Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Thi pháp Nguyễn Quang Thiều:
Nhìn từ
dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị
(Kỳ cuối)

VI. Nguyễn Quang Thiều của trường ca và trường ca của Nguyễn Quang Thiều

Những nhà thơ tạo ra được trường thơ riêng biệt là đã có điều kiện cần để thành nhà trường ca. Hơn thế, Nguyễn Quang Thiều có thơ mang chất trường ca xét về từng mặt của thi pháp.
Trong các thảo luận văn học Việt Nam và thế giới, có lẽ nhiều bất hòa nhất là ở việc sáng tác và phê bình trường ca - thể loại khổng lồ và đa dạng, thâm niên và luôn tươi trẻ! Thơ của Nguyễn Quang Thiều đã sinh sự, trường ca của anh tất sẽ đa sự và cần nhiều quan tâm hơn của giới nghiên cứu, phê bình. Dành cho tham luận, xin nêu vài suy nghĩ ban đầu cho trường ca Nguyễn Quang Thiều trong một khảo cứu đang làm về tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam hiện đại [37].
Với lý luận phê bình hậu hiện đại, nhiều nan đề của trường ca đã có những lý giải thấu suốt và uyển chuyển hơn về phương diện thể loại, cấu trúc văn bản và thực hành ngôn ngữ. Từ cội nguồn, cảm hứng sử thi với hình thức tự sự trong giọng điệu hùng ca sau khi làm nên trường ca cổ điển như là thể tài đầu tiên, vẫn luôn là dòng sữa nuôi thơ trường ca cho đến nay. Qua từng thời đại, trường ca đã có những cách kể rất khác nhau dù không còn “trạng thái sử thi” nguyên thủy, mà ngay cả trong trường ca hiện đại thì cảm hứng trữ tình cũng là cách kể bằng cách cảm các đại tự sự với tinh thần lãng mạn và phong cách bi hùng.
Trong phong trào Thơ mới, trường ca Việt ở giai đoạn đầu chưa định hình thi pháp. Sau năm 1945, chính nhờ giai đoạn oai hùng và bi tráng nhất của lịch sử người Việt hiện đại, trường ca mới trở nên một dòng nhánh của thơ Việt như là thể loại riêng. Là máu thịt cùng hòa vào lịch sử dân tộc trong nửa cuối thế kỷ 20, dòng trường ca cách mạng và chiến tranh 1954-1986 đã là một khuynh hướng sáng tạo văn học hiện đại với đủ các tiêu chí thẩm mỹ và thành tựu nghệ thuật, qua hai thế hệ tác giả thơ ưu tú nhất, đó là những Thu Bồn và Nguyễn Khoa Điềm; Hữu Thỉnh và Thanh Thảo; Nguyễn Đức Mậu và Trần Mạnh Hảo; Anh Ngọc và Thi Hoàng, v.v…
Theo dòng chảy liên tục, từ sau 1986 có các rẽ nhánh với thể chất và diện mạo rất khác mà trường ca Nguyễn Quang Thiều đã nổi trội trong đợt sóng đầu tiên và liên tục vỗ bờ cho tới buổi hôm nay, với những tác phẩm thơ dài (sau đây trước dấu “;”) và trường ca là: Đêm gần sáng (1988), Đoản ca về buổi tối, Dưới trăng và một bậc cửa (1992), Chuyển dịch màu đen (1995), Bài ca những con chim đêm (1997), Mười một khúc cảm; Những người lính của làng (1994),Nhịp điệu châu thổ mới (1995), Nhân chứng của một cái chết (1998), Hồi tưởngCây ánh sáng (2003), Lò mổ (2009),Bí ẩn thành Cổ Loa, Bi ca về một thị xã bị mất tích.
