Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

ĐỪNG COI THƯỜNG
CÁC TRIỆU CHỨNG

Các vụ đau đớn hay bệnh tật thông thường rất có thể là chẳng có gì quan trọng... nhưng đôi khi lại vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy chúng ta cẩn phải cẩn thận cân nhắc những gì phải làm mỗi khi sự việc xẩy ra cho chúng ta.

1- Khi không (bỗng nhiên) thấy tức thở
Lý do: có thể là do nghẽn mạch phổi (pulmonary embolus).
Nhận xét: Cảm thấy khó thở sau khi tập thể dục hay đang ngồi có thể là do vận động hay do ưu tư lo lắng. Nhưng nếu đột nhiên bị khó thở có thể là do chứng nghẽn mạch phổi do cục đông máu làm nghẹt mạch máu trong phổi. Bệnh này có thể nguy hiểm tới tính mạng. Một lý do khác là tim lên cơn đau hoặc trụy tim. Cả hai tình huống trên đều làm cho bệnh nhân thở gấp hay khó chịu hoặc cảm thấy thiếu không khí. Cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
2- Tim đập rộn trong khi đang ngồi yên
Lý do: có thể là do lên cơn đau tim (heart attack).
Nhận xét: Đánh trống ngực (palpitations) có thể chỉ là vì ưu tư lo lắng, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của cơn đau tim hay chứng loạn nhịp tim (arrhythmia). Nên liên lạc với bác sĩ ngay.
3- Choáng váng chóng mặt khi ra khỏi giường
Lý do: có thể là do huyết áp thấp.
Nhận xét: Chóng mặt vào buổi sáng được gọi là "huyết áp thế đứng thấp" (orthostatic hypotension) gây ra bởi sự loại nước (dehydration), bệnh tiểu đường, bệnh Parkinson, bệnh trụy tim, hay thuốc men bao gồm cả thuốc lợi tiểu và thuốc huyết áp. Một lý do khác có thể là chứng "chóng mặt tư thế nhẹ " (benign positional vertigo) gây ra bởi sự xáo trộn của các bộ phận cân bằng của tai trong. Nên đi gặp bác sĩ để chẩn đoán.
4- Nước tiểu rò rỉ
Lý do: có thể là do chứng són đái (urinary incontinence) mà nguyên nhân không phải vì lão hoá, nhiểm khuẩn đường tiểu (urinary tract infection-UTI) , bệnh tiền liệt tuyến, dây thẩn kinh bị ép. hoặc tiểu đường.
Nhận xét: đi gặp bác sĩ để chẩn đóan
5- Đầu đau như búa bổ
Lý do: có thể là do xuất huyết não.
Nhận xét: Trong phần lớn trường hợp đó là triệu chứng của chứng nhức nửa đầu (migraine) chỉ cần uống thuốc giảm đau và nghỉ ngơi là hết. Nhưng một vài trường hợp hiếm xẩy ra là chứng nhức đầu có thể là dấu hiệu có khối u hay xuất huyết trong não. Cẩn đặc biệt chú ý là khi bị đau nhiều nửa bên đầu một cách đột ngột và kéo dài mà lại kèm theo buồn nôn, ói mửa, và chảy nước mắt. Trong trường hợp sau này phải đi bệnh viện gấp.
6- Mắt bị sưng vù
Lý do: có thể là do viêm dây thần kinh mắt (optic neuritis).
Nhận xét: Dây thần kinh mắt có thể bị nhiễm khuẩn hay bị dị ứng. Nếu chữa sớm thì không hại gì cho mắt vì vậy cần đi bác sĩ khẩn cấp.
7- Tai đau và mắt nhìn thấy hai hình (song thị)
Lý do: có thể do tai giữa bị nhiễm khuẩn.
Nhận xét: Bệnh có thể trở thành nghiêm trọng bất ngờ vì vậy cần đi bác sĩ cấp thời nếu chứng đau không dứt và/hoặc có bị thêm chóng mặt lảo đảo, nhức đầu, ói mửa, song thị, nửa ngủ nửa thức, cổ cứng đơ, sưng ở sau tai, sốt nhiều và liệt mặt.
8- Tự nhiên giảm sút ký
Lý do: có thể là do ung thư.
Nhận xét: Nếu ăn uống vẫn bình thường như cũ mà đột nhiên bị sút cân thì có thể là bị bệnh ác tính. Một nguyên nhân khác cũng có thể là do sự bất bình thường nội tiết (endocrinic abnormality) như bệnh tuyến giáp trạng (thyroid disorder), trầm cảm hay tiểu đường. Nên đi gặp bác sĩ ngay để chẩn đoán.
9- Đột nhiên đau háng
Lý do: có thể là do tinh hoàn bị xoắn.
Nhận xét: Đây là một khuyết tật bẩm sinh khá thông thường. Ống dẫn tinh trùng bị xoắn làm máu không chạy tới tinh hoàn. Cơn đau cũng giống như bị đá vào háng. Đôi khi ngoài cơn đau còn thấy bị sưng nữa. Trong vòng 4 hay 6 tiếng thì còn cứu được, chứ trễ từ 12 đến 24 tiếng thì coi như phải cắt bỏ. Một nguyên nhân khác có thể là nhiểm khuẩn mào tinh hoàn (epididymis) tức là bộ phận trữ tinh trùng. Trong trường hợp này có thể dùng trụ sinh để chữa trị.
10 - Đau nhói gan bàn chân
Lý do: có thể là do bệnh thần kinh (neuropathy).
Nhận xét: Đau nhói cứ tái phát ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể có thể là do sự nén ép dây thần kinh, tăng thông khí phổi (hyperventilation) hoặc bệnh thần kinh. Liên lạc với bác sĩ càng sớm càng tốt.
11- Vết thâm tím mãi không tan
Điều gì xẩy ra: bệnh tiểu đường.
Nhận xét: Vết đứt hay thâm tím chậm lành có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường (dấu hiệu khác gồm có da bị ngứa hoặc đau nhói bàn tay hay bàn chân). Nên tìm cách giảm cân (giảm 10 phẩn trăm trọng lượng ảnh hưởng đáng kể lên mức đường trong máu), tập thể dục và coi chừng thói quen ăn uống.
12 - Răng đau buốt khi ăn Sô-cô-la
Điều gì sẽ xẩy ra: viêm lợi.
Nhận xét: Một trong những dấu hiệu đầu tiên của sâu răng là nhạy cảm với đồ ngọt. Dấu hiệu đầu tiên khác là răng mất mầu và có mùi khi cà răng. Kỹ thuật laser có thể phát hiện sớm các ổ răng sâu và tiêu diệt các vi khuẩn trước khi làm sâu răng.
13 - Vòng eo rộng 42 inch (#106,68 cm)
Điều gì sẽ xẩy ra: bất lực.
Nhận xét: Có thể bây giờ chưa có vấn đề nhưng trong tương lai bạn có thể bị loạn năng cường dương (erectile disfunction). Nguyên do là vì khi đàn ông quá mập các động mạch thường hay bị nghẹt nên dòng máu không đủ làm cho cương. Hãy tập thể dục đều cho đến khi eo thon lại, thắt vừa dây lưng 34 inch (#86,36 cm).
14 - Mắt thoáng không thấy gì - chỉ trong một giây
Lý do: có thể là do đột quỵ (stroke).
Nhận xét: Các yếu tố rủi ro chính của đột quỵ là cao huyết áp (trên 140/90) và cholesterol toàn phần cao hơn 200. Bị tê một bên người và tạm thời hai mắt không nhìn thấy gì là những dấu hiệu đáng chú ý nhất. Đột nhiên bị tê, nói líu lưỡi, hay mất thăng bằng có thể là bẳng chứng của một cơn đột quỵ nhẹ gọi là đột quỵ thiếu máu cục bộ đoản kỳ (transient ischemic attack- TIA). Đột quỵ nhẹ này thường báo trước một đột quỵ thật sự nên khi có triệu chứng của TIA thì phải gặp bác sĩ ngay.
15 - Có cảm giác như bị ợ nóng (heartburn)
Lý do: có thể là do chứng đau thắt (angina).
Nhận xét: Đau ngực cả hàng giờ, lúc có lúc không, được bác sĩ gọi là "hội chứng mạch vành không ổn định" (unstable coronary syndrome). Nguyên nhân là vì các cục đông máu đươc tạo thành bên trong thành động mạch vành ngay tại chỗ mảng (plaque) bị bể vỡ. Khoảng 50 phẩn trăm những người có hội chứng trên đây sẽ bị lên cơn đau tim trong vòng 6 tháng sau. Mỗi khi thấy đau thắt ngực, cần phải đi bệnh viện.
16 - Đau lưng nhiều
Lý do: có thể là do chứng phình mạch (aneurysm).
Nhận xét: Đau cũng tương tự như vừa dọn dep xong tủ quẩn áo bề bộn. Thế nhưng chườm nóng, nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau thông thường lại không khỏi. Nếu không phải vì tập thể dục thì đau lưng bất chợt như vậy có thể là dấu hiệu của chứng phình mạch. Chứng đau này chỉ hết khi động mạch chủ bị bể. Một nguyên nhân khác của chứng đau lưng này - kém phần nguy hiểm hơn - là sạn thận. Bác sĩ cho chụp CT scan để xác định vị trí và hình dạng của chỗ mạch phình, sau đó cho uống thuốc huyết áp hay giải phẫu ghép nối nhân tạo.
17- Ngồi lâu trên ghế không yên
Lý do : có thể do các cơ lưng bị căng thẳng.
Nhận xét : Nếu cứ phải thay đổi vị thế ngồi luôn tức là có dấu hiệu các cơ lưng bị căng thẳng và điều này có thể dẫn đến đau lưng dưới. Cẩn phải lựa chọn ghế ngồi cho thoải mái, sao cho đầu ở vị trí ngay đối với cột sống để giảm tối thiểu sức căng thẳng trên cổ, vai và lưng dưới.
