Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

LÀ CON GÁI

Là con gái, bạn có nên để cơn tức giận dâng trào như sóng thủy triều?

Liên tiếp từ vài tuần qua, nếu bạn theo dõi hai web site của VN là VietExpress và VietnamNet, bạn sẽ thấy nhiều clip nữ học sinh VN triển khai chiêu thức “Đường Sơn Đại Huynh” đối với bạn bè.
Thôi thì đánh hội đồng, chửi rủa, đấm vào mặt, lấy kéo xởn tóc và bay lên đá vào đầu đối phương đang ôm đầu tuyệt vọng y hệt như Lý…Ba Đá. Bruce Lee mà sống lại là chấp hai tay xin ‘bái phục bái phục’!
Lập tức nhiều bài báo tràn lan như lũ lụt ở ngay tại VN kết án dữ dội nữ sinh VN ngày nay lấy thú “đấm bốc” làm trò tiêu khiển cho…tụi con trai đứng ngó. Con gái bây giờ (tên gọi một bản nhạc thời thượng) hỏng uýnh nhau tan nát thì người ta…cười cho là không thời thượng?
Con gái Mỹ có uýnh nhau hông? Tại sao hông, uýnh nhau tới bến đâu thua gì thục nữ Việt yêu quý. Nếu không thì tại sao cô tác giả Deb Abramson trong số báo SELF tháng 10/2010 viết một câu xanh rờn: “tôi hay giận lắm, có lần tôi lấy một quả bóng nhét đầy cát ném vào lưng một bạn đồng nghiệp đau điếng. Mỗi năm tôi có trung bình…8 lần đánh nhau với ai như thế!”
Một khảo sát khác cho thấy ngày nay trong xã hội Mỹ có khoảng 20% phụ nữ Mỹ đã bùng nổ cơn giận của họ theo kiểu như Abramson mỗi tuần một lần! Ôi, cộng lại mỗi tuần có bao nhiêu…TRIỆU phụ nữ giống như bom khủng bố?
Có khoảng 20% trong số họ đã mất bình tĩnh vì gặp những người “cà chớn” hay đồ vật “cà chua” trong sở làm. Có 47% mỗi lần bị kẹt xe trên freeway đã không dằn được cơn bực bội trào dâng và có 53% thú nhận từng giận “phát điên” vì một người bạn tình làm họ không vui!
Tiến sĩ tâm lý Deborah Cox, tác giả quyển “the Anger Advantage”, cho hay là “đàn ông và phụ nữ có cảm giác giận dữ giống hệt nhau”, nhưng theo Abramson thì “từ 35 tuổi trở lên phụ nữ có kinh nghiệm là bày tỏ ‘máu nóng Trương Phi’ quả là không có lợi trong các giao tiếp xã hội”
Nhưng phụ nữ Mỹ trong lứa 20 và 30 tuổi thì không được bình tĩnh. Abramson cho biết khi đi khảo sát, chị thấy phụ nữ trẻ không dằn được, hay lớn tiếng, hay ít nhất thì hằn học hoặc chỉ trích chê bai.
Vấn đề là có nên để cơn giận nổ ra như… núi lửa Merapi hay phải tìm cách giải tỏa nó? Howark Kassimove, một chuyên gia trị liệu tâm lý, cho biết: “Người hay giận dữ dễ bị đau tim và các chứng bệnh về tim mạch khác còn tiến sĩ Cox thì thấy những ai bị giận dữ xỏ mũi thì hay bị lo lắng, trầm uất, nhức đầu và đau dạ dầy!
Nhưng dồn nén giận dữ cũng có tác dụng tiêu cực. Vấn đề là bạn đừng dồn nén mà phải nhìn thẳng vào lý do đưa đến sự giận dữ, có khi chỉ là “bạn đã thấy mình đúng còn kẻ khác đã sai”, nhưng nói chuyện “đúng /sai” thì vô cùng tương đối, ai cũng có “cái tôi lớn như cái…Sở Thú” và ai cũng cho là mình phải. Bạn không tin? Vậy thì có bao giờ bạn thấy ai nhận lỗi đã lái xe bậy bạ nguy hiểm và ngỏ lời xin lỗi chưa?
Một khảo sát của Đại Học Iowa còn cho thấy “những sinh viên nào ít bày tỏ sự giận dữ sau khi bài viết của họ bị điểm D sẽ ít có thái độ hung hăng gây hấn, so với các cô ‘đã văng tục chửi thề hay ném gối vào tường’ trong cùng một hoàn cảnh
Giận dữ còn là thái độ của những kẻ vị kỷ (narcissist), luôn xem mình cao hơn người khác và không hề biết cảm thông bao giờ. Thật ra những tâm hồn khiêm hạ, đơn giản và biết thương người mới rắn rỏi, mới ‘cứng như thép nguội’, còn những kẻ ‘nổ như tạc đạn’ có khi rất yếu và rất nhát bên trong!
Người đẹp thì…làm cái gì cũng đẹp, đau bụng cũng đẹp mà nũng nịu càng đẹp, nhưng tuyệt đối giận dữ thì không hơn Chung Vô Diệm là bao. Người phương Đông còn kèm yếu tố đẹp với ‘cái đẹp bên trong’. Hai thương ăn nói mặn mà có duyên là như thế!
Cầu mong các em gái ở VN hiểu là khi mình…biểu diễn có đai đenTháí Cực Đạo hay thậm chí ăn nói chua như chanh cộng với dấm, các em đã làm ô uế một hình ảnh rất thanh cao và làm đau lòng biết bao người xung quanh…
Con gái VN bây giờ và mọi thời đại nhất định phải là những con người mang đến gió mát êm ái, duyên dáng dịu dàng và e ấp quyến rũ để “làm chợt mát nắng Sàigòn anh đang đi”, chứ không phải là các diễn viên phụ của Lý Tiểu Long trong “Tử Thần Du Hí”!

Những dạng bệnh về rối loạn tâm lý của con cái mà cha mẹ không nên lơ là

Xã hội Hoa Kỳ ngày nay làm cho nhiều trẻ em bị xáo trộn tâm lý và nhiều người đã lên tiếng báo động về hiện trạng này. Một khảo sát mới nhất cho thấy cứ 5 em nhỏ ở Mỹ thì đã có 1 em bị rối loạn về tâm lý hay hành vi, một con số quá lớn.
Tuần báo Time trong số đầu tháng 11 còn báo động là có 1% trong số nhóm thanh thiếu niên từ 15 đến 17 tuổi bị chứng tâm thần phân liệt (TTPL- bipolar disorder), nhưng cũng có thể trẻ hơn rất nhiều vẫn bị và từ 3 đến 6 tuổi là lứa tuổi dạng bệnh ADHD (quá bung xung kích động không kiểm soát được và không chú ý ) dễ bùng ra nhất.
Trầm uất (depression) là dạng dễ thấy nhất, có thể xảy ra khi các em mới 9 tuổi hay còn nhỏ hơn, nhưng thường vào tuổi vị thành niên mới ‘chín muồi’. Nhưng cha mẹ đừng quá lo lắng nếu con mình vẫn ăn ngủ, chơi đùa bình thường.
Các dấu hiệu đáng báo động là khi đứa nhỏ có những dấu hiệu giống hệt người lớn lúc bị trầm uất là bỏ ăn, lừ đừ, dễ cáu, mất ngủ, thấy mình vô dụng, không cảm thấy vui vẻ và đôi lúc có ý nghĩ tự sát. Lúc này cha mẹ phải nhờ chuyên gia giúp đỡ rồi.
Thứ nhì là dạng bệnh “general anxiety disorder” (rối loạn tâm lý toàn diện) có thể xảy ra cho đủ loại lứa tuổi nhưng nhiều nhất là từ tuổi thơ đến trung niên. Từ 5 tuổi trở đi, nếu đứa bé không rời được cha hay mẹ ở nơi công cộng là dấu hiệu của bệnh.
Một trong các phương pháp chữa trị là cognitive therapy và phương pháp acceptance and commitment therapy, vốn là những cách dạy cho trẻ em biết cách chịu đựng những khó chịu và thích nghi với hoàn cảnh.
Một dạng khác của các rối loạn tâm lý trẻ là “obsessive-compulsive disorder” thường xuất hiện từ khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, nhưng có nhiều trẻ nhỏ cũng có dấu hiệu bệnh. Một cách tổng quát, những người có các dấu hiệu cứ lập đi lập lại một hành động thì bị xem là bị dạng này như cứ rửa tay hàng mỗi giờ.
Chỉ khi nào cha mẹ thấy con em mình lập lại một hành vi và có dấu hiệu bất an, bồn chồn hay mất tự chủ, mất hạnh phúc mới nên hỏi ý kiến chuyên gia tâm lý, không nên dùng thuốc ngay, chỉ nên hướng dẫn con cái hành động có trách nhiệm và hòa hợp với số đông.
Bệnh tâm thần phân liệt tuy thường xảy ra khi từ 18 hay 19 tuổi trở lên, nhưng cũng có trẻ bị vướng vào. Thay đổi tính khí, có vẻ hết sức vụng về và buồn bã là những dấu hiệu thường thấy, nhưng cha mẹ phải tỉnh táo, có khi đây chỉ là dấu hiệu của bệnh ADHD-Attention Deficit-Hyperactivity Disorder.
Tuy nhiên khi trẻ biếng ăn, ít ngủ hay nổi nóng bất thường, không tập trung lâu được và sự vụng về kéo dài, ăn nói bất thường thì phải nghĩ đến bệnh TTPL. Phương pháp trị liệu thường là talk therapy, có sự góp sức của người thân. Dùng thuốc thì cẩn thận hiệu quả phụ là tăng cân.
Cuối cùng là dạng ADHD, thường xuất hiện từ 3 đến 6 tuổi hay có khi nhiều tuổi hơn. Bệnh này rất khó bị phát giác vì trẻ con thường hiếu động, không phải đứa “siêu quậy” nào cũng bị ADHD, ngoài ra chưa kể con trai hay bị ‘dòm ngó’ hơn vì con gái dịu dàng ít phá phách.
Chỉ khi nào con cái nói luôn mồm, không hiểu và thực hiện được các hướng dẫn đơn giản của người lớn, cảm thấy buồn chán quá nhanh chóng, không ngồi vững vàng và yên lặng trong vòng vài mươi giây, nhất là lúc ăn cơm thì phải nghĩ là nó đã bị ADHD.
Để ý khi thấy con mình không bao giờ để cho một người lớn nói hết câu cứ chen vào ngắt lời ‘tươm tướp’ cũng là dấu hiệu bệnh. Cách chữa trị thường là behavioral therapy, dạy trẻ cách sắp xếp lại tư tưởng và hành vi. Có thể dùng thuốc để trị bệnh, nhưng phải do bác sĩ chuyên khoa theo dõi.

ĐôĐH (10H) st


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét