Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

VƠI ĐẦY SÔNG VẪN CHẢY XUÔI (Trích)

Vân Quế
Đối chiếu với “ Hoài Đức phủ toàn đồ”- tấm bản đồ đầu tiên được vẽ bằng phương pháp hiện đại vào năm 1831 mới thấy, diện mạo sông hồ Hà Nội từ đó tới nay đã khác xưa nhiều lắm. Những dòng sông gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long- Hà Nội, những dòng sông luôn hiện hữu trong mọi công trình nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội nay đang biến dạng và có nguy cơ bị xóa sổ…

Những con sông hoài niệm

…Còn một con sông đã được nhiều nhà sử học dày công tìm hiểu, nhưng giờ vẫn chỉ dừng lại ở những giả thiết, đó là dòng Ngọc Hà(sông Ngọc). Cái tên sông Ngọc gợi cho người ta nhớ về hình ảnh đài các, gắn liền với phủ chúa cung vua. Theo PGS.TS Tống Trung Tín- Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, sông Ngọc có vào khoảng thế kỷ thứ 15. Đáng tiếc là nó không được nhắc đến trong bản đồ Hồng Đức (dù bản đồ này vẽ chi tiết về các dòng sông khác như Thiên Phù, Tô Lịch..) thế nhưng, căn cứ vào dấu tích khảo cổ, quanh vùng Ngọc Hà hiện nay lại chứng minh rằng, có một dòng sông chảy qua Cấm Thành Thăng Long. Vào khoảng cuối năm 1999, các nhà khảo cổ học đã tìm ra dấu tích của sông hồ thời Lê sơ tại khu vực Hậu Lâu với các hiện vật cầu bến bằng đá, dấu tích các loại cỏ cây mang hơi hướng của sinh vật biển. Phát hiện quan trọng nhất là vào năm 2003, khi tiến hành khai quật khu di chỉ 18 Hoàng Diệu, cả một dòng sông cổ đã phát lộ tại khu A và khu B. Con sông này có niên đại thời Lê sơ. Lòng sông còn chứa nhiều vỏ ốc cùng các thực vật dưới nước. Quan trọng hơn cả, trong lòng sông còn tìm thấy cả một con thuyền cùng mái chèo sơn son thếp vàng có niên đại chính xác vào thế kỷ 15. Sự sang trọng của hiện vật đã đem đến cho các nhà nghiên cứu thông tin rằng, khi xưa đây chính là đồ dùng của vua chúa. Trong mấy chục nghìn mét vuông khai quật tai di chỉ 18 Hoàng Diệu, chỉ duy nhất khu A và khu B có dấu tích sông, các địa điểm còn lại chỉ là dấu tích những hồ có bán kính nhỏ. Hiện chỉ có một tài liệu duy nhất nhắc đến con sông này là “ Hà Nội địa dư “ do Dương Bá Cung soạn năm Tự Đức thứ 4 (1851), theo đó, sông Ngọc Hà có hai nhánh bắt nguồn từ một hồ lớn trong làng Ngọc Hà, là một dòng sông tự nhiên nước rất trong. Ông Tống Trung Tín cho biết thêm, rất có khả năng, con sông cổ, tại di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu là một đoạn của dòng Ngọc Hà…

Báo “An ninh Thủ đô” số Xuân Tân Mão
Nguyễn Trãi K22

1 nhận xét:

  1. Tiếc cho con sông Ngọc và nhớ phố Ngọc Hà quá!
    Ngày trước, chạy song song với 1 đoạn phố Ngọc Hà còn có con rạch nhỏ và rặng nhãn nữa.
    Hà Nội mà giữ được các Sông Hồ thì sẽ là thủ đô có phong cảnh đẹp nhất thế giới!

    Trả lờiXóa