18 - Bạn mới biết thân phụ bị cao huyết áp
Điều gì sẽ xẩy ra: bạn cũng sẽ bị cao huyết áp luôn.
Nhận xét: Vì bệnh cao huyết áp vừa phải không có dấu hiệu bên ngoài nên cẩn phải đo huyếp áp mỗi năm một lần, nhất là nếu trong gia đình có tiền sử bị cao huyết áp. Nghiên cứu cho thấy là những người bị căng thẳng tinh thần vì cha mẹ mắc bệnh cao huyết áp cũng có nhiểu rủi ro bị bệnh này luôn. Nếu số đo huyết áp cao hơn 140/90, bạn nên tập thể dục nhiều hơn, tìm cách sụt cân, giảm sodium trong chế độ ăn uống, ăn loại cá tốt cho tim, uống nhiều vitamin C.
19 - Tay bị run khi tập thể dục
Lý do: có thể là do cơ bắp bị mỏi mệt.
Nhận xét: Nếu bạn đã bỏ tập cả nhiều tháng thì cơ bắp bị run có thể là vì mệt mỏi. Vì vậy khi mới tập trở lại bạn nên tập vừa phải, đừng tập quá mệt. Bạn hãy ngưng tập khi cảm thấy các cơ bắp bắt đầu run.
20 - Trong bàn tiệc bạn thấy mọi thứ đều quay cuồng
Lý do: do bạn đã quá chén.
Nhận xét: Rượu làm suy yếu hệ thần kinh trung ương. Vì vậy nếu bạn uống quá nhiều, tất cả những gì trong cơ thể có liên quan tới hệ này sẽ đều bị suy yếu: trí phán đoán, khí sắc, khả năng phối hợp và quân bình, sự nhạy cảm với đau đớn, khả năng sinh dục... Bạn nên tránh đừng uống rươu nhiều. Bạn nên nhớ là nếu nồng độ rượu trong máu hơn 0.06 phần trăm là trên pháp lý bạn đã bị coi như là say rượu.
21- Đau dai dẳng ở bàn chân và cẳng chân
Lý do: nhiều triển vọng là do gẫy xương vì sức nén (stress fracture).
Nhận xét: Cũng giống như các mô khác trong cơ thể, xương tự tái tạo. Nhưng nếu bạn tập thể dục quá mạnh, xương không có cơ hội để lành trở lại nên một vết gẫy vì sức nén (stress fracture) sẽ có thể xuất hiện. Vì thế mu bàn chân và phía trước cẳng chân sẽ đau dai dẳng. Bạn càng tập thể dục thì càng đau và ngay cả khi ngưng nghỉ cũng đau. Uống thuốc ibuprofen hay paracetamol không ăn thua gì. Thuốc mầu phóng xạ cho thấy chỗ xương gẫy qua hình chụp tia X, và bác sĩ sẽ bắt bạn phải nghỉ tập cho đến khi xương lành. Trường hợp xấu nhất là bạn phải bó bột vài tuần.
22 - Đau như cắt ở bụng
Lý do: Vì vùng giữa xương sườn và háng có kẹt đầy các bộ phận nên đau có thể là triệu chứng hoặc của viêm ruột thừa, viêm tụy tạng hoặc của túi mật bị sưng. Cả ba trường hợp đểu có cùng một nguyên nhân : vì một lý do nào đó các bộ phận này đã bị nhiễm khuẩn nguy hại đến tính mạng.
Nhận xét : Nếu để bộ phận nói trên bể vỡ ra thì bệnh nhân có thể bị chết, vì vậy cẩn đi bệnh viện cấp thời.
23- Cẳng chân bị đau và sưng to
Lý do: có thể là do chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis -DVT).
Nhận xét: Chỉ cẩn ngổi một chỗ liền chừng 6 tiếng hay hơn là máu sẽ tụ ở cẳng chân dưới tạo thành cục đông máu (gọi là chứng huyết khối tĩnh mach sâu). Cục đông máu đủ lớn sẽ làm nghẹt tĩnh mạch bắp chân gây đau và sưng. Xoa cẳng chân là điểu đầu tiên bạn sẽ làm nhưng cũng là điều tệ hại nhất vì cục đông máu lớn có thể chạy ngược lên phổi, điều nầy gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn. Muốn chụp hình tia X để định bệnh DVT bác sĩ phải chích chất mẩu vào tĩnh mach. Bác sĩ sẽ cho thuốc làm tan cục đông máu hoặc đặt cái lọc vào tĩnh mạch để chặn cục đông máu không cho chạy lên phổi.
24 - Tiểu tiện bị đau
Lý do: có thể là do ung thư bàng quang (bọng đái).
Nhận xét: Rặn tiểu là cả một cực hình và nước tiểu lại có màu rỉ sắt. Đau và máu trong nước tiểu là hai triệu chứng của ung thư bàng quang. Hút thuốc là yếu tố rủi ro bị bệnh lớn nhất. Nếu khám phá sớm bệnh có 90 phẩn trăm triển vọng được chữa khỏi. Nhiễm khuẩn bàng quang cũng có cùng các triệu chứng như trên.
(Theo "24 warning signs you cannot afford to ignore")
Tuấn Dũng sưu tầm

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

TIN BUỒN

Ban Liên lạc các lớp 9I-10H,10G trường cấp III Nguyễn Trãi thương tiếc báo tin: 
Cụ Trịnh Thị Yến, mẹ bạn Đỗ Thị Lý, đã mất vào hồi 16giờ 30 ngày 18 tháng 9 năm 2011, hưởng thọ 90 tuổi .
 Lễ viếng từ 15 giờ 00 ngày 19/9 đến 11 giờ 00 ngày 20/9/2014 tại nhà riêng (số nhà 13 phố Đội Cấn) . 
 Xin kính báo! 
Ban Liên lạc các lớp 9I-10H, 10G

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

ĐỌC TRUYỆN CƯỜI

= ==
Đọc truyện cười, đôi khi không chỉ là để cười, để thư giãn. Mà có thể, đằng sau những mẩu chuyện ấy là một bài học, một thông điệp đến từ cuộc sống.

Câu chuyện thứ nhất
Một cậu học trò lớp ba viết rằng cậu muốn trở thành một diễn viên hài trong bài tập làm văn của mình. Thầy giáo Việt Nam phê: “Không có chí lớn”, còn thầy giáo người nước ngoài nói: “Thầy chúc em mang tiếng cười cho toàn thế giới”.
Là người lớn, chúng ta nên khuyến khích, cổ vũ hơn là đặt ra những yêu cầu quá cao đối với trẻ con. Hơn thế, chúng ta hãy mở rộng khái niệm thành công để trẻ con thoải mái tung đôi cánh ước mơ của mình


Câu chuyện thứ hai

Ăn cơm xong, mẹ và con gái rửa chén bát trong bếp, bố và con trai ngồi xem ti vi. Bỗng nhiên có tiếng đổ vỡ dưới bếp, sau đó im bặt. Con trai nói: “Con biết chắc mẹ vừa làm bể chén bát”, bố hỏi: “Tại sao con chắc như thế?”, con trai trả lời: “Vì không nghe tiếng mẹ la”.

Chúng ta luôn đánh giá người khác và đánh giá bản thân qua những tiêu chuẩn nào đó, thường khó khăn với người khác nhưng lại rất dễ dãi đối với mình.



Câu chuyện thứ ba
Người ăn mày nói: “Bà có thể cho tôi xin một ngàn không?”, người qua đường trả lời: “Nhưng tôi chỉ có năm trăm”, người ăn mày bảo: “Vậy bà thiếu tôi năm trăm nhé”.
Nhiều người trong chúng ta luôn cho rằng ông trời mắc nợ mình, cho mình không đủ, không tốt nên lòng tham đã che mất thái độ biết ơn.


Câu chuyện thứ tư
Người vợ đang nấu ăn trong nhà bếp, người chồng đứng bên cạnh nhắc nhở: “Cẩn thận, coi chừng khét!”, “Sao em bỏ ít muối thế?, “Ơi kìa, nước đã sôi rồi, em cho thịt vào đi”. Người vợ bưc bội: “Anh làm ơn đi ra ngoài giùm em! Em biết nấu ăn mà!”. Người chồng mỉm cười: “Ừ, có ai bảo em không biết nấu ăn đâu. Anh chỉ muốn em hiểu được cảm giác của anh như thế nào khi đang lái xe mà em ngồi bên cạnh cứ lải nhải”.
Học cách thông cảm người khác không khó, chỉ cần chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.


Câu chuyện thứ năm
A nói với B: “Khu nhà tôi vừa dọn về một ông hàng xóm bất lịch sự. Tối hôm qua, đã gần một giờ sáng rồi mà ông ta còn qua đập cửa nhà tôi rầm rầm”. B hỏi: “Thế anh có báo cảnh sát không?”. A trả lời: “Không, tôi mặc kệ ông ta, xem ông ta như thằng điên vì lúc ấy tôi đang tập thổi kèn saxophone”.
Chuyện gì cũng có nguyên nhân, nếu biết trước lỗi của mình thì hậu quả sẽ khác đi. Tuy nhiên, chúng ta lại thường ít khi thấy mình sai, nhưng lại dễ dàng thấy người khác sai.


Câu chuyện thứ sáu
Hai cha con đi ngang qua một khách sạn 5 sao. Trông thấy một chiếc xe hơi xịn rẽ vào, cậu con trai nhận xét: 
– Những người ngồi trên chiếc xe ấy đều có trình độ học vấn rất thấp! 
Người cha ôn tồn đáp lại: 
– Người vừa phát biểu câu ấy là người hiện trong túi không có lấy một đồng xu!
Con người thường có thái độ “ghen ăn tức ở”, khi nói ra điều gì, nhận xét việc gì đều thể hiện trình độ của mình. Bởi vậy hãy thận trọng !


Câu chuyện thứ bảy
Có hai đoàn khách nước ngoài đến thăm một địa điểm du lịch sinh thái. Do trời mưa nên đường dẫn vào khu “Kỳ hoa dị thảo” lầy lội. Người hướng dẫn của đoàn thứ nhất bảo: “Xin lỗi quý khách, chúng ta không thể đi tiếp”. Còn người hướng dẫn đoàn thứ hai suy nghĩ một chút rồi nói: “Để quý khách thấy rằng việc tìm kiếm kỳ hoa dị thảo khó khăn như thế nào, Ban giám đốc công ty đã cố tình tạo con đường lầy lội cho quý khách có thêm cảm xúc thực tế”.
Hoàn cảnh khác nhau, quan điểm khác nhau sẽ nhìn một sự vật không giống nhau. Tư tưởng kỳ lạ như thế đấy bạn ạ! Nếu bạn chịu suy nghĩ thì quyền quyết định hoàn cảnh nằm trong tay bạn.


Câu chuyện thứ tám
Một phụ nữ vào tiệm kim hoàn, trông thấy hai chiếc vòng đeo tay giống nhau như đúc một chiếc giá 2 triệu, một chiếc giá 20 triệu. Không chần chừ, bà ta liền lấy chiếc 20 triệu vì nghĩ rằng đắt tiền chắc chắn sẽ là đồ tốt. Khi vừa quay lưng bước đi, nhân viên nói với nhau: “Không ngờ chỉ vì đính sai bảng giá mà chúng ta lời đến 18 triệu đồng!”.

Hãy xem, lắng nghe và kiểm định. Đó là lời khuyên trong câu chuyện này. Có nhiều thứ tưởng vậy, thấy vậy, nghe vậy mà không phải vậy, đừng vì chủ quan, tin vào suy nghĩ của mình mà lầm to.




Câu chuyện thứ chín

Hai vợ chồng vào xem triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ, trong đó có một bức tranh của con trai họ. Người vợ đi rất nhanh, mắt chỉ kịp lướt vào tên của tác giả ở mỗi bức tranh. Một lúc sau không thấy chồng, người vợ quay lại tìm. Người chồng đang đứng trước một bức tranh say sưa ngắm nhìn. Bức tranh ​ấy lúc nẫy người vợ đã xem qua. Bà bực bội nói: “Ông đứng đó làm gì vậy? Sao không đi tìm bức tranh của con mình?”. Người chồng quay sang nhìn vợ: “Đây là tranh của con mình nè, nó quên ký tên trên bức tranh”.
Trong cuộc sống, có người chỉ lo chạy băng băng nên đã không thể tìm thấy thứ mình cần tìm, đánh mất cơ hội được thưởng thức hoa nở hai bên đường.

Câu chuyện thứ mười
Tại buổi lễ tốt nghiệp ở một trường cấp hai, thầy hiệu trưởng đọc tên học sinh xuất sắc nhất trong năm học. Đọc đến lần thứ ba mà vẫn không thấy ai đi lên sân khấu. Thầy hiệu trưởng nhìn xuống, hỏi cậu học sinh xuất sắc đang bình thản ngồi bên dưới: 
– Em không nghe thầy gọi tên à? 

Cậu học sinh đứng lên, lễ phép: 

– Dạ, thưa thầy em đã nghe. Nhưng em sợ các bạn chưa nghe thấy ạ!

Danh và lợi đã vô tình trở thành chiếc lồng nhốt chúng ta vào trong ấy. Chúng ta luôn giáo dục con em mình phải cố gắng học thật giỏi, phải trở thành nhân vật xuất sắc nhất nhưng lại ít khi dạy các em tính khiêm tốn.
Minh Châu st

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Ánh trăng


Nguyễn Duy


Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa

Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc 
đủ cho ta giật mình

TP Hồ Chí Minh, 1978 


Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Kinh tế Việt Nam không sáng tạo bằng Lào

Trong 24 nền kinh tế được ADB nghiên cứu, Việt Nam chỉ xếp thứ 16, bị đánh giá thấp về nhân lực, giáo dục, số bằng sáng chế và ấn bản khoa học.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) vừa công bố báo cáo Chỉ số Năng suất Sáng tạo (CPI) của 22 nền kinh tế châu Á, bổ sung Mỹ và Phần Lan (nhằm mục đích so sánh). Báo cáo này đo khả năng sáng tạo của các nước - yếu tố quan trọng trong việc củng cố nền kinh tế phát triển dựa trên tri thức.

KTVN-4756-1410586580.jpg
Sức sáng tạo ở cả đầu vào lẫn đầu ra của kinh tế Việt Nam đều ở phía sau danh sách. Ảnh: Zuma

