Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

NHỚ BẠN Y HÒA

Lớp 10G chúng tôi rất tự hào vì có bạn Y Hòa, một người lính dũng cảm và một tình yêu trong sáng. Cuộc đời Bạn đẹp như một bản anh hùng ca.
Tôi còn nhớ, Bạn ấy dáng người cao lớn, nước da rám nắng và đôi mắt to đen. Có lẽ vì quá cao nên Bạn luôn ngồi ở bàn cuối lớp, gần cửa ra vào. Ở Bạn mang một vẻ cứng rắn, cương nghị khiến bọn con gái chúng tôi, chẳng dám đùa và cũng rất ít nói chuyện (trừ bạn Hoàng Dung ). Trông thế thôi , nhưng thực ra Bạn cũng hiền , khá kín đáo.
Điều làm chúng tôi hết sức bất ngờ, khi cuối học kỳ 1 lớp 10, Bạn tình nguyện đi bộ đội. Nghe nói đơn tình nguyện được viết bằng máu. Trong mắt chúng tôi, lúc ấy Bạn đã là một Người Anh hùng. Y Hòa là người lính đầu tiên của lớp và có lẽ cũng là người đầu tiên ở lớp có” Người thương’’( ấy là tôi đoán thế). Không ngờ tình yêu đẹp lại quá mỏng manh.

Vào khoảng năm 1974, khi bộ đội ta thắng lớn trên các mặt trận, chúng tôi náo nức đón chờ những người lính chiến thắng trở về, bỗng nghe tin rụng rời, Y Hòa đã hy sinh. Lúc ấy, tôi với bạn Dung đang học Sư phạm, tuy không cùng khoa, nhưng cùng ở ký túc xá, 2 phòng rất gần nhau. Tôi chứng kiến, nỗi đau tột cùng của Dung khi nghe tin dữ, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận đươc nỗi đau của một người, khi mất người Yêu. Có lẽ, tình cảm của hai bạn sâu nặng lắm nên Dung đã lập bàn thờ và để tang Y Hòa. Cuộc sống của sinh viên ở ký túc xá rất khó khăn, nhất là trong chiến tranh nên chiếc bàn học của Dung trên giường tầng trở thành bàn thờ. Ở đó có một tấm ảnh nhỏ của Y Hòa, một chiếc cốc buộc vào bàn để làm chỗ cắm hương. Chúng tôi chẳng có một mâm cơm cho” đúng nghĩa” để cúng Bạn , chỉ có những miếng bánh bột mỳ luộc , mà lúc đó SV gọi là “nắp hầm tăng xê”. Dù đơn sơ thế nhưng trên bàn thờ lúc nào cũng có hương thơm và hoa tươi ( hoa đồng nội được hái ở cánh đồng quanh trường ).
Những ngày sau đó, bếp tập thể cho ăn món gì, chúng tôi mời bạn Y Hòa “dùng” món đó, cảm giác thật gần gũi và thân thiết, dường như Bạn vẫn luôn ở bên, cùng lên giảng đường , cùng làm thí nghiệm và có lúc cùng đi tập quân sự với chúng tôi. Và giờ đây, Bạn ấy vẫn luôn ở trong trái tim chúng tôi

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên hình ảnh chiếc khăn tang trên mái đầu còn quá trẻ của bạn Dung, làm cả ký túc xá xót xa ! Ngày ấy, chúng tôi thầm ước, khi nào hết chiến tranh, sẽ đi tìm Bạn Y Hòa, nhưng thật hổ thẹn, vì cho đến hôm nay tôi vẫn chưa làm được điều ấy.
Khi gợi lại quá khứ này, tôi vô cùng xin lỗi bạn Dung, vì đã mạo muội chạm vào điều thầm kín, thiêng liêng trong trái tim bạn. Nhưng tôi nghĩ rằng, Y Hòa của bạn, và cũng là của NTk22 chúng ta. Nỗi đau này không của riêng ai …

Dù chiến tranh đã đi qua, nhưng âm vang của những năm tháng hào hùng và oanh liêt với những mất mát, đau thương không dễ quên đi trong tâm khảm của mỗi người. Tôi được biết ngày 27/7 hằng năm, vẫn có các bạn Vinh, Bảo, Thành(10H) và một số bạn nữa… vẫn trở lại chiến trường xưa để thăm và tưởng nhớ những người lính của NTk22 chúng ta đã vĩnh viễn nằm lại…. Và cảm động hơn, đáng trân trọng hơn khi có một người Bạn trong khóa chúng ta (Vũ Bá Dật 10H), từ nhiều năm nay, vẫn lặng lẽ xách ba lô con cóc lên đường tìm mộ đồng đội . Sau mỗi chuyến đi, chiếc ba lô của Bạn ấy không chỉ có hài cốt liệt sĩ mà còn vấn vương những câu chuyện ít ai hay tỏ! Còn nữa, những người lính trở về sau chiến tranh với sức vóc giảm phân nửa, giờ lại tiếp tục đối mặt với ốm đau bệnh tật…nhưng vẫn tiếp tục cống hiến cho xã hội, gia đình. Đó mới chỉ một góc nhìn về những người lính của NTk22 chúng ta, có lẽ còn nhiều điều tốt đẹp nữa tôi chưa được biết.

Xin ngàn vạn lần cám ơn ! Các bạn đã hiến dâng tuổi xuân cho đất nước để chúng tôi đươc sống thanh bình . Dù thời gian có phôi phai, nhưng hình ảnh các bạn còn mãi trong tâm trí bạn bè! Cám ơn ! Các bạn đã làm một việc thẫm đượm tình bạn, giúp chúng ta - NTk22 “đền ơn đáp nghĩa” dù rằng, ơn nghĩa ấy không bao giờ trả hết!

Ngọc Hà 10g

Thăm nghĩa trang Trường Sơn

Hoàng Cát

Chiều lặng, rừng im, vắng tiếng chim
Bạt ngàn mộ chí rải im lìm
Cháy như trời lửa: dàn hoa phượng
Cháy giữa hồn ta lửa đốt tim

Các anh, các chị không còn nữa
Chẳng biết hồn thiêng ở chốn nào?
Một bó hương này xin cúi lạy
Gửi vào đất thẳm với trời cao…
Nhiều anh, nhiều chị chẳng còn tên
Chiến tranh muôn kiếp âu là thế
Người hưởng thanh bình chớ vội quên…

1 nhận xét:

  1. Thật là cảm động và mãi mãi nhớ ơn tất cả các Ông, cha, anh, bạn bè đã cống hiến tuổi thanh xuân và quyết tử cho đất nước được thống nhất bình yên!
    Tôi cũng được biết sắp tới Nguyễn Quanh Vinh (10H) tình nguyện vào Quảng Trị để lo việc đưa hài cốt của đồng đội ra Bắc với gia đình.

    Trả lờiXóa