹ nhận cháu nội”. Ngày bố mẹ chia tay cũng là ngày ly biệt. Mấy tháng sau, mẹ nhận tin bố đã hy sinh trên tuyến lửa Trường Sơn. Mẹ đau đớn vô cùng. Người duy nhất trong đơn vị biết mẹ đã mang thai là cô Trang,Trung đội trưởng.

         Cuộc sống, công việc của Trung đội nữ TNXP của mẹ trên những cung đường vô cùng gian nan, vất vả, chồng chất hiểm nguy. Một buổi chiều, bom Mỹ đánh trúng mấy toa tàu chở thuốc trừ sâu, Trung đội của mẹ được điều đi khắc phục hậu quả. Cô Trang Trung đội trưởng nói với mẹ: “ Hôm nay em ở nhà nấu cơm cho chị em. Thuốc trừ sâu độc lắm, em đang mang thai, ra đấy không tốt đâu”. Rồi trận bom kế tiếp đánh vào nhà ga, mọi người trong Trung đội đều kịp trú trong hang đá nên may không ai bị thương. Còn 1 quả bom rơi vào nơi trú quân thì đã thổi bay ngôi nhà bếp mẹ đang nấu cơm.  Một mảnh bom đã găm vào đầu khiến mẹ bất tỉnh, phải đưa đi cấp cứu và nằm điều trị tại Quân y viện.  Chữa khỏi vết thương, nhưng mẹ cũng không thể giấu được cái thai trong bụng. Ra viện, mẹ được xuất ngũ. Ngày chia tay, thấy mẹ gầy yếu quá, chị em trong Trung đôi dồn đường sữa cho mẹ. Cô Trang còn dúi vào ba lô mẹ mấy tấm vải xô màn còn mới. Cô nói: “ Thứ này sẽ có ích cho em khi sinh nở đấy”. Con biết không, ngày ấy điều kiện chiến tranh thiếu thốn vô cùng. Những chiếc quần lót của chị em còn phải vá chằng vá đụp, những mảnh vải xô này là quý lắm vì là thứ duy nhất giúp họ vượt qua được những ngày “tới tháng” vô cùng vất vả nơi lam sơn chướng khí. Mẹ nghẹn ngào ôm lấy cô Trang và chị em trong Trung đội. Họ là ân nhân của mẹ con mình.


            Từ đơn vị, mẹ ghé về quê nội. Ông bà nội đọc thư của bố, khóc nhiều lắm. Ông bà giữ mẹ lại chăm sóc và để đứa cháu đích tôn được sinh ra mẹ tròn con vuông. Hôm làm giấy khai sinh, ông bà mang lá thư của bố, và dắt mẹ lên xã đề nghị làm thủ tục để con được công nhận là con Liệt sỹ. Chú Hoàng phụ lái ngày xưa hóa ra lúc này lại đang làm trong Ủy ban xã. Không hiểu sao một kẻ đào ngũ như ông ta, trở về địa phương lại ngồi được vào ghế đó. Đọc xong lá thư của bố, ông ta lạnh lùng: “Một lá thư như thế này không thể là pháp lý được. May cho cô là không bị kỷ luật, bây giờ lại còn đòi hỏi nữa sao?” . Mẹ không ngờ, với người thân của đồng đội đã hy sinh, lại là người cùng làng mà sao ông ta lại có thể hẹp hòi đến vậy. Biết rõ bản chất con người ông ta, ông nội con cay đắng nói: “Không phải nó hẹp hòi vì ghen tuông do trước đây có tình cảm với con đâu, vì như thế thì nó vẫn còn tính người. Cả xã này chẳng ai lạ gì nó. Không có tiền thì không có việc gì thành được, kể cả những việc đền ơn đáp nghĩa người có công”.

         Mẹ cả đời ở vậy nuôi tôi khôn lớn. Thương mẹ và hiểu nỗi thiệt thòi của bao người đã đi qua chiến tranh. Tôi cố gắng học lên đến Đại học. Sau khi tốt nghiệp,  tôi xin về công tác tại Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh với mong muốn được chăm lo giải quyết chính sách cho người có công. Thực tế công việc không hề đơn giản để có thể làm cho thấu đáo. Chiến tranh đã qua, hồ sơ Thương binh Liệt sỹ cứ chồng chất, nhất là trong đống hồ sơ ấy, thật giả lẫn lộn. Những người làm chính sách như chúng tôi, dù nhiệt tâm, trong sáng bao nhiêu cũng khó tránh được việc bỏ lọt những hồ sơ đúng, và mắc lừa những hồ sơ giả mạo.