Những năm gần đây, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đã tăng trưởng khá tốt. Trong đó, một số nước đầu tư mạnh vào sáng tạo và nghiên cứu - phát triển (R&D). CPI sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách biết cách tăng cường sáng tạo và đột phá tại châu Á.
Chỉ số này đo khả năng sáng tạo của các nền kinh tế dựa trên “Đầu vào” và “Đầu ra”. Ở phương diện đầu vào, khả năng sáng tạo được tính theo 3 nhóm lớn: mức độ sáng tạo, động cơ sáng tạo và độ thuận lợi của môi trường cho sáng tạo. “Đầu ra” được cân nhắc trên cả các tiêu chí truyền thống, như số bằng sáng chế, và các tiêu chí nhằm tạo ra tri thức.
CPI chỉ tập trung vào “hiệu suất”, đo cách thức các nền kinh tế chuyển yếu tố đầu vào (kỹ năng, cơ sở vật chất) thành đầu ra (số bằng sáng chế, ấn bản khoa học). Theo đó, Nhật Bản là nước đứng đầu khu vực châu Á, theo sau là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Dù chỉ xếp thứ 8 về đầu vào, nước này được đánh giá rất tốt về khả năng tận dụng tài nguyên để chuyển thành đầu ra, như số bằng sáng chế trên đầu người.
Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 16 trên 24 nước. Khả năng sáng tạo được đánh giá chỉ ở mức trung bình, với cả “Đầu vào” và “Đầu ra” đứng ở nửa cuối danh sách. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Các tiêu chí cần ưu tiên cải thiện về “Đầu vào” của Việt Nam là lọt top 500 trường Đại học, tốc độ phổ cập tài chính vi mô và khả năng trả nợ. ADB nhận xét Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong việc cung cấp nhân lực, với 27,2 điểm trên 100. Dù hơn 90% dân số biết chữ, hệ thống trường lớp và chương trình học của Việt Nam được đánh giá đã lỗi thời. Các kỹ năng của lao động trong ngành dịch vụ, IT và tài chính – ngân hàng cũng còn thiếu. Bên cạnh đó, dù độ năng động của các công ty ở mức trung bình, rủi ro về bất ổn trong nhân công cũng là mối lo với các doanh nghiệp.
Tương tự, tiêu chí “Đầu ra” cần cải thiện là số bằng sáng chế, các ấn bản khoa học và sách, do vẫn ở mức trung bình so với mặt bằng chung. ADB cũng cho rằng Việt Nam cần cải thiện chất lượng và phương hướng bậc giáo dục đại học.
Hà Thu
(vnexpress)
 

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Văn hóa đọc Việt Nam liệu có thay đổi sau "3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]" ?

Đỗ Quyên






Đôi điều về Tiểu-thuyết-Đặng-Thân

 Kể từ sau cuốn sách 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], chúng tôi đề nghị một khái niệm là tiểu-thuyết-Đặng-Thân, liên quan tới gần như mọi mặt của thi pháp học và trên hầu khắp các lĩnh vực của chữ nghĩa. Hai câu hỏi sinh tử và kinh điển trong lý thuyết văn học - "Văn học là gì?", "Văn học để làm gì?" cùng chuỗi các quan hệ dây chuyền (xã hội và văn học, hiện thực/hư cấu và văn học, hình thức và nội dung, cá biệt và điển hình, dân tộc tính và toàn cầu tính...) - và nhiều nan đề trong lao động nhà văn cũng có dịp được tái thẩm định. 
Trong tất cả các cái-gọi-là trào lưu/trường phái văn nghệ, dường như hậu hiện đại gây tranh cãi khốc liệt hơn cả; vì đó... không phải là trào lưu/trường phái! Các chữ "cách tân", "cách mạng" thường dùng những khi có các thay thế, phủ định, phát triển, hoàn thiện trong dòng chảy liên tục của văn nghệ thế giới. Hậu hiện đại không như thế: phủ định (một số phần), khai triển, biến dạng thì có; nhưng nó chẳng thay thế cái gì khác. Vì không cái gì giống nó, xét về chủng loại, giống loài. Vì trong nó ẩn hiện những yếu tố của tất cả các trào lưu/trường phái đã có và chưa có để phát lộ khi gặp điều kiện. Các sắc thái của nó, từ thuở ban sơ của văn minh loài người - có người Việt trong đó! - ẩn náu trong văn hóa và xã hội, âm ỉ từ các thập niên 20-30 và bùng lên cả về lý thuyết lẫn thực hành vào những thập niên 60-80 của thế kỷ trước ở xã hội và nhất là văn học nghệ thuật trong một số nước tiên tiến châu Âu (khởi đầu là Pháp) và Hoa Kỳ; và hai thập niên gần đây ở nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Chỉ riêng việc gọi tên một sáng tác nào đó thuộc về hoặc mang màu sắc hậu hiện đại hay không đã làm nhiễu tạo loạn không ít các trang báo, các cuộc hội thảo.

Hội thảo "3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] của Đặng Thân" 7.1.2012, 
Trung tâm Văn hóa Pháp - L'Espace - Hà Nội