Với cách tìm hiểu của chúng tôi, “trường ca” và “thơ dài có ý nghĩa tương đương” (gọi chung “trường ca”) gồm các loại hình văn vần (trừ truyện thơ, kịch thơ) mang dung lượng lớn với phương thức tự sự hay trữ tình, cấu trúc có hay không có cốt truyện, câu chuyện. Nếu như thế, về số lượng, kể từ thời Thơ mới, con số cập nhật 13/6/2012 là khoảng 407 tác giả (292 tác giả trường ca và 115 tác giả thơ dài) đã viết ít nhất một trường ca hoặc một bài thơ dài mang ý nghĩa tương đương trường ca, với tổng số khoảng 989 tác phẩm. Trên thế giới hiện đại, liệu có nền thơ ở một quốc gia nào khác, có tỷ lệ các nhà trường ca cao như ở Việt Nam không? Đã từng có nền văn học của dân tộc nào mà thể loại trường ca đạt tầm vóc về nghệ thuật, tư tưởng, số lượng tác giả và nhất là tác dụng xã hội, như dòng trường ca chiến tranh Việt Nam 1963-1975 và hậu chiến tranh 1975-1986 không?
Nếu kể từ 1986 đến nay, theo nội dung và cảm hứng, trường ca Việt có thể chia làm ba nhánh: Trường ca sử thi, chiến tranh; Trường ca phi sử thi, phi chiến tranh về thế sự, nhân sinh; Trường ca đời thường, cảm thức cá nhân. Nguyễn Quang Thiều thuộc về nhánh thứ hai, cùng Du Tử Lê, Trần Nhuận Minh, Cao Đông Khánh, Vĩnh Quang Lê, Trần Anh Thái, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Nguyên Bẩy, Nguyễn Linh Khiếu, Mai Văn Phấn, Tam Lệ, v.v…
Những điều gì làm nên trường ca Nguyễn Quang Thiều? Theo tiêu chí cho “tính trường ca” trong biên khảo, tác giả này đã được tìm hiểu với những nét rất khu biệt trong nhiều tác giả khác và thống nhất với thi pháp thơ của mình. Những cái đạt và chưa đạt ở trường ca của anh định vị sự không thể thay thế, và còn nói lên một xu hướng của thơ trường ca hiện đại và hậu hiện đại Việt Nam cũng như thế giới.
Thể tài: Trên bản đồ nghệ thuật thơ trường ca, Nguyễn Quang Thiều đã làm chủ và phần nào phát triển tư duy thể loại. Trong sáng tác văn học, đó không phải là cửa ải đầu tiên cho những cây bút mài mòn theo những thể loại quen tay. Đó chỉ là cửa ải dành cho kẻ sáng tạo. Các đề tài theo đó cũng biến hóa miễn là mang tinh thần và nội dung không của cá thể, mà thuộc về giá trị cộng đồng, dân tộc, nhân loại... Từ Đoản ca về buổi tối, Dưới trăng và một bậc cửa đến Chuyển dịch màu đen, rồi Mười một khúc cảm, tác giả đã đi những bước chắc chắn để nhận về “bằng sáng chế” từ Nàng Thơ cấp cho một thi sĩ trường ca. Và, thi sĩ đã cất cao Nhịp điệu châu thổ mới như một cái gì rực rỡ nhất cho đến nay về nghệ thuật thơ Nguyễn Quang Thiều, cũng như là một tác phẩm đang được treo lên bảng giá trị thi ca Việt đương đại khi đã tạo một “sử thi” mới cho thời đại của Người Nông Dân Già và Cậu Bé:
Và lúc này, Người Nông Dân Già khép cửa ra đi
Còn lại bên thềm mắt vệt loáng ướt trăng
Đọng lại ngàn năm - muối của ánh sáng
Chỉ còn lại trên những ngón tay trải dài
Con đường vô tận của bài ca ngũ cốc
Trường ca Nguyễn Quang Thiều có cái tẻ ở nội dung do các đại tự sự không tươi mới. Chúng kinh viện, cao siêu. Buồn tẻ, chứ hoàn toàn không tẻ nhạt.
. . . . . . . . . 
.


1 nhận xét:

  1. Đọc xong bài viết của bạn Thủy (Đỗ Quyên) thấy "chóng mặt" nhưng rất lý thú và cảm phục người bạn tài ba của khóa chúng mình!

    Trả lờiXóa