         Hơn ba mươi năm trôi qua, tóc mẹ tôi giờ đã bạc nhiều. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại tái phát nhức nhối. Vợ chổng tôi thay nhau xoa bóp, thuốc thang cho mẹ. Sức khỏe của mẹ tôi cứ yếu dần. Vào một ngày đông giá rét, mẹ tôi ngậm ngùi nói:

         - Con ạ. Mẹ không được công nhận vợ Liệt sỹ, nhưng mẹ là Thương binh, vẫn được hưởng phụ cấp. Mẹ lại có con, giọt máu cha con để lại. Vậy là mẹ mãn nguyện rồi. Nhưng còn cô Trang và những đồng đội của mẹ, họ thiệt thòi lắm.  Mấy chục năm qua, phải chịu đựng chất độc trong người hành hạ, sức khỏe suy kiệt dần, họ vẫn không hề được nhận chính sách chế độ gì từ Nhà nước. Con làm trong ngành, hãy cố gắng trả lại sự công bằng cho các cô ấy, để mẹ nhắm mắt được yên lòng.


         Tôi coi lời dặn ấy là di nguyện của mẹ. Theo ghi chép trong sổ tay của mẹ, tôi vạch kế họach tìm đến nhà cô Trang và những người trong Trung đội. Quê cô ở một làng ven Quốc lộ. Nửa ngày xe đò là đến nơi. Căn nhà cô lớn lên từ thời thơ ấu, giờ đã chia cho gia đình hai người anh. Còn cô, sức khỏe suy kiệt, không chồng, không con, sống trong sự cưu mang của họ hàng. Khi cả hai người anh qua đời, không muốn phiền các cháu, cô đã chuyển về huyện Lâm Sơn sống với các chị em cùngTrung đội.

         Con đường vào “Xóm Không Chồng” nằm sâu trong một thung lũng. Từ huyện lộ, chiếc xe ôm chở tôi nhảy chồm như ngựa, gần một giờ đồng hồ mới tới nơi. Trời đã chạng vạng tối. Cô Trang và các bạn tiếp tôi như đứa con xa trở về. Họ xuýt xoa, nắm tay, vuốt tóc tôi. Đã bốn mươi rồi, mà các cô cứ coi tôi như một đứa trẻ. Lúc đó tôi mới hiểu ra, tôi là đứa con duy nhất trong Trung đội mười ba người của mẹ.  

         Cô Trang kể lại về trận bom Mỹ đánh vỡ mấy toa chở thuốc trừ sâu năm ấy, cả Trung đội được điều đi khắc phục hậu quả. Giữa thời chiến tranh, sâu hại lúa nhiều vô kể, nên thuốc trừ sâu quý lắm. Trên lệnh phải cố gắng thu gom tối đa. Công việc độc hại mà cả Trung đội không có bất kỳ một thứ bảo hộ gì ngoài khẩu trang và khăn mùi soa bịt miệng. Phải bốc thuốc trừ sâu bằng những chiếc găng tay bốc đá đã rách thủng, thuốc trừ sâu theo chỗ rách ngấm vào da thịt. Rồi trời mưa, mùi thuốc sâu xông lên nồng nặc. Đến ngày thứ ba, đã có vài người nôn mửa, lảo đảo vì ngộ độc. Mặc dù vậy, với tinh thần hăng hái của Thanh niên xung phong thời đó, chị em trong Trung đội vẫn làm quần quật cả tuần lễ để chuyển thuốc sâu vào kho. Sau lần ấy, mười hai chị em thay nhau ốm. Họ sốt, ho, nôn mửa, rụng tóc, kinh nguyệt thất thường. Rồi lần lượt, họ phải phục viên vì không còn đủ sức khỏe công tác. Nhiều năm trôi qua, họ đều lâm vào hoàn cảnh giống nhau: Sức khỏe sa sút, không chồng, không con. Bác Khoan, nguyên Đại đội trưởng, sau khi phục viên về làm Chủ tịch xã, biết hoàn cảnh của chị em, đã bảo họ: “Đất chỗ tao rộng, đứa nào sống ở quê khó thì đến đây tao giúp!”. Vậy là họ lần lượt kéo nhau đến. Cùng hoàn cảnh, họ đùm bọc nhau như chị em một nhà. Ủy Ban xã, các Hội: Phụ nữ, Cựu chiến binh gom góp dựng cho họ mấy căn nhà tình nghĩa. Nhà tranh vách đất thôi, nhưng đủ vững chãi để che mưa che nắng. Họ cùng nhau cuốc đất trồng rau, chăn nuôi gà lợn. Ngày tháng trôi qua, nơi họ trú ngụ được gọi bằng cái tên: “Xóm không chồng”. Từ lâu rồi, cái xóm không chồng nhỏ bé này mỗi năm thường có một đêm lửa trại, đó là vào tối ngày 27 tháng 7, kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ. Hôm nay tôi đến thăm các cô cũng đúng vào ngày đó. Từ chiều, thanh niên trong xã đã gom củi dựng thành khung lớn giữa sân nhà cô Trang. Đêm xuống, ngọn lửa được nhen lên. Bác Khoan, lúc này đã là một cựu Thanh niên Xung phong tuổi bát tuần, phát biểu rất cảm động về ý nghĩa ngày Thương binh Liệt sỹ, và nhắc nhở lớp trẻ trong xã đừng quên công ơn của các anh hùng Liệt sỹ, Thương binh, trong đó có những người như các cô Thanh niên xung phong đây, những con người đã âm thầm dâng hiển tuổi trẻ cho đất nước. Sau đó họ hát. Không chỉ các bạn trẻ, mà cả các cô trong Trung đội của mẹ cũng hát. Nhìn các cô hát, tôi bỗng cảm thấy nhói đau. Những giọng hát giờ đã khàn đục, những gương mặt giờ đã sạm đen và mái tóc đã bạc. Các cô vẫn hát vô tư về một thời Thanh niên sôi nổi, hát như phía trước vẫn là những gì thật cao đẹp mà các cô đang theo nó đến hết cuộc đời.