Với 3.3.3.9, tranh luận về danh xưng chắc sẽ không xảy ra, còn ở nội hàm hẳn sẽ có. Hậu hiện đại mà! Lại là hậu hiện đại theo kiểu Đặng Thân đã nổi lên trong văn học Việt gần mươi năm qua ở truyện ngắn, thơ và tiểu luận - phê bình, từ trong ra ngoài nước, cả trong dòng chính ra tới bờ lề...
Cùng một số sáng tác dài hơi hậu hiện đại của các tác giả khác trong thập niên năm qua, quả cân nặng ký nhất từ "trên trời" chính thức ra mắt bằng ấn bản "dưới đất" mang tên 3.3.3.9 đã trình bày một quan niệm khác, một ý niệm lạ trong thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam, và có thể cũng trên thế giới. Khái niệm tiểu-thuyết-Đặng-Thân, qua cuốn sách này, có giá trị lớn nhất là thế. Một cuộc cách tân hoàn toàn về nghệ thuật viết và đọc tiểu thuyết Việt Nam đã được hiển lộ đàng hoàng trên văn đàn qua 3.3.3.9.
Mời đọc bài giới thiệu từ nhà văn - nhà biên tập Đà Linh; sáng và gọn: "Một niềm vui văn học mới" - ở đó có tóm tắt cơ cấu cuốn sách theo 5 nhân vật:1- Ông Bà/A Bồng, 2- Schditt von deBalle-Kant, 3- Tác giả, 4- Mộng Hường (nhân vật nữ), 5- Lời bàn [phím...] của các Netizen với 5 cốt truyện đồng thời, độc lập và xuyên suốt; và liệt kê cả tá đề tài liên hệ của cuốn sách: Một Câu chuyện lớn (từ lịch sử - văn hóa - truyền thống - hiện đại - nhân loại...) chứa đựng nhiều Câu chuyện nhỏ (gia phả, đạo, âm nhạc, kinh doanh, văn học, dịch thuật, phong tục, nhân vật, du lịch, cửa Phật, ngôn ngữ, thời sự trong nước và thế giới...).



=======
Nguồn: http://phamngochien.com/view/van-hoa-doc-viet-nam-lieu-co-thay-doi-sau-quot3339-nhung-manh-hon-tranquot-/1393

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Bí mật nằm sau những bức họa nổi tiếng

Vì nhiều lý do, một số tác phẩm hội họa đã bị vẽ chồng lên nhau và phải mất rất nhiều thời gian, các nhà khoa học mới có thể phát giác ra bức hình gốc ban đầu.
Ngay dưới bề mặt những bức tranh nổi tiếng có thể là một bức tranh khác đang ẩn mình, đôi khi chúng hiện hữu ngay trước mắt người xem. Còn phần lớn chỉ được tái hiện qua giai đoạn phục dựng, chụp X-quang hay nghiên cứu kỹ càng bởi các chuyên gia bảo tồn và các nhà sử học. Trong một số trường hợp, các vụ rắc rối khiến họa sĩ phải thay đổi chi tiết trong tranh, hoặc giản dị là họ có một ý tưởng mới. Với những họa sĩ nghèo, trong lúc khó khăn họ thường vẽ đè lên các tác phẩm cũ vì họ không thể mua giấy hoặc vải vẽ mới.

Sau đây là một số tác phẩm nổi tiếng mà bên dưới có dấu vết những hình vẽ khác:

*Khuôn mặt ẩn trong bức Portrait of Jacques Marquet de Montbreton de Norvins của Jean-Auguste-Dominique Ingres 


Trong bức chân dung của Cảnh sát trưởng Rome có hình ảnh rất mờ của một khuôn mặt khác. Ở tấm rèm bên trái của bức tranh là khuôn mặt của một đứa trẻ, nó có thể được thấy bằng mắt thường. Các nhà sử học cho rằng đó là hình ảnh đầu của con trai Napoleon, còn được gọi là Vua của Rome. Năm 1814, hoàng đế Napoleon mất quyền lực và việc vẽ đè lên có thể không phải do chính họa sĩ Ingres làm mà là người khác với mục đích chính trị.



*Người phụ nữ trong bức The old guitarist của Pablo Picasso


Trong những năm 1901-1904, hoàn cảnh của danh họa Picasso rất khó khăn, ông thậm chí không có đủ tiền để mua đồ nghề và phải dùng bìa các-tông thay cho giấy vẽ. Đôi khi ông tái sử dụng trên những giấy vẽ cũ của mình. Chính vì lẽ đó, một trong những bức tranh rất nổi tiếng sau này của ông, bức The Old Guitarist, đã được vẽ đè lên trên một tác phẩm khác.




Nếu từng nhìn tận mắt bức tranh này, người xem có thể thấy một khuôn mặt khác ẩn sau chiếc cổ của người chơi đàn. Dù chưa xác định được danh tính, nhưng ảnh quang tuyến X đã hé lộ rất nhiều đặc điểm của khuôn mặt này. Đó là một phụ nữ đang chăm sóc cho một đứa trẻ, và ngay gần đó là hình ảnh của những vật nuôi như bò, cừu.

*Người đàn ông râu rậm trong The Blue Room của Picasso


Bức họa vẽ năm 1901 này có nhiều điểm tương đồng với bức The Old Guitarist. Công nghệ chụp hồng ngoại tuyến đã cho thấy một bức tranh chân dung khác phía sau cảnh căn phòng. Đó là một người đàn ông râu rậm, mặc bộ đồ khá lịch sự, trên tay đeo rất nhiều nhẫn. Ông ta được vẽ ở tư thế nghiêng người trong khi bức tranh ở hướng thẳng đứng. Có thể đây chính là bức tranh đã được họa sĩ tái sử dụng vì thiếu giấy vẽ.

