Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Văn hóa đọc Việt Nam liệu có thay đổi sau "3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]" ?

Đỗ Quyên






Đôi điều về Tiểu-thuyết-Đặng-Thân

 Kể từ sau cuốn sách 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], chúng tôi đề nghị một khái niệm là tiểu-thuyết-Đặng-Thân, liên quan tới gần như mọi mặt của thi pháp học và trên hầu khắp các lĩnh vực của chữ nghĩa. Hai câu hỏi sinh tử và kinh điển trong lý thuyết văn học - "Văn học là gì?", "Văn học để làm gì?" cùng chuỗi các quan hệ dây chuyền (xã hội và văn học, hiện thực/hư cấu và văn học, hình thức và nội dung, cá biệt và điển hình, dân tộc tính và toàn cầu tính...) - và nhiều nan đề trong lao động nhà văn cũng có dịp được tái thẩm định. 
Trong tất cả các cái-gọi-là trào lưu/trường phái văn nghệ, dường như hậu hiện đại gây tranh cãi khốc liệt hơn cả; vì đó... không phải là trào lưu/trường phái! Các chữ "cách tân", "cách mạng" thường dùng những khi có các thay thế, phủ định, phát triển, hoàn thiện trong dòng chảy liên tục của văn nghệ thế giới. Hậu hiện đại không như thế: phủ định (một số phần), khai triển, biến dạng thì có; nhưng nó chẳng thay thế cái gì khác. Vì không cái gì giống nó, xét về chủng loại, giống loài. Vì trong nó ẩn hiện những yếu tố của tất cả các trào lưu/trường phái đã có và chưa có để phát lộ khi gặp điều kiện. Các sắc thái của nó, từ thuở ban sơ của văn minh loài người - có người Việt trong đó! - ẩn náu trong văn hóa và xã hội, âm ỉ từ các thập niên 20-30 và bùng lên cả về lý thuyết lẫn thực hành vào những thập niên 60-80 của thế kỷ trước ở xã hội và nhất là văn học nghệ thuật trong một số nước tiên tiến châu Âu (khởi đầu là Pháp) và Hoa Kỳ; và hai thập niên gần đây ở nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Chỉ riêng việc gọi tên một sáng tác nào đó thuộc về hoặc mang màu sắc hậu hiện đại hay không đã làm nhiễu tạo loạn không ít các trang báo, các cuộc hội thảo.

Hội thảo "3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] của Đặng Thân" 7.1.2012, 
Trung tâm Văn hóa Pháp - L'Espace - Hà Nội

Với 3.3.3.9, tranh luận về danh xưng chắc sẽ không xảy ra, còn ở nội hàm hẳn sẽ có. Hậu hiện đại mà! Lại là hậu hiện đại theo kiểu Đặng Thân đã nổi lên trong văn học Việt gần mươi năm qua ở truyện ngắn, thơ và tiểu luận - phê bình, từ trong ra ngoài nước, cả trong dòng chính ra tới bờ lề...
Cùng một số sáng tác dài hơi hậu hiện đại của các tác giả khác trong thập niên năm qua, quả cân nặng ký nhất từ "trên trời" chính thức ra mắt bằng ấn bản "dưới đất" mang tên 3.3.3.9 đã trình bày một quan niệm khác, một ý niệm lạ trong thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam, và có thể cũng trên thế giới. Khái niệm tiểu-thuyết-Đặng-Thân, qua cuốn sách này, có giá trị lớn nhất là thế. Một cuộc cách tân hoàn toàn về nghệ thuật viết và đọc tiểu thuyết Việt Nam đã được hiển lộ đàng hoàng trên văn đàn qua 3.3.3.9.
Mời đọc bài giới thiệu từ nhà văn - nhà biên tập Đà Linh; sáng và gọn: "Một niềm vui văn học mới" - ở đó có tóm tắt cơ cấu cuốn sách theo 5 nhân vật:1- Ông Bà/A Bồng, 2- Schditt von deBalle-Kant, 3- Tác giả, 4- Mộng Hường (nhân vật nữ), 5- Lời bàn [phím...] của các Netizen với 5 cốt truyện đồng thời, độc lập và xuyên suốt; và liệt kê cả tá đề tài liên hệ của cuốn sách: Một Câu chuyện lớn (từ lịch sử - văn hóa - truyền thống - hiện đại - nhân loại...) chứa đựng nhiều Câu chuyện nhỏ (gia phả, đạo, âm nhạc, kinh doanh, văn học, dịch thuật, phong tục, nhân vật, du lịch, cửa Phật, ngôn ngữ, thời sự trong nước và thế giới...).



=======
Nguồn: http://phamngochien.com/view/van-hoa-doc-viet-nam-lieu-co-thay-doi-sau-quot3339-nhung-manh-hon-tranquot-/1393

1 nhận xét:

  1. Bạn tài thật đấy, đọc vài viết của bạn, thấy ĐQ có 1 cái đầu siêu chữ, có trí nhớ cũng như thẩm truyện thật tài ba mới có thể những lời bình kỹ và sâu sắc đến thế.
    THỎ

    Trả lờiXóa