         Khi mọi người ra về, bác Khoan và các cô ngồi uống trà cùng tôi đến tận khuya. Biết tôi là đứa con duy nhất trong Trung đội đang cố tìm cách giải quyết chính sách chế độ cho các cô, bác Khoan nắm lấy tay tôi nghẹn ngào:

         - Cảm ơn cháu! Bốn mươi năm nay, bác cũng đã đi gõ tất cả các cửa rồi, nhưng chẳng giải quyết được gì. Chính cái ngày định mệnh ấy, bác đã động viên các cô cố gắng cứu lấy từng cân thuốc trừ sâu để giúp bà con sản xuất. Cả cấp trên, cả bác, và cả các cô đây đều đâu có hiểu được sự độc hại khủng khiếp của loại thuốc trừ sâu ấy. Bác cảm thấy mình nợ các cô ấy nhiều lắm.

         Đúng lúc đó, một tràng ho nặng nề của cô Nhuần từ phòng trong vọng ra. Bác Khoan  nhấp chén trà như để vợi bớt những gì đắng nghẹn, bác trầm giọng:

         - Cháu biết không, hơn ba mươi năm trước, các cô ấy về đây đủ mười hai người. Bốn người đã ra đi rồi, bây giờ còn tám. Cô Nhuần giờ cũng yếu lắm. Việc giải quyết chính sách, không biết chúng ta có kịp làm được gì giúp được họ không. Thời xưa, quá nhiều ấu trĩ, mà hệ lụy đến tận bây giờ. Thời gian càng trôi đi, lớp sau lại càng thiếu sự cảm thông, đó là chưa kể đến những nhiễu nhương của xã hội thời nay! 

        Đêm ấy, tôi xin phép các cô mắc võng ngủ ngoài hiên. Tôi trân trân nhìn lên bầu trời đầy sao mà lòng dạ rối bời. Câu chuyện xẩy ra cách đây ngót hai mươi năm lại hiện về mồn một. Hôm ấy, tôi nhận bộ hồ sơ của một nữ Thanh niên xung phong tên Nguyễn Thị Nhuần. Trường hợp của cô giống hệt đồng đội của mẹ. Hồ sơ mô tả đầy đủ việc bom Mỹ đánh vỡ tung mấy toa tàu chở thuốc trừ sâu. Chị em mấy ngày liền thu gom, rồi họ ngộ độc, không còn sức để công tác, phải phục viên. Tôi tổng hợp hồ sơ trình lên cho Trưởng phòng, lúc đó không ai khác, lại chính là ông Hoàng. Ông ta đọc lướt qua hồ sơ, rồi ngẩng lên nhìn tôi, giận dữ:

         - Tôi hỏi cậu, cậu lập hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách, thế cô Thanh niên xung phong này có bị thương vì bom Mỹ không?
         - Dạ…Không, nhưng là gián tiếp ạ. Chất độc đã làm họ mất sức lao động suốt từ hồi đó.
         - Gián tiếp? Vậy họ có bị vết thương nào gây gãy xương hay chảy máu không?
         - Dạ không.
         - Họ có phải nhiễm độc vì chất độc da cam từ máy bay Mỹ rải xuống không?
         - Dạ không.
         - Vậy cậu định xếp họ vào Thương binh loại gì đây? Chính sách Nhà nước không phải cứ thích là tùy tiện ban phát được. Hiểu không!

         Tôi không biết phải nói gì, đành lựa lời giải thích cho chị cựu Thanh niên xung phong. Chị bưng mặt khóc:

         - Cậu ơi. Như vậy, chúng tôi không phải là đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước hay sao? Chẳng phải riêng tôi đâu. Cả Trung đội TNXP chúng tôi bây giờ bị Nhà nước quay lưng lại, thì biết dựa vào ai đây?  

         Nhìn bóng chị lê bước ra khỏi cơ quan, cánh tay buông thõng nắm hờ tập hồ sơ, Tôi thấy xót xa. Nhưng tâm thế của một Thanh niên mới ra trường chưa đủ cho tôi hiểu thấu nỗi đau của chị. Về nhà, tôi kể cho mẹ nghe. Mẹ òa khóc:

         - Cô Nhuần đơn vị mẹ đấy con ơi! Vậy là tất cả bọn họ đều chưa được hưởng chính sách gì. Tội nghiệp quá!

         Rồi mẹ bỗng nhìn tôi chăm chú đến đáng sợ - Nghe nói Ông Hoàng là Thương binh phải không?

         - Dạ đúng. Bác ấy đang hưởng phụ cấp thương tật loại ba trên bốn.
         - Đồ lừa đảo! -Mẹ gằn giọng - Ông ta đào ngũ ngay sau mấy chuyến chở hàng đầu tiên. Trên người không hề bị xây xát gì, sao lại là Thương binh được?!

         Từng nghe cơ quan xì xào ông Hoàng có cả một đường dây làm hồ sơ Thương binh giả, nhưng đến lúc này, tôi mới hiểu thêm chân tướng vị Trưởng phòng của mình. Ngày Thương binh Liệt sỹ hằng năm. Ông ta vẫn thường thay mặt anh chị em Thương binh lên phát biểu. Ông cao giọng ca ngợi sự hy sinh của các Liệt sỹ và Thương binh, và nhắc nhở mọi người đừng bao giờ quên công ơn của họ. Tôi bỗng rùng mình về cái sự chân giả của thời nay.

         Bây giờ, mọi việc cũng chẳng có gì khác xưa cả. Những người như ông Hoàng vẫn còn đó. Còn cuộc sống của những người nữ Thanh niên xung phong trong Trung đội của mẹ thì mỗi ngày một tàn lụi dần. Tôi không sao kìm được hai hàng nước mắt cứ tuôn trào. Mẹ ơi. Không biết con có thực hiện nổi di nguyện của mẹ không. Các cô trong Trung đội đã về đây đùm bọc nhau sống trong cái “Xóm không chồng” này. Rồi họ lần lượt ra đi. Họ ra đi trong vòng tay đồng đội, nên họ vẫn luôn nghĩ rằng họ đã ra đi trong niềm kiêu hãnh. Niềm kiêu hãnh của họ là cái gì đó cao lắm, xa lắm, mà những người thời nay không dễ gì hiểu được. Mẹ ơi. Tối nay các cô vẫn hát:

         “Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh
         Tiếng hát ai vang vọng cây rừng
         Phải chăng em cô gái mở đường, không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát…”

         Mẹ và các cô trong Trung đội đang lần lượt hóa thân vào những ngôi sao lấp lánh kia. Những ngôi sao không cấp. Người ta thấy họ, nhưng chẳng ai nhận diện và gọi được tên họ cả. Mẹ ơi! Nếu trên bầu trời đêm thiếu những ngôi sao không cấp khi mờ khi tỏ ấy thì đâu còn là bầu trời đêm nữa, phải không mẹ! Con tự hào về mẹ và những người đồng đội của mẹ.


Tháng 7/2016
Hồ Sỹ Hậu