*Màu tóc thay đổi trong bức Woman at a window


Ở Phòng tranh Quốc gia ở London, việc phục chế bức tranh đầu thế kỷ 16 này đã làm lộ ra một điểm rất đáng chú ý. Chi tiết mà người ta cho là lỗi trên tóc của người phụ nữ thực ra lại là các lọn tóc vàng từ bản vẽ gốc, được lộ ra sau hàng loạt lớp sơn. Trên bản gốc người phụ nữ tóc vàng là một chủ thể thú vị hơn rất nhiều.
Cái nhìn của cô có tính toán hơn, cảm xúc bối rối hơn, và cơ thể được đặc tả hơn. Vào một thời điểm nào đó, người phụ nữ này được biến thành một cô gái tóc nâu với những đặc điểm không quá nổi bật. Ngày nay, bức tranh đã được phục dựng nguyên trạng và được trưng bày tại Phòng tranh Quốc gia.

*Con cá voi trong Beach Scene của Hendrick Van Anthonissen
Khi bức tranh được sáng tác vào thế kỷ 17 này được tặng cho Viện bảo tàng Fitzwilliam, người ta chỉ thấy cảnh biển rất giản dị. Tuy vậy, các nhà bảo tồn ở Viện Hamilton Kerr cho rằng bối cảnh trong tranh rất lạ, khi một đám đông lớn tụ tập ngay sát mép nước mà không có lý do gì nổi bật.
Sau khi lau rửa, một hình ảnh mờ dần hé lộ. Tiếp tục việc phục chế, người ta đã phát giác hình ảnh một con cá voi mắc cạn trong tranh, và nó đã bị sơn đè lên. Lý do của việc này được cho là để phù hợp với trang trí nội thất. Việc vẽ đè diễn ra vào khoảng thế kỷ 18 hoặc 19. Khi đó, tranh là vật trang trí nội thất, và việc xuất hiện một xác cá voi trên tranh sẽ làm cho căn phòng trở nên xấu xí hơn. Ngày nay, bức tranh đã được phục chế hoàn toàn để du khách có thể chiêm ngưỡng.


Đô ĐH st

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Nước sôi để nguội quá 3 ngày sẽ sinh ra chất gây ung thư.

Đun nước sôi để nguội uống trong nhiều ngày là thói quen của rất nhiều gia đình. Những tưởng đây là cách an toàn khi đáp ứng nguyên tắc “ăn chín uống sôi”, thế nhưng nước sôi để uống nhiều nguy hại hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
Theo các bác sĩ ở Viện Sinh dưỡng Quốc gia, nước đun sôi 100 độ C đã diệt được vi khuẩn nhưng để nguội trên 2 giờ đồng hồ vi khuẩn sẽ xuất hiện trở lại và sau 24 giờ, lượng vi khuẩn đã tăng lên rất nhiều.

Đun sôi để nguội uống dần là thói quen của nhiều gia đình. Ảnh internet 
Giải thích về hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng: Phần lớn những vi khuẩn bị tiêu diệt ở nhiệt độ 60 độ C trong 10 phút hoặc 100 độ C trong 5 phút. 
Tuy nhiên, vi sinh vật có ở khắp mọi nơi, trong không khí, trong nước, đất, các đồ vật trong nhà, trên áo quần và thậm chí cả trên da người, vì vậy chúng có thể xâm nhập vào nước sôi để nguội. Do vậy, người dân không nên dùng nước đun sôi để nguội để tráng bát, đĩa hoặc dụng cụ vì chúng không có tác dụng diệt khuẩn.
Ngoài ra, nếu uống nước sôi để nguội lâu ngày rất bất lợi cho sức khoẻ, vì chất muối axit nitrat (là một chất dễ gây ung thư) được sản sinh trong nước đun sôi để nguội.
Cụ thể sau một ngày, mỗi lít nước có thể sản sinh 0,004mg muối axit nitrat, để sau 3 ngày lượng nước muối này lên đến 0,011mg và sau 20 ngày có thể lên đến 0,73mg. Chính vì vậy, nước đun sôi để nguội tốt nhất là dùng trong ngày và không nên sử dụng khi nước đã quá 3 ngày.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên uống nước sôi để nguội lâu ngày vì khi đó ôxy trong nước đã bốc đi gần hết, những vật hữu cơ bị phân giải và những vật vô cơ lắng xuống, khiến giá trị của nước uống bị mất đi.
Để nước được đảm bảo an toàn, tránh vi khuẩn nên uống hết hàng ngày, hôm sau nấu tiếp. Tốt nhất nên bảo quản trong bình kín, có vòi xả mỗi lần lấy nước.
Đồng thời, nước bảo quản tốt cũng chỉ nên uống hết sớm ít nhất là hai ngày để tránh tình trạng tái nhiễm. Trường hợp nước đóng chai sau khi cho miệng vào uống nếu không hết nên bỏ đi, điều này nhằm mục đích giảm thiểu vi khuẩn được truyền vào từ những lần uống trước và phát triển trong đó.
Theo SKGD
Đường dẫn vào trang WEB :

Blogger K1972