Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

CHỮ PHÚC




Người Hà Nội của thế kỷ 21 với dư âm ngày Đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội vẫn giữ được nét tinh tế, hào hoa, thanh lịch với vẻ đẹp văn hóa thật đáng trân trọng.
Bên bức tường cổ Văn Miếu (Trường Đại học đầu tiên của Việt nam) những ông đồ già Thế Anh, Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách… cùng những đệ tử “Nhị thập bát tú” – 28 ngôi sao trẻ trung và thông thái sẵn sàng “hoa tay thảo những nét như rồng múa phượng bay” để người Hà Thành rước chữ về nhà, treo lên cao chiêm ngưỡng “thần tự” của người xưa để đối nhân xử thế trong cuộc sống phồng thịnh, văn minh, hiện đại ngày nay.PHÚC – LỘC – THỌ - AN – NINH – KHANG
Những thông điệp thật gọn như một cuốn thư để người đời sau mang về nhà trân trọng thành kính mở ra, ngồi đọc, suy ngẫm trong yên tĩnh, lắng đọng tiếp nhận những điều dạy bảo chí tình, chí nghĩa của tổ tiên.
Trong bộ tam đa từ xưa đến nay sự sắp đặt thứ tự như một niêm luật không thể thay đổi PHÚC – LỘC – THỌ
Chữ PHÚC luôn và mãi mãi đứng ở vị trí khởi nguồn.
Với một cấu trúc mã tự vuông vức đầy đặn, hoàn chỉnh, chữ PHÚC mang nghĩa Cát Tường, may mắn, tốt lành.
Bộ bên trái – Bộ ký – trông tựa một cây cổ thụ xum xuê cành lá, bao trùm, che chở. Bộ Ký mang hàm ý: Thần đất, sự phụng thờ. Bên phải là ba chữ ghép lại: chữ Nhất, chữ Khẩu và chữ Điền mang ý nghĩa: Điều may mắn nhất, điều sung sướng nhất, điều tốt lành nhất là con người được sinh ra trên đồng ruộng để cày cấy, gieo trồng có cái ăn cái mặc, để hưởng thụ, được nói, giao tiếp, học hỏi điều hay lẽ phải.






Vậy nên cứ Tết đến mọi người thường rước chữ PHÚC về nhà treo trước cửa để NGHÊNH XUÂN TIẾP PHÚC và kính mời “PHÚC ĐÁO GIA MÔN”, nhiều nhà còn treo chữ “NGŨ PHÚC LÂM MÔN”.
Ngày hôn lễ của lứa đôi, chữ “hạnh phúc” in đỏ tươi trong thiếp mời, treo rạng rỡ trên sảnh đường của phòng cưới.
Những điều tốt đẹp đến với con cái nhân gian thường nói “Phúc đức tại mẫu” để ghi nhớ công ơn của mẹ mà sống hiếu thảo.
Một dòng họ ăn nên làm ra, con cháu học hành đỗ đạt mọi người nhắc nhở nhau đấy chính là phúc ấm – phúc đức của tổ tiên ban cho, hãy tri ân.
Các cụ ông, cụ bà khỏe mạnh sống lâu, ngày thượng thọ con cháu dâng lên bức trướng:
“PHÚC NHƯ ĐÔNG HẢI
THỌ TỈ NAM SƠN”
Ngày đầu năm, bạn bè họ hàng gặp gỡ nhau, chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Đó chính là những lời chúc phúc.
Có thể nói chữ Phúc ẩn hiện vào mọi phương diện văn hóa đời sống con người ăn sâu vào tâm linh, đạo giáo.
Chữ Phúc luôn là mục tiêu tìm kiếm của con người. Vậy chữ Phúc từ đâu tới?
Cứu một người “PHÚC ĐẲNG HÀ SA”
Cuộc sống của con người trên trái đất là vô cùng quan trọng. Hãy bảo vệ cuộc sống. Cứu một người Phúc nhiều như cát trên sông vậy.
Có lẽ vì vậy, mọi sinh hoạt của con người đều hướng tới điều thiện. “Cứu người, làm phúc”, những hành động đi ngược với điều thiện đều bị lên án và trừng phạt.
Cuộc sống phải là bất diệt. Các hội chữ thập đỏ, hội từ thiện, quỹ vì người nghèo, giúp đỡ người khuyết tật xây nhà tình nghĩa, cứu trợ đồng bào lũ lụt, thiên tai được phát động và hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng trên toàn thế giới.
Chúng ta đang sống những năm đầu của thế kỷ 21 văn minh, hiện đại, nhưng cũng là một thế kỷ phải đối đầu với thảm họa môi trường cực kỳ gay gắt. Những trận động đất, cháy rừng, sạt lở núi, bão táp, lũ lụt, nóng nắng dữ dội, bão tuyết nặng nề xảy ra liên miên phá hoại cuộc sống bình an của trái đất.
Hơn lúc nào hết, mục tiêu lớn nhất của loài người lúc này là phải chung tay góp sức làm mọi việc để bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu những thảm họa thiên tai mà chính chúng ta đã vô tình hay hữu ý gây nên.
Chữ Phúc mà chúng ta tôn thờ trân trọng sẽ không đến với loài người nếu chúng ta không chung tay làm những điều thiện ích. Hãy cùng nhau cứu lấy trái đất để chữ Phúc là một ngôi sao tỏa sáng rạng ngời trên mặt đất, như niềm mơ ước: “PHÚC TINH CAO CHIẾU”.




Nguồn: Giáo dục và Thời đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét